Bài 1: Cuộc chiến thầm lặng với “quái vật chiến tranh”
Chất độc da cam/đi-ô-xin được ví như “quái vật chiến tranh”, bởi nó gây hậu quả hết sức nặng nề và lâu dài. Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng tại một số địa bàn ở miền Trung, miền Nam, lượng chất độc da cam tồn lưu còn khá lớn. Phát huy truyền thống “Phòng chống tốt, chiến đấu giỏi”, với tinh thần chủ động, sáng tạo, BĐHH đã không quản ngại khó khăn, độc hại, nguy hiểm, từng bước khống chế, xử lý hiệu quả các “điểm nóng” ô nhiễm loại chất độc chết người này.
Vượt lên gian khó, hiểm nguy
Chất độc da cam là chất diệt cỏ, được xếp vào hàng những chất nguy hiểm nhất được biết cho đến nay, không chỉ bởi nó gieo rắc cái chết, hủy hoại môi sinh, môi trường, mà còn để lại di chứng cho nhiều đời sau. Ước tính, trong 10 năm (1961-1971), gần 80 triệu lít chất diệt cỏ, trong đó có khoảng 45 triệu lít chất da cam (chứa khoảng 366kg đi-ô-xin) đã được quân đội Mỹ sử dụng, rải xuống miền Nam Việt Nam, cùng hơn 9.000 tấn chất độc CS, đạn dược chứa chất độc CS, gây hậu quả thảm khốc “có một không hai” trên thế giới.
Bộ đội hóa học xử lý chất độc CS tồn lưu tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: KHÁNH HƯNG
Nhiều năm qua, BĐHH đã dũng cảm, thầm lặng chiến đấu, thu gom, xử lý loại chất độc “tử thần” này, làm hồi sinh những “vùng đất chết”, trả lại môi trường sống an toàn cho người dân. Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Phạm Đức Thọ, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BCHH, khẳng định: Điều tra, thu gom, xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh được xác định là nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”. Đảng ủy Binh chủng đã ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, đồng thời giao từng cấp ủy, chỉ huy, triển khai thực hiện một cách khoa học, đồng bộ.
Theo khảo sát, đánh giá của các cơ quan chức năng, ước tính toàn quốc có hơn 600.000m3 đất nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin; tập trung chủ yếu tại 7 sân bay, căn cứ quân sự dưới chế độ cũ ở miền Trung, miền Nam, trong đó 3 khu vực được xác định là “điểm nóng” ô nhiễm ở mức độ khá cao.
Trở về sau đợt làm nhiệm vụ chôn lấp, cô lập chất độc da cam/đi-ô-xin tại khu vực Sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), Thiếu tá Bùi Trung Thành, Trợ lý Phòng Công nghệ xử lý môi trường, Viện Hóa học và Môi trường quân sự (HH-MTQS) thuộc BCHH lại bắt tay ngay vào nghiên cứu, điều chế các hóa chất, để tìm ra biện pháp, cách thức khống chế, xử lý hiệu quả chất độc hóa học tồn lưu. Anh cho biết: Tại khu vực Sân bay Biên Hòa, diện tích đất bị nhiễm loại chất độc da cam/đi-ô-xin còn khá lớn. Thời gian đầu, khi chúng tôi đến làm nhiệm vụ, toàn bộ khu tây nam sân bay là bãi đất hoang, sình lầy, mùi hóa chất diệt cỏ (do quân đội Mỹ bỏ lại) bốc hơi nồng nặc. BĐHH phải sử dụng máy xúc loại lớn, múc sâu hơn 3m vẫn chưa hết lớp đất bị nhiễm. Tiếp đó, anh em phải buộc dây, bám theo gầu máy xúc xuống hố sâu để lấy các mẫu đất, đưa về nghiên cứu, phân tích...
Khó khăn, nguy hiểm với cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ này khó có thể kể hết. Đặc biệt, để tránh tối đa việc phát tán ô nhiễm chất độc hóa học vào nguồn nước, việc xử lý chất độc hóa học tồn lưu phải thực hiện trong mùa khô. Bộ đội tham gia xử lý phải làm việc trong điều kiện nắng nóng khắc nghiệt, môi trường độc hại, với trang phục bảo hộ đặc chủng kín tuyệt đối. Đại tá, Tiến sĩ Võ Thành Vinh, Viện trưởng Viện HH-MTQS, cho biết: Với cường độ làm việc cao, điều kiện khắc nghiệt làm suy giảm nhanh sức lực, thậm chỉ có thể gây “sốc nhiệt”. Do vậy, cán bộ, chiến sĩ tham gia xử lý phải được huấn luyện tốt và qua kiểm tra sát hạch về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, công tác an toàn; phải có kiến thức cơ bản, chuyên sâu, đặc biệt phải có thể lực tốt, bản lĩnh vững vàng, hết mình vì nhiệm vụ.
Những năm qua, BĐHH đã xử lý, cô lập được khoảng 150.000m3 đất nhiễm tại khu vực Sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), hơn 7.500m3 đất nhiễm tại Sân bay Phù Cát (Bình Định); đã và đang kiểm soát tốt khả năng lan tỏa của chất đi-ô-xin ra môi trường xung quanh tại các “điểm nóng” khác, đồng thời phát hiện, thu gom và xử lý được hơn 400 tấn chất độc CS và đạn dược chứa chất độc CS…; được Nhà nước, Bộ Quốc phòng, các địa phương ghi nhận, đánh giá cao.
Sáng tạo làm chủ công nghệ xử lý
Mối nguy hiểm tiềm tàng của chất độc da cam/đi-ô-xin luôn là vấn đề nhức nhối và nóng bỏng không những ở Việt Nam, mà còn của nhiều quốc gia khác, ngay cả với nước Mỹ-nơi từng sản xuất, sử dụng và đưa sang Việt Nam thứ chất độc chết người này. Những năm gần đây, BCHH đã triển khai 12 dự án, 2 đề tài cấp Nhà nước, 3 đề tài cấp Bộ Quốc phòng và 4 nhiệm vụ khoa học phục vụ khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh; đã phối hợp với Bộ CHQS các tỉnh, thành phố thuộc các Quân khu 4, 5, 7, 9 tiến hành điều tra ô nhiễm tại 293 huyện, thị xã, thành phố của 34 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Viện HH-MTQS là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này; đã nghiên cứu thành công nhiều đề tài khoa học để xử lý và ngăn chặn hiệu quả sự lan tỏa ô nhiễm chất độc hóa học ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe của người dân sinh sống gần các khu vực “điểm nóng” ô nhiễm. Kết quả các đề tài nghiên cứu là cơ sở để viện lựa chọn, xây dựng những công nghệ xử lý phù hợp với điều kiện thực tế nước ta.
Một công nghệ được đội ngũ cán bộ của BCHH nghiên cứu thành công và ứng dụng hiệu quả là công nghệ chôn lấp cô lập và chống lan tỏa chất độc da cam; bước đầu được ứng dụng hiệu quả để xử lý đất nhiễm. Tại Sân bay Biên Hòa, từ năm 2005 đến nay, với công nghệ này, BCHH đã triển khai và xử lý an toàn hơn 150.000m3 đất nhiễm nồng độ cao. Tuy nhiên, việc chôn lấp, cô lập chất độc tồn lưu mới chỉ là giải pháp tạm thời, nhằm ngăn chặn ô nhiễm đi-ô-xin ra môi trường xung quanh. Đất nhiễm chất độc hóa học đã chôn lấp cô lập cần phải được tiếp tục xử lý triệt để bằng công nghệ thích hợp. Trước thực tế trên, từ năm 2012, phát huy nội lực kết hợp nguồn tài trợ quốc tế, BCHH đã phối hợp triển khai các dự án khắc phục hậu quả chất độc da cam/đi-ô-xin, với nhiều thử nghiệm đã được thực hiện, nhằm lựa chọn công nghệ tối ưu.
Các cán bộ chuyên môn của BCHH cho biết, tại khu vực Sân bay Phù Cát, Bình Định, binh chủng đã tư vấn và giám sát công nghệ, phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 triển khai việc chôn lấp 7.500m3 đất nhiễm chất độc da cam; đồng thời tham gia đánh giá và giám sát công nghệ tẩy độc đi-ô-xin tại khu vực Sân bay Đà Nẵng, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Trong giai đoạn 1, đã hoàn thành xử lý triệt để hơn 40.000m3 đất nhiễm. Giai đoạn 2, đang tiếp tục xử lý khối lượng đất còn lại để trả lại hơn 191.000m2 đất khu vực sân bay không còn bị ô nhiễm.
Tuy nhiên, theo Đại tá Trương Minh Lý, Chính trị viên Viện HH-MTQS: Việc xử lý theo công nghệ trên rất tốn kém, đòi hỏi lượng kinh phí rất lớn, do vậy khó có thể đem áp dụng xử lý số lượng lớn đất nhiễm. Bên cạnh đó là một số vấn đề đặt ra, như kiểm soát khí thải, nước thải trong quá trình xử lý đất nhiễm và xử lý triệt để chất độc da cam/đi-ô-xin trong vật liệu sau khi hấp thụ và xử lý. Do vậy, việc lựa chọn, xây dựng công nghệ xử lý phù hợp với điều kiện Việt Nam là hết sức cần thiết.
Trên cơ sở các kết quả khảo sát, đánh giá thực tế; nghiên cứu và tham khảo công nghệ xử lý chất độc đi-ô-xin trên thế giới, cán bộ, kỹ sư Viện HH-MTQS đã triển khai đề tài “Nghiên cứu lựa chọn công nghệ xử lý triệt để đi-ô-xin trong đất và trầm tích, phù hợp điều kiện Việt Nam”, nhằm đạt được tiêu chí xử lý triệt để, không gây ô nhiễm môi trường, có tính khả thi, có thể triển khai ở quy mô lớn và nhất là chi phí xử lý phải phù hợp. Theo đó, công nghệ tích hợp xử lý triệt để chất độc da cam/đi-ô-xin trong đất và trầm tích đã được viện đề xuất. Sau khi nghiên cứu thành công tại phòng thí nghiệm, Viện HH-MTQS đã xây dựng hệ thống xử lý thử nghiệm dạng pilot, quy mô 50kg/giờ, vận hành theo đúng các thông số được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và thiết kế chế tạo để áp dụng ngoài hiện trường. Đại tá, Tiến sĩ Võ Thành Vinh khẳng định: Đề tài đã được Hội đồng tư vấn khoa học nghiệm thu đánh giá cao cả về khoa học và thực tiễn. Với thành công ở quy mô pilot, thời gian tới, việc triển khai xử lý đất nhiễm đi-ô-xin ở quy mô lớn hơn là hoàn toàn khả thi. Khi được ứng dụng rộng rãi, BĐHH sẽ đẩy nhanh hơn tiến độ, xử lý an toàn, triệt để chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh tại các “điểm nóng” ô nhiễm, phù hợp thực tế và điều kiện Việt Nam, sớm trả lại môi trường sống an toàn cho người dân và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
PHẠM QUÂN - TRỊNH DŨNG
(còn nữa)