Ngày 5-12, Ban Chỉ đạo biên soạn Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả công tác biên soạn và kết quả biên soạn quyển 2 Địa lý quân sự. Chủ trì hội nghị có Trung tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo. Cùng dự có Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó trưởng ban chỉ đạo.
Trung tướng Phan Văn Giang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam là loại sách tra cứu cung cấp một cách hệ thống, toàn diện các tri thức về khoa học quân sự Việt Nam và thế giới qua các thời đại cũng như các ngành khoa học liên quan, bao gồm các kiến thức về xây dựng lực lượng vũ trang, lịch sử chiến tranh và nghệ thuật quân sự, vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, hậu cần quân sự... Đề án biên soạn bộ Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam gồm 6 quyển, được triển khai đồng bộ các công đoạn biên soạn từ năm 2007. Tính đến hết năm 2016, đã tổ chức biên soạn được 4.515 mục từ; biên tập khoa học 4.400 mục từ; biên tập kỹ thuật từ điển 3.480 mục từ; minh họa được 2.800 bản đồ, sơ đồ, ảnh. Năm 2015, đã in ấn, xuất bản quyển 1 – Lịch sử quân sự và đã nhận được phản hồi tích cực từ các đơn vị cá nhân sử dụng tài liệu. Đối với quyển 2 – Địa lý quân sự cũng đã được biên soạn chặt chẽ, khoa học, từ việc biên soạn kênh chữ, kênh hình và ấn phẩm xuất bản với 561 mục từ và dự kiến sẽ xuất bản vào đầu năm 2017. Công tác chỉ đạo từ điển ngành đến nay đã có 28 đơn vị tổ chức triển khai biên soạn 33 từ điển quân sự chuyên ngành và hiện đang cập nhật để tái bản “Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam” xuất bản bản năm 2004.
Trung tướng Phan Văn Giang biểu dương và ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan thực hiện biên soạn bộ Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam; đồng thời yêu cầu, trong thời gian tới, cần tập trung hơn nữa công tác tổ chức biên soạn; tích cực tham khảo các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ, chiến sĩ của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân; các thông tin dẫn trong bách khoa phải bảo đảm mang tính lịch sử, hiện tại và có giá trị khoa học cao; nội dung bám sát lĩnh vực quân sự; cách viết, câu từ trong bộ Bách khoa toàn thư phải dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tra cứu và thuận tiện trong quá trình sử dụng.
Tin, ảnh: PHAN ANH