Đài ra-đa P-37 do Liên Xô (trước đây) chế tạo sử dụng linh kiện đèn sóng chạy UV-394. Sau một thời gian sử dụng, các đèn sóng chạy bị già, giảm độ nhạy, hệ số tạp tăng, làm giảm khả năng phát hiện mục tiêu của ra-đa. Để thay thế đèn sóng chạy, nâng cao độ nhạy của các đài ra-đa, các nhà khoa học đã thiết kế, lắp đặt bộ khuếch đại bán dẫn siêu cao tần có hệ số tạp thấp vào đầu máy thu của đài. Nhưng do đài ra-đa P-37 sử dụng đèn cặp nhả điện bảo vệ máy thu là loại đèn không có điện áp mồi, do vậy thời gian đóng máy thu bị trễ vài chục na-nô giây, công suất lọt từ máy phát sang máy thu có đỉnh xung lớn, dễ gây hỏng bộ khuếch đại bán dẫn siêu cao tần tạp thấp. Các nhà khoa học Viện Ra-đa (Viện Khoa học và Công nghệ quân sự) đã nghiên cứu chế tạo và lắp đặt bộ hạn chế công suất có hại để bảo vệ an toàn bộ khuếch đại bán dẫn siêu cao tần tạp thấp của ra-đa.

Bộ hạn chế công suất được thiết kế gồm các phần: Bộ hạn chế thụ động đi-ốt PIN, bộ lọc dải thông dạng cài răng lược và bộ hạn chế tích cực. Bộ hạn chế công suất bố trí giữa hộp phóng điện và bộ khuếch đại tạp thấp của máy thu để hạn chế công suất lọt của xung phát rò sang. Kết quả trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm thực tế, khi máy thu lắp thêm bộ hạn chế công suất, độ nhạy của máy thu không bị ảnh hưởng đáng kể. Nhờ có bộ hạn chế công suất mà xung lọt đỉnh trong thời gian phát bị suy giảm, không đủ cường độ để đánh hỏng bộ khuếch đại bán dẫn siêu cao tần tạp thấp, giữ cho tuổi thọ của chúng đạt đúng theo thiết kế là 5.000 giờ.

NGUYỄN BẮC PHƯƠNG