Báo cáo nêu rõ: "Thất bại thảm hại của quân đội viễn chinh ở Điện Biên Phủ đã làm nổi bật tính chất phiêu lưu của những hành động quân sự ở Đông Dương và chứng tỏ sự coi rẻ tính mạng con người là đặc điểm của Chính phủ Pháp".

Sau thất bại Điện Biên Phủ, những nhà cầm quyền Pháp mưu toan xóa nhòa những hậu quả tai hại của chính sách của họ, đã dùng những luận điệu chống cộng, gây ra những vụ rắc rối, thậm chí họ đi đến phản bội những điều đã cam kết. Làm như vậy, họ hy vọng ngăn cản việc hồi hương những thương binh ở Điện Biên Phủ để sau này đổ lỗi cho Chính phủ Hồ Chí Minh. Nhưng âm mưu đó đã bị bóc trần...

leftcenterrightdel

Tù binh Pháp ở Điện Biên Phủ được áp giải về tuyến sau. Ảnh: Tư liệu TTXVN 

Lần đầu tiên trong lịch sử, ta bắt sống hàng nghìn tù binh, các trạm tù binh được lập rải rác khắp chiến trường được đối xử tử tế, được dựng lán trại ngủ nghỉ. Bộ đội ta trong nhiều ngày vừa lo cơm ăn, nước uống cho tù binh vừa làm công tác khai thác thông tin và kiểm soát số tù binh này không cho chúng chạy trốn. Có nhiều đơn vị, bộ đội ta còn phải nhường lương thực cho tù binh.

Số tù binh này sau đó được trao trả lại cho nước Pháp nhờ chính sách khoan hồng, nhân đạo của Chính phủ Việt Nam. Chính sách khoan hồng đối với tù binh là nhất quán, là tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không phải chỉ đến khi chiến thắng, ta mới thực hiện điều này. Ngay từ đầu cuộc chiến, ta đã có những hành động nhân đạo đối với quân đồn trú Pháp tại Điện Biên Phủ.

Trong một bức thư gửi nhân dân Nam Bộ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, Bác viết: “Đối với những người Pháp bị bắt trong cuộc chiến tranh, ta phải canh phòng cho cẩn thận, nhưng phải đối đãi họ khoan hồng, phải làm cho thế giới, trước hết cho dân Pháp biết rằng chúng ta chỉ đòi quyền độc lập, tự do, chứ chúng ta không vì tư thù, tư oán; làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc thông minh, văn minh hơn bọn đi giết người, cướp nước”.

Trong số những tù binh Pháp, có một nữ tù binh có tên Geneviève de Gallard là y tá. Ngay sau khi bị bắt, Geneviève de Gallard và các bác sĩ Pháp đã cùng với các bác sĩ Việt Nam chăm sóc cho số tù binh bị thương. Chính cô đã mạnh dạn viết thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh xin được ân xá và đã được chấp thuận. Sau này khi được phóng thích, cô đã vô cùng vui mừng, cảm ơn chính sách khoan hồng của những người bạn Việt Nam.

Trở về Paris, Geneviève de Gallard cho ra đời cuốn sách “Một phụ nữ ở Điện Biên Phủ” trong đó có đoạn: “Từ lâu, tôi ao ước được quay lại Việt Nam. Gần đây tôi biết Việt Nam đã thực hiện những nỗ lực cải cách. Qua một số bộ phim, tôi lại được thấy Điện Biên Phủ tươi đẹp hơn. Thời gian trôi qua, những ký ức về Điện Biên Phủ vẫn sống mãi trong lòng tôi”.

Nhiều năm sau cuộc chiến, sự kiện Điện Biên Phủ vẫn là nỗi ám ảnh đối với nhiều người Pháp. Rất nhiều người trong số đó đã trở lại Việt Nam, đặt chân trở lại Điện Biên Phủ để hồi tưởng lại những ngày tháng mình đã sống, đã chiến đấu như thế nào, để thấy số phận mình vẫn may mắn hơn nhiều đồng đội khác khi vĩnh viễn nằm lại đây. Cũng không ít bài báo, cuốn sách, hồi ký của các tướng tá, sĩ quan Pháp, những con người đã trực tiếp tham chiến và bản thân họ cũng bị ám ảnh một cách nặng nề về cuộc chiến tranh phi nghĩa mà họ đã tiến hành ở Điện Biên Phủ. 

Hòa bình, tự do là ước nguyện lớn nhất của nhân dân thế giới. Đánh đuổi Pháp khỏi bờ cõi đất nước để mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc, Việt Nam luôn muốn thân ái, hợp tác với tất cả các nước trên thế giới, mong muốn khép lại quá khứ, hướng tới tương lai.

TUẤN ĐIỆP (lược trích)

- Trích trong cuốn sách Việt Nam-Điện Biên Phủ: Bản hùng ca của thời đại, nxb Sự Thật.

- Trích Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (btctdbp-svhttdl.dienbien.gov.vn)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.