Trước tình hình mới, ngày 13-3-1978, tại căn cứ Đồng Tâm (Tiền Giang), Sư đoàn Bộ binh 339 thuộc Quân khu 9 được công bố thành lập, gồm ba trung đoàn bộ binh: Trung đoàn 8 (Trung đoàn 156) tiền thân là ba tiểu đoàn Anh hùng LLVT nhân dân của các tỉnh: Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang; Trung đoàn 9 (Trung đoàn 157) tiền thân là hai tiểu đoàn anh hùng của các tỉnh: Vĩnh Long, Cà Mau và một đại đội của Tiểu đoàn Phú Lợi tỉnh Sóc Trăng; Trung đoàn 10-đơn vị chủ lực hoàn chỉnh của Sư đoàn 4 (tiền thân là Đoàn Đ10 Sông Hương anh hùng), các cơ quan, đơn vị trực thuộc và Trung đoàn 11 pháo binh.

Sau khi thành lập, sư đoàn được giao nhiệm vụ cơ động chiến đấu trên tuyến biên giới An Giang, Đồng Tháp, kết hợp chặt chẽ với LLVT địa phương tạo thành sức mạnh tổng hợp, hình thành thế đứng chân vững chắc cả về phòng thủ và tiến công, bảo vệ vững chắc biên giới tranh thủ thời gian củng cố, bổ sung biên chế tổ chức nhằm từng bước xây dựng sư đoàn lớn mạnh, trở thành đơn vị chủ lực cơ động của LLVT Quân khu 9.

Bộ đội Sư đoàn 339 hành quân tham gia chiến dịch mùa khô năm 1984-1985.  Ảnh tư liệu

Từ khi thành lập đến tháng 12-1978, sư đoàn phối hợp với các đơn vị bạn chặn đánh nhiều đợt tiến công lấn chiếm. Nổi bật là chiến thắng Kênh Năm Xã vào trung tuần tháng 5 và trận Đôn Phục-Tân Thành diễn ra từ ngày 15 đến 22-12-1978, đánh bại sư đoàn 805 của Pôn Pốt lấn chiếm khu vực Tân Hồng, Đồng Tháp. Tiêu diệt gần 500 tên, đuổi địch về bên kia biên giới, khẳng định từng bước trưởng thành của sư đoàn trong hiệp đồng tác chiến tập trung với điều kiện đánh địch dài ngày, liên tục phát triển các tình huống phức tạp. Chiến thắng đó trở thành mốc son chói lọi đầu tiên trong truyền thống lịch sử hào hùng của Sư đoàn 339.

Đáp lời kêu gọi giúp đỡ của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, đầu năm 1979, Sư đoàn 339 trong đội hình Quân tình nguyện Việt Nam sang làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn, với nhiệm vụ: Đánh chiếm chốt đầu Quốc lộ 2 và núi Thâm Đưng, phát triển lên Tà Lập phối hợp với các đơn vị bạn tiêu diệt sư đoàn 210 của Pôn Pốt, dọc theo Quốc lộ 3 đánh chiếm sân bay Pôchentông và thủ đô Phnôm Pênh. Chỉ trong thời gian ngắn, Sư đoàn 339 đã cùng các đơn vị bạn đập tan tuyến phòng thủ của địch ở Tà Keo, ngã ba Ăng Tà Sôm và thắng tiến vào giải phóng thủ đô Phnôm Pênh với một sức mạnh không gì ngăn cản nổi. Chỉ trong 7 ngày đêm tiến công chiến đấu, sư đoàn đã cùng với lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam lật đổ chế độ diệt chủng của tập đoàn phản động Pôn Pốt-Iêngxari, giúp nhân dân Campuchia hồi sinh.

Tuy địch bị thất bại về chiến lược nhưng chúng chưa bị tiêu diệt, tan rã hoàn toàn, vì vậy, chúng di chuyển lực lượng, vũ khí, trang bị vào rừng núi xây dựng căn cứ để phản kích, tiến hành cuộc chiến tranh du kích lâu dài. Từ giữa tháng 2-1979 đến tháng 7-1979, sư đoàn liên tiếp tham gia các chiến dịch tiến công truy quét tàn quân Pôn Pốt, giải phóng thêm nhiều vùng rộng lớn, tiêu diệt sinh lực địch, thu nhiều vũ khí, kho tàng và kết hợp vận động quần chúng nhân dân phát huy sức mạnh tổng hợp đánh địch toàn diện, tạo điều kiện giúp bạn lâu dài. Đây là quãng thời gian vô cùng khó khăn, ác liệt do bọn tàn quân Pôn Pốt điên cuồng chống trả bằng cả xe tăng và pháo phòng không 37mm. Những trận đánh ác liệt ở Tượng Lăng, Mô Lúp, Núi Lớn, ngã tư Tà Bông, khu vực Tà Âm, Bắc Lộ 4, thung lũng Kirirôm... Từ các trận đánh ấy, nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm lập công đã tỏa sáng, những chịu đựng, hy sinh mất mát trong những ngày đó càng làm sáng ngời phẩm chất anh hùng cách mạng, ý chí quyết tâm cao, anh dũng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ sư đoàn vì nghĩa vụ quốc tế vẻ vang.

Trong thời gian này, sư đoàn đã loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên, Trung đoàn 10 thu 10 xe tăng BT85, 2 pháo 105mm, nhiều xe quân sự và hàng trăm tấn vũ khí trang bị của địch gần thị xã Côngpông Sapư, góp phần đánh quỵ quân khu Tây Nam của Pôn Pốt. Đồng thời giải phóng được hàng vạn nhân dân Campuchia bị địch cưỡng bức lùa vào rừng sâu trong tình trạng kiệt quệ vì đói khát, bệnh tật. Bộ đội sư đoàn đã hết lòng cứu chữa, nhường cơm sẻ áo, tổ chức đưa về phía sau an toàn. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ-“Bộ đội nhà Phật” mãi mãi đi vào tâm khảm của nhân dân Campuchia với sự biết ơn sâu sắc.

Cùng với truy quét giặc, các đơn vị tích cực làm công tác củng cố xây dựng chính quyền cơ sở, LLVT giúp bạn. Tuy có hạn chế bất đồng ngôn ngữ và hiểu biết về phong tục tập quán, nhưng bộ đội của sư đoàn vẫn cố gắng khắc phục, làm tốt công tác dân vận, tận tình hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân tăng gia sản xuất, khắc phục từng bước nạn thiếu đói, bệnh tật… Vì vậy, dù đứng chân ở địa phương nào, đi đến đâu, đơn vị cũng được chính quyền và nhân dân bạn hết sức thương yêu, tin tưởng.

Đầu tháng 8-1979, theo yêu cầu nhiệm vụ, sư đoàn được phối thuộc cho Quân đoàn 4, đứng chân trên địa bàn tỉnh Pua Sát, truy quét tàn quân Pôn Pốt rút chạy ra hướng biên giới. Lúc này, sư đoàn được bổ sung thêm Trung đoàn 14 biên phòng cùng với Trung đoàn 10 đứng chân ở biên giới. Suốt từ năm 1980 đến 1983, theo nhiệm vụ được giao, sư đoàn đã hoạt động trên địa bàn hai tỉnh Pua Sát, Bát Đom Boong, truy quét tàn quân địch, mở đường 56 ra biên giới, vận chuyển lực lượng, lương thực, vũ khí đạn dược tiến công địch. Những địa danh đèo Đá, đèo Gà, Năm Nhà, Bảy Nhà, đèo Khỉ, A3, A4... sẽ mãi mãi là những dấu ấn, những kỷ niệm sâu sắc trong mỗi cán bộ, chiến sĩ sư đoàn.

Giữa năm 1983, sư đoàn trở lại đội hình Quân khu 9, do tiền phương quân khu (Mặt trận 979) trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy với nhiệm vụ không thay đổi, vẫn đảm nhiệm tuyến biên giới Pua Sát và con đường 56, tổ chức các đợt truy quét đánh địch cả ở biên giới và nội địa, đồng thời tích cực giúp bạn củng cố chính quyền cơ sở, từng bước ổn định đời sống nhân dân bạn trên địa bàn đứng chân. Từ năm 1983 cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ rút quân về nước (năm 1989), sư đoàn liên tục mở các đợt truy quét phục kích đánh địch ở biên giới, trên các địa bàn rừng núi, các căn cứ lõm, hành lang vận chuyển kết hợp với đẩy mạnh xây dựng K5, khóa chặt biên giới. Nổi bật là các trận tiến công truy quét dài ngày trên địa bàn huyện Mung, huyện Ka-kô thuộc tỉnh Pua Sát; huyện Tức Phuốc thuộc tỉnh Côngpông Chơnăng, hoặc đợt hoạt động mùa khô 1987-1988 ở dãy núi U Ran thuộc Côngpông Chơnăng và Côngpông Sapư, hay tiến công địch ở Pai Lin, cua chữ V tỉnh Bát Đom Boong... Sư đoàn đã tiêu diệt hàng nghìn tên tàn quân, bóc gỡ hàng trăm tên địch ngầm, giữ ổn định địa bàn, đồng thời tiếp tục xây dựng, củng cố vững chắc chính quyền cơ sở và đời sống cho nhân dân nước bạn, giúp Sư đoàn 4 của bạn trưởng thành, tự đảm nhiệm được nhiệm vụ chiến đấu

Chặng đường 10 năm làm nhiệm vụ giúp bạn là một thiên sử vàng sáng ngời nghĩa tình quốc tế thủy chung son sắt. Sư đoàn đã kề vai sát cánh, chung sức chung lòng cùng Quân tình nguyện Việt Nam cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Mặc dù phải thực hiện nhiệm vụ xa Tổ quốc, thường xuyên hoạt động trên địa hình khó khăn ác liệt, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, bệnh sốt rét triền miên, nhưng sư đoàn đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, đánh thắng kẻ thù, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế giúp bạn, góp phần tô thắm truyền thống của Quân đội ta.

Trong 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế, Sư đoàn 339 đã đánh hơn 1.000 trận lớn nhỏ, tiêu diệt và bắt sống hàng nghìn tên địch; thu hàng trăm tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch; giải phóng hơn 30.000 dân; giúp bạn củng cố chính quyền của 2 huyện, 16 xã và hơn 100 phum, sóc... Hơn 1.000 tập thể, cá nhân của sư đoàn được tặng thưởng Huân chương Chiến công; 24 tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Tháng 8-1985, Sư đoàn 339 vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân.

Đại tá LÊ DUY TÝ, nguyên Chính ủy Sư đoàn 339