BĐBP tỉnh Đắc Nông có nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường biên giới dài 130km, tiếp giáp tỉnh Monđulkiri (Vương quốc Campuchia). Dọc tuyến có 12 đồn Biên phòng và Tiểu đoàn huấn luyện 19. Phần lớn các đồn Biên phòng xa khu dân cư, công tác tiếp phẩm trở ngại, khiến giá thực phẩm khi đến đơn vị tăng cao. Vì vậy, ngay từ những năm đầu thành lập, Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Đắc Nông đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo đảm hậu cần cho bộ đội trên tuyến biên giới. Đại tá Nguyễn Đức Phong, Chủ nhiệm Chính trị Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Đắc Nông cho biết: “Hằng năm trong nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Đắc Nông đều có nội dung về công tác bảo đảm hậu cần. Trên cơ sở đó, các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, một trong những mục tiêu quan trọng của công tác bảo đảm hậu cần là các đồn, đại đội trên biên giới phải tự túc được 70-80% rau xanh!”.

Mô hình “giàn cơ bản" của Đồn Biên phòng Thuận An.

Vậy làm thế nào để đạt được mục tiêu trên? Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Trương Quốc Hưng, Chủ nhiệm Hậu cần Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Đắc Nông khẳng định: Nhằm chủ động nguồn thực phẩm an toàn tại chỗ, BĐBP tỉnh Đắc Nông đã tập trung thực hiện mô hình “3 xanh”-xanh vườn, xanh giàn, xanh kho; và mô hình “3 cơ bản”-vườn cơ bản, giàn cơ bản, chuồng cơ bản. Đến nay, 100% đồn và Tiểu đoàn huấn luyện 19 đã tận dụng được quỹ đất trong doanh trại, xây dựng vườn tăng gia, chuồng trại chăn nuôi theo hướng cơ bản. Hầu hết các đơn vị đã đầu tư nhà lưới, giàn, có hệ thống tưới nước tự động để trồng rau, củ, quả. Kết quả năm 2018, từ công tác tăng gia, BĐBP Đắc Nông nhập bếp ăn hơn 110 tấn rau xanh, gần 50 tấn thịt, cá các loại, đưa vào bữa ăn bình quân 2.000-2.500 đồng/người/ngày. Hiện tại các đơn vị BĐBP tỉnh Đắc Nông đang duy trì đàn bò 300 con, đàn heo 600 con, dê 30 con, gia cầm hơn 2 nghìn con; quản lý, chăm sóc hơn 27ha cà phê, bơ và hồ tiêu. Ngoài ra, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Đắc Nông còn tranh thủ qũy đất của “Khu căn cứ hậu cần-kỹ thuật”, để chăm sóc 285,7ha rừng kết hợp trồng xen cây công nghiệp và chăn nuôi gia súc. Nguồn thu từ tăng gia, ngoài đưa vào ăn thêm hằng ngày, các đơn vị BĐBP tỉnh Đắc Nông còn bảo đảm tự túc được 100% nhu cầu thực phẩm cho ngày lễ, Tết Nguyên đán của bộ đội. Năm 2018, BĐBP tỉnh Đắc Nông có tỷ lệ quân số khỏe đạt 98,7%.

Tìm hiểu thực tế công tác tăng gia tại Đồn Biên phòng 761, Thượng tá Cao Mạnh Đạt, Đồn trưởng vui mừng thông tin: Nhờ tăng gia hiệu quả, năm 2019 này đơn vị phấn đấu đưa vào ăn thêm 3 nghìn đồng/người/ngày. Vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng ủy đồn đề ra. Để có kết quả trên, từ năm 2018, đơn vị mạnh dạn đầu tư quỹ vốn 70 triệu đồng xây dựng 2 nhà lưới trồng rau sạch. Khắc phục cơ bản tình trạng thiếu rau xanh trong mùa mưa. Năm 2019 này, đơn vị bảo đảm đủ 100% rau xanh cho bếp ăn, có thời điểm rau dư thừa, đơn vị tận dụng để chăn nuôi. Sản phẩm thịt, cá, trứng tự bảo đảm được 30-40%.

Thực tế cho thấy, BĐBP tỉnh Đắc Nông không chỉ chủ động nguồn thực phẩm an toàn tại chỗ, mà các đơn vị còn quy hoạch trồng được vườn cây ăn trái, cây bóng mát, vườn hoa cây cảnh, tạo môi trường cảnh quan “sáng, xanh, sạch, đẹp, chính quy”.

Thời điểm 10 năm trước đây, bộ đội trên biên giới Đắc Nông thường xuyên thiếu rau xanh vào mùa mưa, thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, thường mắc bệnh sốt rét khi giao mùa. Nhưng, gần đây nhờ làm tốt công tác tăng gia sản xuất tại chỗ, kết hợp sự quan tâm đầu tư của trên và hỗ trợ của địa phương, đến nay những khó khăn, thiếu thốn cơ bản đã được khắc phục. 100% đơn vị trên biên giới đã có hệ thống giếng khoan, có bể ngầm chứa nước dự trữ. Ở các đồn Biên phòng tuyến biên giới không còn xảy ra dịch bệnh đối với người và gia súc, gia cầm. Nhiều đơn vị vươn lên trở thành những điển hình về bảo đảm hậu cần như các Đồn Biên phòng Đắc Ken, Đắc Đam và Tiểu đoàn huấn luyện 19./.

Bài và ảnh: BÌNH ĐỊNH