Với những nét văn hóa, phong tục tập quán, đặc điểm tâm lý của chiến sĩ người DTTS đã đặt ra yêu cầu mới trong hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị và huấn luyện của đơn vị. Báo Quân đội nhân dân giới thiệu kinh nghiệm, cách làm sáng tạo, điển hình của Sư đoàn 10 trong huấn luyện, giáo dục chiến sĩ là con em đồng bào DTTS... Chiến sĩ người DTTS ở Sư đoàn 10 chiếm tỷ lệ gần 50% quân số, chủ yếu là các dân tộc, như: Gia Rai, Ba Na, Ê Đê, Mơ Nông, Xơ Đăng… Phong tục, lối sống của đồng bào DTTS hình thành nên những nét văn hóa độc đáo. Vì vậy, phát huy giá trị văn hóa Tây Nguyên trong tiến hành công tác tư tưởng (CTTT) đối với chiến sĩ người DTTS là bài học thành công ở Sư đoàn 10.             

Hộp thư chính ủy và “già làng trong đơn vị”

Khi biết chúng tôi tìm hiểu về CTTT đối với chiến sĩ người DTTS, Thượng tá Nguyễn Bá Mai, Chính ủy Trung đoàn 28 nói ngay: “Dễ thì rất dễ, nhưng khó cũng cực kỳ khó”. Theo đồng chí Chính ủy Trung đoàn 28, cái khó nhất chính là tâm lý mặc cảm, tự ti và sống khép kín của chiến sĩ người DTTS. Vì vậy, Trung đoàn chủ trương đa dạng hóa hình thức, phương pháp tiến hành CTTT. Nhất là việc nắm tâm tư, tình cảm, diễn biến tư tưởng của chiến sĩ người DTTS. Kết hợp tốt giữa giáo dục chung với giáo dục riêng, xây dựng trung tâm, hạt nhân đoàn kết từ cán bộ, chiến sĩ người DTTS có nhận thức và uy tín cao trong đơn vị.

Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 20, Trung đoàn 24 quây quần bên nhau sau giờ huấn luyện.

Đại úy Phạm Đình Tuân, Chính trị viên Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 24) kể: Năm 2017, Binh nhất Rơ Ô Y Đới, chiến sĩ Trung đội 8 (Đại đội 7), quê ở xã Ia Mláh (Krông Pa, Gia Lai) đi phép lên có những biểu hiện khác thường. Bộc lộ rõ nhất là hiệu quả công việc thấp, vi phạm các quy định của đơn vị nhưng ai hỏi gì Y Đới cũng không nói. Đơn vị phải hướng dẫn cho tiểu đội trưởng là người DTTS có uy tín cách tiếp cận và hỏi chuyện thì Y Đới mới cỡi lòng: “Thầy bói nói mình đang có hạn nặng và chỉ sống được một thời gian ngắn nữa thôi. Mình sắp chết rồi còn học tập, phấn đấu làm gì nữa”. Biết rõ nguyên nhân sự việc, đơn vị đã phối hợp với gia đình, địa phương giải thích cho Y Đới hiểu rõ bản chất của những hủ tục, mê tín dị đoan. Phân công cán bộ kèm cặp giúp đỡ và một thời gian sau Y Đới trở lại trạng thái tâm lý bình thường”.

Kinh nghiệm tiến hành CTTT đối với chiến sĩ người DTTS ngoài những hình thức, biện pháp chung thì phải xây dựng được những người uy tín giống như các già làng ở địa phương, để khi gặp chuyện buồn vui, chiến sĩ người DTTS tìm đến tâm sự, chia sẻ. Thượng tá Nguyễn Bá Mai để hộp thư riêng của mình nhằm tạo điều kiện cho mọi chiến sĩ gửi thư hoặc gặp trực tiếp phản ảnh tâm tư, nguyện vọng với chính ủy. Trung đoàn 24, Trung đoàn 66 phát huy tốt vai trò của chiến sĩ, tiểu đội trưởng người DTTS có trình độ, uy tín cao làm nòng cốt xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hướng dẫn học tập, huấn luyện cho chiến sĩ người DTTS.  

Truyền thanh nội bộ bằng tiếng Gia Rai

Trao đổi với Đại tá Nguyễn Thanh Phong, Chính ủy Sư đoàn 10 chúng tôi được biết, ngay sau khi tiếp nhận, huấn luyện chiến sĩ người DTTS, Đảng ủy, chỉ huy sư đoàn chủ trương xây dựng môi trường văn hóa của đơn vị gần gũi với cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Qua đó khơi dậy, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, làm cho chiến sĩ người DTTS tự tin và yêu mến đơn vị như chính buôn, làng của mình.

Minh chứng cho lời nói của mình, Chính ủy Sư đoàn 10 dẫn tôi đi tham quan các đơn vị và nghe một chương trình phát thanh nội bộ bằng tiếng Gia Rai của Trung đoàn 24. Chương trình có thời lượng 30 phút, nội dung phản ảnh hoạt động của đơn vị trong ngày, kết quả thi đua, lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa và gương người tốt, việc tốt… bằng tiếng Kinh và tiếng Gia Rai. Cùng nghe với chúng tôi có Binh nhất Siu Lin, chiến sĩ Tiểu đội 2 (Trung đội 2, Đại đội 20, Trung đoàn 24), là người Gia Rai quê ở huyện Chư Pưh (Gia Lai). Siu Lin rất phấn khích, tự hào vì tiếng của dân tộc mình được sử dụng trong chương trình phát thanh nội bộ của đơn vị. “Ngày mới vào đơn vị, dù chiến sĩ người DTTS lúc nào cũng chiếm gần 50% nhưng chúng tôi vẫn không tự tin giao tiếp, học tập, rèn luyện. Sau một thời gian ngắn mọi chuyện đã khác. Đó là nhờ cán bộ các cấp động viên, đồng đội thân thiện, môi trường văn hóa gần gũi với đời sống cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên” Siu Lin cho biết. Hiện nay, tất cả cơ quan, đơn vị của Sư đoàn 10 đều thực hiện phát thanh nội bộ bằng tiếng Gia Rai.

Quan sát, tìm hiểu khuôn viên, thiết chế văn hóa các cơ quan, đơn vị thuộc Sư đoàn 10, chúng tôi thấy từ nhà nấm, cây cảnh, vật dụng trang trí, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao đều lấy cảm hứng từ những nét văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên. Nhiều nhà nấm-nơi cán bộ, chiến sĩ nghỉ ngơi, vui chơi được thiết kế như nhà rông, những chiếc đàn T’rưng, đàn đá, đàn gió được trang trí bắt mắt, gần gũi với người Tây Nguyên. Điểm mạnh của chiến sĩ người DTTS Tây Nguyên là hoạt động văn hóa văn nghệ được phát huy hiệu quả. Liên hoan tiếng hát binh nhì tổ hằng năm từ tiểu đoàn đến sư đoàn; trò chơi âm nhạc; quà tặng âm nhạc; sinh nhật đồng đội; sinh hoạt văn nghệ vào tối thứ tư hằng tuần… không chỉ là món ăn tinh thần mà còn tạo sân chơi cho chiến sĩ người DTTS thể hiện tài năng.

NGUYỄN ANH SƠN