Trong không khí rộn ràng, ấm áp những ngày Xuân Ất Tỵ 2025, với nhân dân xã Tân Hòa (Tân Châu, Tây Ninh) và nhiều bà con vùng biên giới Tây Ninh, niềm vui vẫn còn in đậm về chuỗi hoạt động trong Chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản” do Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Tây Ninh phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tổ chức. Chương trình tạo được ấn tượng khi các đơn vị trao hơn 2.000 suất quà trị giá hơn 900 triệu đồng, tặng gia đình chính sách, hộ nghèo vùng biên gắn với tổ chức sôi nổi nhiều hoạt động vui xuân, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ý nghĩa.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh cùng cán bộ các đơn vị trao đổi kinh nghiệm phổ biến pháp luật cho nhân dân.
|
Bà Nguyễn Thị Út, ở xã Tân Hòa, bày tỏ: Tham gia chương trình, chúng tôi vừa được tặng quà, vừa trải nghiệm nhiều hoạt động vui xuân ý nghĩa. Đặc biệt, thông qua các hoạt động, bộ đội đã kịp thời lồng ghép phổ biến về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tình hình an ninh biên giới và những âm mưu, thủ đoạn của tội phạm trong dịp Tết; tình huống mà các đối tượng lôi kéo vào buôn lậu, vi phạm pháp luật... Qua đó, bà con nhận rõ đúng, sai, nêu cao cảnh giác, cùng bộ đội đấu tranh, bảo vệ biên giới bình yên.
Theo chia sẻ của Đại tá Phạm Đình Triệu, Chính ủy BĐBP tỉnh Tây Ninh, thông qua chương trình, hoạt động cao điểm dịp Tết Ất Tỵ 2025 đã mang lại hiệu quả rất nổi bật, nhân dân đoàn kết, phấn khởi cùng bộ đội vui xuân, đón Tết, quản lý, bảo vệ, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới. Đây là một trong những mô hình hiệu quả trong thực hiện Đề án 1371 của BĐBP tỉnh Tây Ninh những năm qua.
Vùng biên giới Tây Ninh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, người dân nhập cư khó khăn, địa bàn có nhiều đường mòn, lối mở thông biên giới. Lợi dụng đặc điểm này, các loại tội phạm sử dụng nhiều thủ đoạn lôi kéo, móc ngoặc người dân bản địa tham gia vào đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, vi phạm an ninh biên giới..., nhất là vào thời điểm Tết.
Thực hiện Đề án 1371, BĐBP tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với các ban, ngành địa phương thành lập ban chỉ đạo; xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, già làng, trưởng bản tại cơ sở, làm nòng cốt. Lực lượng này thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng, có kiến thức, kỹ năng, gương mẫu chấp hành pháp luật. Bám sát đời sống bà con, tình hình nhiệm vụ, từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cho hơn 32.000 lượt người, trọng tâm là đối tượng dễ bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ vi phạm pháp luật, đối tượng yếu thế trong xã hội.
Hình thức chủ yếu thông qua nhiều mô hình, như: “Tổ tư vấn pháp lý”, “Ngày hội pháp luật”, “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”... Các mô hình đã phát huy vai trò các lực lượng, ban, ngành, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền pháp luật sát đối tượng; đồng thời kịp thời tham mưu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tạo chuyển hóa mạnh mẽ địa bàn, xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.
Địa bàn biên giới tỉnh Bình Phước, Đắk Nông có nhiều đơn vị thuộc Binh đoàn 16 (Bộ Quốc phòng) đứng chân, thời gian qua cũng có nhiều mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật thiết thực, hiệu quả. Nắm rõ tình hình biên giới tỉnh Bình Phước và khu vực Nam Tây Nguyên có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh đoàn 16 xác định thực hiện Đề án 1371 là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đột phá trong giáo dục pháp luật cho nhân dân. Binh đoàn chú trọng quản lý, giáo dục bộ đội nâng cao kiến thức, trình độ, đặc biệt là phải gương mẫu chấp hành pháp luật.
 |
Lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh phối hợp tặng quà người nghèo tại Chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản” Tết Ất Tỵ 2025. |
Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, với phương châm “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, cán bộ, chiến sĩ vừa tích cực hướng dẫn bà con sản xuất, ổn định cuộc sống, vừa tuyên truyền, phổ biến pháp luật với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sát tập quán, tâm lý, nhận thức, văn hóa của đồng bào. Nội dung chủ yếu về phòng, chống đuối nước; phòng, chống tội phạm ma túy, tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, khai thác lâm sản trái phép... Hình thức thông qua nhiều mô hình tiêu biểu, như: “Tổ tư vấn, phổ biến pháp luật”, “Phổ biến pháp luật bằng hai ngôn ngữ”...
Từ năm 2022 đến nay, Binh đoàn đã phổ biến, giáo dục pháp luật cho hơn 19.000 lượt người, xây dựng đơn vị, địa phương an toàn, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân chấp hành tốt pháp luật; đồng thời xây dựng nhiều công trình dân sinh trị giá hơn 7 tỷ đồng cho nhân dân; hỗ trợ, tặng quà đối tượng khó khăn hơn 13 tỷ đồng.
Ông Ma Sèo Páo, dân tộc Mông, ngụ tại xã Đắk Ngo (Tuy Đức, Đắc Nông), cho biết: “Được bộ đội Binh đoàn 16 đến tận nhà phổ biến pháp luật kết hợp hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nên gần 6ha cà phê, cao su của gia đình luôn tươi tốt, cho năng suất cao, kinh tế gia đình ổn định, từ đó, chúng tôi rất tin yêu bộ đội. Bà con đã nhắc nhở nhau phải làm theo những điều bộ đội hướng dẫn”.
Kiểm tra, khảo sát thực hiện Đề án 1371 tại một số đơn vị phía Nam, Đại tá Phạm Đức Hoài, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng, khẳng định: Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, triển khai nhiều mô hình, biện pháp hiệu quả trong thực hiện đề án; gắn việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với các hoạt động giúp dân, tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ trong các dịp lễ, Tết cổ truyền, nhiệm vụ trọng tâm. Nổi bật là giáo dục, quản lý cán bộ, chiến sĩ gương mẫu chấp hành pháp luật, gắn bó nghĩa tình với nhân dân, giúp dân hiệu quả, được đồng bào tin yêu; từ đó tuyên truyền, giáo dục, vận động bà con chấp hành tốt pháp luật, để lại ấn tượng đẹp trong lòng nhân dân về phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Bài và ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.