QĐND - Cả nước đã biết đến Đoàn Tàu không số huyền thoại được xác lập từ năm 1961 nhưng ít người biết, trước đó 5 năm (1956), bằng tầm nhìn chiến lược, Bộ Chính trị mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã bí mật chỉ đạo việc thiết lập một đường dây tình báo trên biển, với tên gọi Đội thuyền 128. Trên mặt trận thầm lặng, Đội thuyền 128 đã lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần tạo nên sự huyền thoại của Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Khai thông bế tắc liên lạc
Tháng 7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Chính phủ Pháp buộc phải công nhận quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam. Nhưng với bản chất hiếu chiến và xâm lược, đế quốc Mỹ thay chân Pháp nhảy vào miền Nam nước ta, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm hòng biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới. Cuối năm 1955, chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách “tố Cộng, diệt Cộng” vô cùng thâm độc, đánh phá ác liệt và kiểm soát gắt gao vùng giới tuyến. Đặc biệt, công tác giao thông tình báo của ta gặp vô vàn khó khăn.
Trước bức xúc của nhiệm vụ, trong bối cảnh cách mạng miền Nam yêu cầu bức thiết sự lãnh đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng; sự chi viện kịp thời của miền Bắc... đòi hỏi giao thông phải mở đường đi trước. Nhiệm vụ đó thôi thúc ngành Tình báo phải khẩn trương, tích cực đẩy mạnh công tác giao thông. Đầu năm 1956, lãnh đạo, chỉ huy Nha Liên lạc (Cục Quân báo, Bộ tổng tham mưu (nay là Tổng cục 2) đã xác định nhiệm vụ: “Trước tiên cần tập trung lực lượng giải quyết về tổ chức giao thông và duy trì được thông suốt". Một phương án đặt ra là: Bằng mọi cách, tình báo phải mở đường trên biển nhằm khai thông bế tắc liên lạc, đáp ứng yêu cầu của trên và nhiệm vụ tình báo đặt ra lúc này.
Tháng 3-1956, hai tổ thuyền đầu tiên được thành lập, đó là tổ thuyền Thống Nhất và tổ thuyền Trung Hòa. Chi bộ các tổ thuyền xác định: Cho dù địch đánh phá, có thể bị bắt, có thể hy sinh, nhưng nhiệm vụ Đảng giao bằng mọi giá phải hoàn thành. Và với những chiếc thuyền nan thuở ban đầu, các chiến sĩ giao liên tình báo dũng cảm vượt qua giới tuyến vào Huế, Đà Nẵng... trước sự kiểm soát gắt gao của địch để nối thông đường giao thông.
Tuy nhiên, để có được thắng lợi bước đầu đó, phải kể đến công sức của đội ngũ cán bộ tình báo hoạt động ở Liên khu 5. Theo đó, từ những năm 1954, 1955, đội ngũ cán bộ tình báo này đã có sáng kiến xây dựng trước một cơ sở giao thông thủy; đồng thời tổ chức đầu tư tiền bạc lo phương tiện và điều kiện nhằm sẵn sàng phục vụ tình báo mở đường trên biển ra Bắc. Đầu năm 1956, Nha Liên lạc phái cán bộ trực tiếp vào trạm đầu cầu ở Vĩnh Linh để nắm tình hình, tiếp cận địa bàn; nghiên cứu, tổ chức những chuyến đi thử và xác định hành trình cơ động; điều kiện và khả năng của từng bến, bãi... Theo chỉ đạo của Trung ương, tháng 3-1956, Trạm Vĩnh Linh tiếp tục tổ chức nhiều chuyến đi kiểm tra, khảo sát, nắm tình hình địa bàn vùng Thanh Khê, Xuân Hà, Đà Nẵng và thu thập các loại mẫu giấy tờ, con dấu cần thiết để trang bị hợp thức hóa cho đội thuyền ở Vĩnh Linh. Đó là những chuyến thuyền khai phá mở đường trên biển ra Bắc đầu tiên của ngành tình báo, góp phần mở ra ý tưởng táo bạo hình thành những con tàu "không số" vượt đại dương, tiếp tế cho chiến trường miền Nam.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Đội thuyền 128 anh hùng. Ảnh tư liệu |
Đường dây tình báo trên biển
Từ hai tổ thuyền ban đầu, ngành tình báo đã phát triển thành đội thuyền mang phiên hiệu Đội thuyền 128, gồm 26 tổ thuyền với lực lượng 183 đồng chí, có nhiệm vụ: Bảo đảm thông tin liên lạc tình báo từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc; tổ chức thực hiện các việc phái khiển cán bộ cơ động đi theo kế hoạch của cấp trên.
Đội thuyền hoạt động theo nguyên tắc bí mật, cự ly, đơn tuyến. Mỗi thuyền được hợp thức hóa về người, phương tiện, giấy tờ theo từng địa phương như thẻ ngư phủ, thẻ căn cước do chính quyền ngụy cấp; có câu chuyện ngụy trang phù hợp theo từng vùng. Bằng hình thức đột qua ranh giới, hướng thẳng Biển Đông, xuôi dần vào Nam, nhằm thẳng địa điểm đến, sẵn sàng đột nhập lên bờ vào ban đêm, rồi nhanh chóng lui ra để đến điểm đỗ khác, tránh sự theo dõi của địch. Khi thấy tình hình giới tuyến có biến động thì tổ chức vượt ở điểm khác, hoặc cho đội thuyền tiến thẳng ra hải phận quốc tế, sau đó chờ thời cơ cập bến ở địa điểm khác.
Do yêu cầu công tác nắm địch ngày càng khẩn trương, các chuyến liên lạc tăng, đội thuyền phát triển lên nhiều tổ thuyền, đường đi dài hơn, từ cửa biển biên giới phía Bắc đến tận cửa biển Nha Trang, Phan Thiết… thuộc vùng địch kiểm soát. Mặt khác, yêu cầu bảo đảm nhịp độ giao thông ngày càng tăng và thời gian mỗi chuyến liên lạc Bắc-Nam ngày càng rút ngắn, lại hoạt động trong điều kiện Mỹ-ngụy kiểm soát gắt gao đòi hỏi bản lĩnh, khả năng sáng tạo trong xử lý tình huống của từng người, từng tổ. Phương tiện đi biển của mỗi thuyền chỉ vẻn vẹn một chiếc la bàn cũ, nhiều khi cán bộ, giao liên của ta phải nhìn trăng, sao để xác định hướng đi. Mỗi chuyến đi gặp biết bao khó khăn nguy hiểm, hải quân ngụy tuần tiễu kiểm soát gắt gao, có chuyến địch kiểm tra tới 31 lần. Có lần, để bảo đảm bí mật đường dây liên lạc, cán bộ, giao liên của tổ buộc phải hủy thuyền rồi bơi vào bờ. Có chuyến gặp bão biển liên tiếp, thuyền phải neo cả tuần ở đảo vắng, hoặc kẹt ở bến cảng của địch hàng tháng trời. Nhưng với tinh thần mưu trí, các chiến sĩ giao thông tình báo đã bình tĩnh đối phó với địch, bảo đảm an toàn tài liệu, phương tiện và người.
Từ khi thành lập đến tháng 4-1975, Đội thuyền 128 đã tổ chức thành công 263 chuyến đưa đón cán bộ, chuyển nhận tài liệu, vũ khí... Nhiều tổ thuyền lập được chiến công xuất sắc, trong đó phải kể đến tổ thuyền Tiền Phong đã thực hiện 46 chuyến đưa cán bộ vào chiến trường, cán bộ về miền Bắc; liên lạc với cán bộ địch hậu 23 lần, giao nhận tài liệu và đưa cán bộ, tiếp tế tài chính xây dựng căn cứ B41 tại Ninh Thuận (mật khu 19), căn cứ B44 tại Phú Yên, sau đó chuyển đến Ninh Hòa (Khánh Hòa). Đặc biệt, đồng chí Trần Tấn Mới, phụ trách tổ thuyền được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 1973. Có lần, tổ thuyền của đồng chí Trần Tấn Mới đi bằng thuyền thủ công rất vất vả, có chuyến gặp bão lớn 12 ngày liền phải neo thuyền ở đảo trống thuộc vùng địch kiểm soát. Có chuyến do gặp khó khăn thuyền phải nằm lại bến bãi của địch hơn hai tháng, nhưng với tinh thần mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, đoàn kết, Trần Tấn Mới cùng anh em tổ thuyền đã vượt qua. Có chuyến 11 lần gặp địch; có lần đồng chí bị địch vây tới 7 ngày, nhưng vẫn bình tĩnh tìm cách thoát khỏi vòng vây, làm tròn nhiệm vụ đưa đón cán bộ và tài liệu ra vào an toàn. Không chỉ là một thuyền trưởng giỏi, đồng chí Trần Tấn Mới còn là một giao thông viên có kinh nghiệm hoạt động trong vùng địch, có năm đồng chí đi 5 chuyến liên tục Bắc-Nam bảo đảm an toàn bí mật. 17 năm liền đảm nhiệm công tác bằng đường biển, đồng chí Trần Tấn Mới đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trong quá trình hoạt động mưu trí, dũng cảm bằng những chiếc thuyền lênh đênh trên biển cả, giữa vòng vây dày đặc của kẻ thù, Đội thuyền 128 luôn giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, khí tiết của người chiến sĩ tình báo; lấy trí tuệ và lòng trung thành với Đảng để chiến thắng địch, chiến thắng thời tiết, vượt qua những điều kiện khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đội có 43 đồng chí bị địch bắt, tù đày, 10 đồng chí anh dũng hy sinh để con đường giao thông tình báo trên Biển Đông luôn thông suốt, hiệu quả. Ngày 25-8-1970, Đội giao thông tình báo trên biển 128 vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Hà Phương