Những bức tranh cổ động sau khi “sống” cuộc đời của mình với các chiến sĩ nơi chiến trận, góp phần động viên bộ đội chiến đấu, đã hoàn thành “sứ mệnh” của mình, được bộ đội, nhân dân cất giữ làm kỷ niệm và được cán bộ sưu tầm đưa về bảo tàng. Trở thành những hiện vật vô giá, không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, mà còn là các tác phẩm nghệ thuật có giá trị, là sản phẩm của văn hoá tinh thần được sáng tạo trong chiến đấu.
Trong số 11 bức tranh cổ động hiện có ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, có bức tranh cổ động in trên dù mang số đăng ký BTQĐ: 7764-L-802. Năm 1994, nhà báo Trần Cư đã tặng bức tranh cổ động này cho Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam). Ông là một trong số những nhà báo có mặt tại mặt trận Điện Biên Phủ ở thời điểm nóng bỏng nhất của cuộc chiến. Ông kể lại rằng: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, công tác tuyên truyền, động viên, cổ vũ bộ đội chiến đấu được đặc biệt chú trọng.
Báo Quân đội nhân dân phát hành tại mặt trận với những tin, bài đưa tin chiến thắng, hậu phương, thực hiện cải cách ruộng đất, người cày có ruộng... được đưa tới tận tay chiến sĩ. Những phóng viên Báo Quân đội nhân dân nhận ra rằng, ngoài tin bài, có thể sử dụng hội họa như một phương tiện hữu hiệu để truyền tải thông tin. Ý tưởng về những bức tranh cổ động được các họa sĩ nghiên cứu thể hiện. Với đường nét chắc khỏe, màu sắc tươi sáng, đậm nhạt, những dòng chữ trên tranh cổ động dễ hiểu, thông tin tập trung, gây ấn tượng mạnh tác động đến suy nghĩ, tình cảm, tinh thần của bộ đội đang chiến đấu.
|
|
Tranh cổ động in tại mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
|
Trong số các họa sĩ Quân đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ có Mai Văn Hiến, Huy Toàn, Nguyễn Minh Tâm chuyên vẽ tranh ký hoạ, tranh bột màu. Có một họa sĩ chuyên vẽ tranh cổ động là họa sĩ Nguyễn Bích. Ông sinh ngày 26-3-1925, tại một miền quê nghèo của tỉnh Thanh Hóa. Không một ngày lên lớp học, Nguyễn Bích tự học vẽ và trưởng thành từ thực tiễn cuộc sống cùng với bộ đội qua các trận chiến đấu một mất một còn, giành giật từng mét chiến hào với kẻ địch ngoài mặt trận. Nguồn cảm hứng vô tận của Nguyễn Bích chính là hình ảnh các chiến sĩ trong chiến đấu, khắc phục khó khăn, gian khổ, hy sinh quên mình vì nền độc lập và tự do của Tổ quốc.
Những ngày tháng tại mặt trận, để kịp có những bức tranh in và phát hành theo các số báo, Nguyễn Bích miệt mài vẽ phác họa. Phác họa xong, ông cắt gỗ rừng, chạm khắc từng nét, từng nét làm thành bản khắc. Ngày không xong thì ông làm đêm. Hoàn tất bản khắc, ông bắt đầu chọn chất liệu in. Giấy in chủ yếu là giấy giang, giấy dó. Mực màu dùng để in chỉ có phẩm đỏ, xanh, vàng và mực đen.
Ông quét mực lên bản khắc gỗ rồi đặt lên giấy in. Số bản phát hành không biết bao nhiêu mà kể. Do thiếu giấy in cho nên có sáng kiến dùng dù chiến lợi phẩm cắt ra để in tranh thay giấy. Khi ấy tại mặt trận, do quân ta vây chặt nên địch ở Điện Biên Phủ hoàn toàn bị cô lập. Vòng vây của ta càng khép chặt, máy bay bị bắn mạnh, dù hàng tiếp tế của địch càng khó rơi vào trận địa của chúng. Bộ chỉ huy Chiến dịch ra lệnh cho các đơn vị đoạt dù tiếp tế của địch để cung cấp thực phẩm, đồ dùng, thuốc men cho bộ đội ta. Vải dù được bộ đội thu được nhiều nhất. Những cánh dù trắng, dù xanh dưới bàn tay của các chiến sĩ trở thành chăn đắp, làm võng nằm, làm khăn quàng và làm quà tặng cho vợ và người yêu sau ngày chiến thắng. Số dù trắng được chuyển tới cơ quan tuyên huấn các đơn vị làm bản tin trên dù. Đặc biệt dù trắng được chuyển kịp thời cho Báo Quân đội nhân dân tại mặt trận để in tranh cổ động. Bức tranh cổ động do nhà báo Trần Cư tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính tự tay ông cắt dù và in bức tranh từ bản khắc của họa sĩ Nguyễn Bích.
Những bức tranh được in từ các bản khắc gỗ trên các chất liệu giản đơn, tự tạo nhưng thể hiện khí thế chiến đấu và chiến thắng của bộ đội tại mặt trận Điện Biên Phủ, ở những thời khắc gay go và quyết liệt, động viên bộ đội chiến đấu. Điều đó chứng tỏ có sự đóng góp của những người làm công tác báo chí và nghệ thuật trong chiến dịch lịch sử này.
ĐỨC THUẬN (Lược trích theo cuốn "Kỷ vật chiến sĩ Điện Biên", Nxb Quân đội nhân dân, năm 2004)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.