Sau khi hành quân tới mặt trận, các đơn vị đang chờ đợi kế hoạch chuẩn bị chiến đấu thì chúng tôi được cấp trên cho biết rõ: "Để giữ yếu tố bí mật, giành yếu tố bất ngờ, nhất là đối với lực lượng lựu pháo 105mm và cao xạ 37mm lần đầu tiên xung trận, Bộ Chỉ huy mặt trận chủ trương mở đường, dùng sức người kéo pháo vào trận địa". Thực ra lúc đó chúng ta hoàn toàn có khả năng làm đường để xe ô tô trực tiếp kéo pháo vào trận địa nhưng rất khó giữ được bí mật... Hiểu rõ chủ trương sáng suốt của cấp trên, chúng tôi ai nấy đều hăng hái bắt tay vào nhiệm vụ mới mẻ này. Các lực lượng làm đường gồm có Đại đoàn 308, một tiểu đoàn công binh và 5 đại đội sơn pháo, súng cối.

Sáng sớm ngày 15-1-1954, hơn 5.000 người được rải đều trên suốt các bìa rừng, sườn núi, có nơi chỉ cách địch có 4km, trong tầm đại bác của chúng. Hàng ngàn cánh tay vung lên, sỏi đá tóe lửa, cây to bị đánh bật gốc. Pháo binh địch thỉnh thoảng bắn vu vơ. Đang giữa tiết Đông mà quần áo chúng tôi đều đầm đìa mồ hôi. Cơm ăn ngay tại chỗ, ăn xong lao vào việc ngay. Con đường hiện ra dần dần không phải nhờ có phép lạ mà chính bằng quyết tâm và sức lao động phi thường của quân ta. Chỉ ít ngày sau, con đường kéo pháo dài 15km, rộng 3m đã hoàn thành. Cả đoạn đường có trên chục dốc cao, có dốc tới 40 độ C, bên đường là vực sâu. Đường làm đến đâu anh em lại vít cành cây, dựng dàn mướp trồng cây để ngụy trang đến đó.

leftcenterrightdel

Bộ đội ta kéo những khẩu pháo nặng hàng tấn vượt núi, xuyên rừng vào chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu: TTXVN 

Những cỗ pháo nặng trên hai tấn bắt đầu cắt khỏi xe, được kéo bằng tay từ km70 đường Tuần Giáo. Lực lượng tham gia kéo pháo gồm Đại đoàn 312, Trung đoàn lựu pháo và Trung đoàn pháo cao xạ. Lúc đầu, Ban chỉ đạo tổ chức kéo thử một khẩu lựu pháo và một khẩu cao xạ để rút kinh nghiệm. Hai mươi chiến sĩ bộ binh kéo một khẩu, còn pháo thủ thì đẩy, nhấc và chèn bánh. Trên khoảng đất bằng ở cửa rừng Nà Nham, với chừng ấy người, chúng tôi kéo pháo chạy băng băng, anh em ai cũng phấn chấn. Nhưng đến một dốc nhỏ, pháo chỉ nhích được từng gang, khá nặng nề, vất vả. Sau đó phải tăng lên 30 người rồi 40 người một khẩu mới vượt qua được dốc. Càng lên cao, pháo càng ì ạch, càng phải tăng người. Cuối cùng, phải tăng tới 100 người một khẩu cộng với lực kéo của tời mới đưa được pháo lên dốc. Vất vả nhất phải kể đến pháo thủ vác càng, anh em lái không nổi nên lúc càng văng sang phải, lúc quay sang trái. Phần lớn là kéo vào ban đêm nhưng có ngày lợi dụng chỗ có rừng cây kín đáo, anh em kéo mải miết cả ngày.

Để nâng cao tốc độ kéo, bảo đảm cho đúng ngày quy định, anh em đã họp bàn rút kinh nghiệm, nhiều ý kiến đóng góp rất sôi nổi: "Yêu cầu công binh mở rộng đường vòng, bạt bớt dốc, thiết bị tời chắc chắn, dùng dây cóc rừng để kéo, bố trí dây kéo hợp lý hơn...".

"Hai... ba... nào!", tiếng hô của đồng chí chỉ huy kéo pháo mạnh mẽ, thôi thúc điều khiển chúng tôi kéo nhịp nhàng. Trăm con người ngả rạp rồi lại chồm lên như những lớp sóng dồn, quyết bắt pháo đi nhanh. Pháo thủ Vó có sáng kiến buộc bó lá cây nhỏ vào lưỡi cày để càng tự lết xuống đất, không phải vác càng. Khẩu đội trưởng Luân lại có sáng kiến hay hơn là đẽo guốc gỗ hình con vịt buộc vào lưỡi cày để lướt trên mặt đường được nhẹ nhàng.

Tiếng "hai... i... ba, nào!", "dô... ta, nào!" đã khản đặc, có người hô như hết hơi. Có hôm trời mưa dầm dề, đường trơn, dốc tuột, mấy trăm bàn chân đứng mãi một chỗ, đất rắn đã biến thành bùn. Kéo suốt mấy đêm, ai nấy đều thèm ngủ, hễ ngơi tiếng dô ta là có thể ngủ ngay trên đường. Cán bộ đang hội ý, có người ngủ gật, cụng đầu vào nhau tỉnh dậy bật cười.

leftcenterrightdel
Lực lượng pháo binh với sự có mặt của lựu pháo 105mm bố trí xung quanh lòng chảo Điện Biên của ta đã tạo thành "quả đấm thép" chi viện hỏa lực kịp thời, chính xác, áp chế địch, tạo cơ hội để bộ binh ta đánh các trận then chốt, quyết định, bóc dần Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu: TTXVN

Trong gian khổ vất vả, nhiều gương dũng cảm xuất hiện. Một hôm khẩu pháo của Đại đội 1 đang đổ dốc suối Reo bỗng bị tụt quá nhanh, pháo thủ Mậu đã ghé vai vào bánh kết hợp với dây ghim cản cho pháo khỏi tụt nhanh, nhưng khẩu pháo vẫn cướp đà đè vào đùi Mậu. Anh em ráng sức kéo ngược lại để cứu Mậu nhưng pháo vẫn không nhúc nhích. Khi thấy lâu, đồng chí Mậu nói với anh em: "Thôi, chân tôi đằng nào cũng đã hỏng, cứ cho pháo lăn qua để đưa pháo vào trận địa kịp nổ súng".

Hôm sau lại một sự kiện nữa xảy ra. Tại đoạn đường từ Lai Châu đi Điện Biên, khẩu pháo của Đại đội 6 đang đổ dốc thì dây tời bị đứt, lôi cả dây cả người xềnh xệch trên dốc, không sao cưỡng nổi. "Dũng cảm cứu pháo, còn người còn pháo", những tiếng hô ấy ngân vang trong lòng các chiến sĩ. Trong giờ phút nguy kịch này, ba pháo thủ Chức, Cứ và Ngói đã rượt theo pháo để lao chèn nhưng pháo cứ lồng lên băng qua mọi cây chèn, mọi mô đất. Cứ và Ngói bị hất ra, chỉ còn mình Chức. Khẩu pháo lao nhanh sắp lăn xuống vực. Không chậm trễ, Chức ôm chèn lao mình vào một bên bánh. Khẩu pháo chồm qua người Chức mất đà lao quặt vào gốc cây trên đồi rồi khựng lại. Tấm gương hy sinh quên mình cứu pháo của Nguyễn Văn Chức cũng như gương hy sinh của Tô Vĩnh Diện ở cao xạ pháo đã nhanh chóng truyền đi khắp tuyến đường kéo pháo. Chúng tôi đều cảm phục, thương tiếc các anh, càng xót xa căm phẫn khi được tin 14 đồng chí của Trung đoàn 675 vừa ngã xuống hôm trước vì một quả đạn pháo địch ở ngã ba bản Tố khi anh em vào thay bộ binh kéo pháo.

Chính trong thời khắc hào hùng đó, bài hát "Hò kéo pháo" của Hoàng Vân ra đời, kịp thời động viên bộ đội ghi nhận một sự kiện phi thường.

Sắp tới rồi đồng chí pháo binh ơi!

Vinh quang thay sức người lao động...

Bảy ngày đêm trôi qua, hàng ngàn chiến sĩ đã vượt qua khó khăn, lập kỳ công bí mật đưa pháo vào trận địa an toàn. Tưởng như vậy đã hoàn thành nhiệm vụ, chỉ chờ lệnh nổ súng nhưng tức thời lại được lệnh của cấp trên "kéo pháo ra" để thực hiện phương châm "đánh chắc, tiến chắc". Bao băn khoăn thắc mắc nảy sinh trong tư tưởng của bộ đội, nhưng sau khi được giải thích, động viên, anh em chúng tôi lại khẩn trương bắt tay vào việc.

Kéo pháo vào đã gian khổ nhưng kéo pháo ra còn quyết liệt hơn vì địch đã phát hiện được đường kéo pháo của ta, đại bác của chúng bắn xối xả cản đường. Hàng ngày, máy bay địch ném bom napan đốt rừng, thiêu trụi cây nhưng bộ đội ta vẫn dũng cảm vượt qua lưới lửa, quyết tâm đưa pháo ra. Các cỗ pháo được ngụy trang kín đáo, việc chỉ huy kéo pháo có kinh nghiệm hơn, nhưng dưới làn bom đạn địch, không đêm nào là không có thương vong. Có lúc đạn địch rơi giữa hàng quân kéo pháo, một số đồng chí ngã xuống nhưng đơn vị vẫn ghìm chặt pháo, không hề nao núng buông tay. Ánh sáng của đèn dù soi rõ nét mặt hao gầy nhưng đầy vẻ kiên quyết của chiến sĩ ta. Trăm người như một, không ai lo lắng đến tính mạng của mình mà chỉ lo giữ gìn pháo.

Sau 8 ngày đêm kéo pháo ra, tất cả các khẩu pháo được đưa tới vị trí an toàn. Bom đạn địch bắn phá dữ dội như vậy nhưng anh em chúng tôi vẫn bảo vệ được pháo nguyên vẹn, bảo đảm ngày nổ súng mở màn chiến dịch đúng quy định.

TRẦN NGỌC TRỮ - HOÀNG PHÁT VÂN

1. Âm vang Điện Biên, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.