Thượng tá Trần Hữu Tùng, Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS Thanh Hóa cho biết: “Để xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, hằng năm Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh đã tổ chức rà soát, đăng ký số công dân trong độ tuổi thực hiện DQTV; chủ động xây dựng lực lượng DQTV đủ về cơ cấu, số lượng chú trọng nâng cao chất lượng”.

 Lực lượng dân quân thường trực xã Tam Chung, huyện Mường Lát tuyên truyền chủ trương, chính sách của  Đảng, Nhà nước cho nhân dân.

Nét nổi bật ở Thanh Hóa là trước khi kết nạp một công dân vào lực lượng DQTV đều được đưa ra lấy ý kiến dân chủ trước các cuộc hội nghị thôn, xóm và cơ quan. Nhờ đó, chất lượng DQTV các địa phương ở Thanh Hóa luôn bảo đảm, các chiến sĩ dân quân đã phát huy tinh thần, trách nhiệm, nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ.

Đại diện cấp ủy, chính quyền một số địa phương ở Thanh Hóa chia sẻ rằng, muốn nâng cao chất lượng DQTV trước hết phải làm tốt công tác phát triển đảng viên. Theo đó, chỉ tiêu phát triển đảng viên trong lực lượng DQTV được giao cụ thể đến từng chi bộ và lấy đó làm một trong những tiêu chí bình xét, phân loại kết quả cuối năm. Ở những địa phương khó khăn như địa bàn miền núi, vùng đồng bào tôn giáo, cơ quan quân sự tham mưu cho cấp ủy địa phương phân công các đồng chí trong Thường vụ trực tiếp chỉ đạo và xây dựng mô hình điểm phát triển đảng đối với lực lượng DQTV, từ đó rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình. Từ những chủ trương, cách làm phù hợp nên chất lượng chính trị, trong đó tỷ lệ đảng viên trong lực lượng DQTV ở Thanh Hóa không ngừng nâng lên. Hiện nay, lực lượng DQTV tỉnh Thanh Hóa chiếm tỷ lệ 1,26% so với dân số; tỷ lệ đảng viên trong lực lượng DQTV đạt 31,1%.

 Lực lượng dân quân thường trực thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát và Bộ đội Biên phòng tuần tra biên giới.

Cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng, Thanh Hóa còn biết đến là địa phương đi đầu trong công tác quan tâm, chăm lo, hỗ trợ lực lượng DQTV. Được biết, trước đây hầu như Ban CHQS xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đều làm việc chung phòng với một số ban, ngành khác; diện tích hẹp, điều kiện sinh hoạt, học tập, làm việc khó khăn, ảnh hưởng hiệu quả công tác. Nhưng với sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, đến nay cơ bản Ban CHQS xã, phường, thị trấn ở Thanh Hóa đã có phòng làm việc riêng, khang trang, kiên cố.

Dân quân thành phố Thanh Hóa tham gia diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Thanh Hóa. 

Nhằm bảo đảm cuộc sống và sự ổn định trong lực lượng DQTV, nhiều địa phương đã có những chính sách ưu tiên, tạo việc làm, cho vay vốn với lãi suất thấp để các chiến sĩ dân quân phát triển kinh tế. Cụ thể như ở thành phố Thanh Hóa, lực lượng DQTV được cấp ủy, chính quyền địa phương liên hệ, bố trí vào làm việc tại các nhà máy xí nghiệp trên địa bàn và đảm nhận một số công việc như tham gia Ban quản lý chợ; dịch vụ môi trường đô thị… Trong khi đó, một số xã ở các huyện Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy... thì giao cho trung đội dân quân cơ động một diện tích đất canh tác hoặc bảo vệ, thi công các công trình công cộng để gây quỹ hoạt động… Theo báo cáo của Ban Dân quân Bộ CHQS Thanh Hóa, hiện nay hầu hết lực lượng dân quân nòng cốt đều có việc làm và thu nhập ổn định tại địa phương. 

Dân quân tự vệ năm thứ nhất cụm 1 thành phố Sầm Sơn huấn luyện ném lựu đạn. 

Công tác huấn luyện cũng được cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm, chỉ đạo. Trong chương trình huấn luyện hằng năm, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế đưa các nội dung huấn luyện bổ trợ sát với đặc thù địa bàn. Là địa phương có 192km biên giới và hơn 100km bờ biển, thường gánh chịu hậu quả do thiên tai, bão lụt nên Thanh Hóa rất coi trọng việc xây dựng lực lượng dân quân tuyến biên giới và tuyến biển.

Ở các địa bàn trọng điểm trên tuyến biên giới như xã Na Mèo (Quan Sơn); thị trấn Mường Lát (huyện Mường Lát); Bát Mọt (Thường Xuân) có một tiểu đội dân quân thường trực. Hiện nay, toàn tỉnh có có 6 trung đội, 39 tiểu đội dân quân biển, được tổ chức và quản lý chặt chẽ từ tỉnh đến cơ sở, được trang bị cơ bản đầy đủ vũ khí, cơ sở vật chất, đảm bảo cho thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Các chiến sĩ dân quân biển được ví như những “cột mốc sống”, “tai mắt” trên biển khi vừa bám biển đánh bắt hải sản, phát triển kinh tế, vừa tích cực tham gia cùng các lực lượng bảo vệ ngư trường, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Lực lượng dân quân thị xã Nghi Sơn giúp nhân dân làm đường giao thông. 

Đại tá Lê Văn Trung, Chính ủy Bộ CHQS Thanh Hóa khẳng định: “Với sự chung tay, vào cuộc của các cấp, các ngành và sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy, chính quyền các cấp nên lực lượng DQTV luôn là lực lượng nòng cốt trong mọi nhiệm vụ ở địa phương. Nổi bật trong việc tham gia phối hợp giữ gìn tình hình an ninh chính trị; phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt và trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương”.

Bài và ảnh: NGỌC THĂNG