Đến giữa năm 1974, quân và dân toàn miền đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 10 vạn tên địch; tiêu diệt, bức hàng, bức rút 1.450 đồn bốt; giải phóng khoảng 50 vạn dân, mở ra một vùng giải phóng rộng lớn kéo dài từ Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ, tạo thế áp sát Sài Gòn. Đến đây, thời cơ và điều kiện thuận lợi để giải phóng miền Nam bắt đầu xuất hiện. Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam bắt đầu được hoạch định, cân nhắc và hoàn thiện từng bước theo thời gian diễn tiến trên chiến trường. Ngày 21-7-1974, tại cuộc họp với một số cán bộ chủ chốt của Quân ủy Trung ương, đồng chí Lê Duẩn đã giao cho Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) nghiên cứu soạn thảo kế hoạch tác chiến chiến lược giải phóng miền Nam để trình BCT vào tháng 9-1974. Dưới sự chỉ đạo của BTTM, bản dự thảo kế hoạch tác chiến chiến lược giải phóng miền Nam đã được Tổ Trung tâm, Cục Tác chiến nghiên cứu, soạn thảo; sau nhiều lần bổ sung, chỉnh lý, ngày 26-8-1974 đã hoàn thành, gồm kế hoạch chiến lược hai năm (1975-1976) và kế hoạch chiến lược năm 1975. Sau đó, từ những diễn biến mới trên chiến trường miền Nam, BCT nhất trí thông qua kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976, đồng thời dự kiến nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.

Ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết, BTTM đã triển khai kế hoạch phát triển LLVT chuẩn bị cho tổng công kích-tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến. Theo đó, hầu hết thanh niên miền Bắc đều hăng hái xung phong nhập ngũ. BTTM cũng tập trung chỉ đạo các lực lượng mở thêm đường ô tô, đường ống xăng, dầu, vận chuyển hàng hóa, đạn dược đến khu vực tập kết chiến dịch; đồng thời khẩn trương triển khai thành lập các quân đoàn binh chủng hợp thành và bố trí phù hợp với ý định tác chiến chiến lược. Theo đó, các quân đoàn-binh đoàn cơ động chiến lược và tương đương mang phiên hiệu 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232 lần lượt được thành lập.

Sau thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Huế-Đà Nẵng, ngày 1-4-1975, BCT chỉ thị: “Nắm vững hơn nữa thời cơ chiến lược, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, có quyết tâm lớn thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4, không thể để chậm”. Để bảo đảm chắc thắng cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, BTTM đã chỉ đạo các LLVT tại chỗ thuộc khu vực giáp ranh Sài Gòn-Gia Định chủ động tiến công kìm chân lực lượng quân đoàn 3 của ngụy; đánh chiếm các thị trấn, thị xã từ Bảo Lộc đến Xuân Lộc, làm chủ Đường 20, “mở toang” cửa ngõ đông bắc Sài Gòn. Cùng với đó, BTTM chỉ huy các quân đoàn cơ động chiến lược, gồm cánh bắc là Quân đoàn 1, cánh tây bắc là Quân đoàn 3, cánh đông là Quân đoàn 4, Quân đoàn 2, tây nam là Đoàn 232 và các sư đoàn, trung đoàn chủ lực của các quân khu triển khai vào các vị trí tập kết chiến dịch.

Ngày 26-4-1975, theo kế hoạch hiệp đồng tác chiến, 4 quân đoàn chủ lực cơ động và Đoàn 232 chia thành 5 mũi cùng lúc tiến công vào trung tâm thành phố Sài Gòn. Đến 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh tổng thống Việt Nam cộng hòa, đánh dấu cuộc kháng chiến chống Mỹ đã kết thúc thắng lợi. Phát huy vai trò là “cơ quan đầu não của quân đội”, BTTM đã góp phần quan trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

HOÀNG PHÚC