Trước khi nhận nhiệm vụ thồ hàng lên Điện Biên, chúng tôi cho dân công đi thử; hướng dẫn mọi người cách gia cố khung xe, bảo vệ lốp, cách buộc hàng gọn, chặt. Để tăng năng suất vận chuyển, chúng tôi buộc thêm vào tay lái một đoạn tre nhỏ, dài khoảng một mét, gọi là “tay ngai”, giúp điều khiển xe dễ dàng; buộc vào trục yên xe một đoạn tre cứng, cao hơn yên xe khoảng 50cm để cầm, vừa giữ thăng bằng, vừa đẩy xe đi. Để tăng độ cứng của khung xe, chúng tôi cho hàn thêm sắt, buộc thêm thanh gỗ; quấn vải để tăng độ bền của săm, lốp.

leftcenterrightdel
Ông Trịnh Quang Thềm. Ảnh: CHÍ HÒA

Xe nào cũng kèm theo một dây thừng dự trữ để người khác kéo hỗ trợ khi lên dốc. Đặc biệt, thi đua cùng các chiến sĩ ngoài mặt trận, phong trào "thồ nhiều, đi nhanh" ngày càng lan rộng, cổ vũ mọi người phấn đấu tăng trọng lượng hàng hóa. Từ 150kg đến 200kg, được tăng lên 300kg/chuyến và nhiều hơn nữa. Tính ra mỗi xe thồ chở gấp 6-7 lần trọng lượng so với người gánh bộ.

Thời ấy, xe đạp chủ yếu thồ lương thực, thực phẩm. Ở các kho lớn trong rừng cứ xếp từng sọt một, rồi lợp lá ngụy trang lên. Máy bay của quân Pháp không thể bắn phá ban đêm. Tầm 21-22 giờ, chúng tôi vào kho lĩnh hàng rồi chở đi, vừa đi vừa xóa dấu vết, không để địch phát hiện. Lúc hành quân, thi thoảng chúng tôi phải nhờ người dân địa phương chỉ dẫn. Thế rồi hành trình 500km từ Thanh Hóa ra Điện Biên của dân công cũng hoàn thành, góp phần nhỏ bé vào Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.

TRỊNH QUANG THỀM (nguyên Đội trưởng Đội dân công hỏa tuyến xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954).

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.