Mặt trận đã tập hợp đại biểu các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, các nhân sĩ yêu nước ở miền Nam, không phân biệt xu hướng chính trị, với tuyên ngôn và Chương trình hành động gồm 10 điểm (sau đây gọi tắt là chương trình).
Những nội dung cơ bản, cốt lõi trong chương trình của Mặt trận DTGPMNVN được xác định rõ: Đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ và chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, thành lập chính quyền liên minh dân tộc, dân chủ. Thực hiện chế độ dân chủ rộng rãi; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thực hiện cải thiện dân sinh. Xây dựng nền văn hóa giáo dục dân tộc, dân chủ; xây dựng một quân đội bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Thực hiện dân tộc bình đẳng, nam nữ bình quyền; ngoại giao hòa bình, trung lập; lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền, tiến tới hòa bình, thống nhất Tổ quốc; chống chiến tranh xâm lược, tích cực bảo vệ hòa bình thế giới.
Chương trình của Mặt trận DTGPMNVN góp phần giải quyết được vấn đề cơ bản chiến lược tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng-cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở miền Bắc, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam của Đảng ta. Chương trình đã cụ thể hóa những chủ trương của Đảng trong Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 về nhiệm vụ cơ bản của cách mạng ở miền Nam là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị đế quốc và phong kiến, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Nhiệm vụ trước mắt là đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, thành lập chính quyền liên hiệp dân tộc dân chủ ở miền Nam. Chương trình là ngọn cờ tư tưởng khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân và dân miền Nam. Những nội dung của chương trình cũng chính là văn kiện chính trị giúp cho Mặt trận DTGPMNVN trở thành một tổ chức cách mạng công khai đứng ra tổ chức, tập hợp lực lượng đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và tập đoàn tay sai Ngô Đình Diệm. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, mặt trận thực sự trở thành ngọn cờ lôi cuốn các tầng lớp nhân dân ở miền Nam anh dũng đứng lên đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ, hoàn thành sứ mệnh vẻ vang “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, thu non sông về một mối.
Từ khi thành lập đến tháng 2-1977 (hợp nhất với Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ, hòa bình Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành MTTQ Việt Nam), Mặt trận DTGPMNVN luôn phát huy vai trò đoàn kết và tập hợp lực lượng cách mạng, trong đó những nội dung cốt lõi trong “Chương trình mười điểm” vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay. Giá trị ấy có thể khái quát trên một số vấn đề cơ bản sau đây:
Một là, kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tiếp nối những tư tưởng cốt lõi về giải phóng miền Nam kết hợp với bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân trong chương trình của mặt trận, Đảng ta xác định nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay là “kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội”(1).
Hai là, phát huy mạnh mẽ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, dân chủ XHCN, ý chí, khát vọng vươn lên của toàn dân tộc, tạo thế và lực vững mạnh để phát triển đất nước. Một trong những nội dung rất cơ bản trong chương trình của Mặt trận DTGPMNVN là thực hiện dân chủ rộng rãi, tiến bộ nhằm lôi cuốn toàn thể các lực lượng trong toàn dân cho nhiệm vụ đánh đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai và tinh thần ấy được phát huy cao độ trong công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, Đảng ta xác định phải phát huy mạnh mẽ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phát huy dân chủ XHCN, ý chí, khát vọng vươn lên của toàn dân tộc, tạo động lực chủ yếu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Ba là, xây dựng và phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Nếu như Mặt trận DTGPMNVN có vai trò là một tổ chức liên minh quân sự và chính trị để tập hợp rộng rãi lực lượng cách mạng và phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nêu cao chủ nghĩa yêu nước của quân và dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, thì MTTQ Việt Nam hiện nay vẫn “là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài”(2) nhằm tập hợp, tạo dựng, phát triển các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh nhằm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.
Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm với nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đội ngũ cán bộ của Mặt trận DTGPMNVN là những cán bộ trung kiên, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, giữ cương vị Ủy ban Trung ương Mặt trận như các đồng chí: Nguyễn Hữu Thọ, Phùng Văn Cung, Võ Chí Công, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Định... đã lãnh đạo và phát huy vai trò của mặt trận thực sự trở thành người đại diện chân chính duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong năm 1975. Bài học về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong mặt trận đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đảng ta xác định xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có đủ “trí, tâm, tầm đức”, thực sự “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Năm là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động chính trị của Đảng ta trong toàn xã hội. “Chương trình mười điểm” của Mặt trận DTGPMNVN có giá trị như một cương lĩnh chính trị nhằm huy động và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đến nay tinh thần ấy cần phải được phát huy cao độ đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện có hiệu quả, thiết thực trong đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, thực hiện dân chủ trực tiếp, dân chủ tự quản ở cơ sở với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”; cán bộ, đảng viên thực hiện nêu gương trước quần chúng nhân dân bằng chính phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cán bộ, đảng viên “muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(3). Đồng thời, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tích cực tham gia cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta thật trong sạch, vững mạnh, củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
“Chương trình mười điểm” và sự ra đời của Mặt trận DTGPMNVN, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác: Đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược và bọn tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, tiến hành sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước và đã đạt được những thành tựu to lớn, chưa bao giờ đất nước ta có cơ đồ, vị thế, uy tín như hiện nay. Theo đó, “Chương trình mười điểm” của mặt trận còn nguyên giá trị, tiếp tục là một trong những cơ sở lý luận và bài học kinh nghiệm thực tiễn quý báu trong xác định đường lối, chiến lược, sách lược của Đảng ta trong giai đoạn mới.
Đại tá, PGS, TS NGUYỄN SỸ HỌA, Học viện Lục quân
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 147-148.
(2) Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2015, trang 7, 8.
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 16.