Tiểu đội dân công của cô Toàn vội vã lấy tấm ni lông của mình ra che kín cho bốn cáng thương binh rồi chịu ướt, tiếp tục khiêng cáng về trạm quân y trung tuyến. Đi một thôi nữa thì đại bác địch ở Mường Thanh thình lình bắn tới. Cô Toàn vội hô lớn:

- Tiểu đội Minh Khai! Hãy thực hiện tốt điều giao ước thứ nhất!

Lập tức bốn chiếc cáng đều được đặt phân tán bên các gốc cây, nhanh chóng nhưng cũng hết sức nhẹ nhàng. Rồi cứ mỗi cáng ba, bốn cô nằm vây quanh, làm thành một kiểu "công sự" nổi.

leftcenterrightdel

Phụ nữ các dân tộc tham gia dân công cùng bộ đội công binh làm đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu 

Đạn đại bác vẫn nổ ầm ầm, chém đứt cành cây, làm tung toé đất, đá. Mấy anh thương binh cảm động nói:

- Chúng tôi được các chị đặt như thế này cũng tốt lắm rồi. Các chị nên phân tán rộng nữa ra, đừng nằm quanh chúng tôi nhiều, nguy hiểm đấy!

Chẳng một cô nào chịu nghe lời các anh cả. Các cô trả lời ngọt ngào.

- Ra trận, các anh có giao ước riêng của các anh. Chúng em tải thương, cũng có giao ước riêng của chúng em...

Nghe vậy, các anh thương binh đành chịu nằm yên giữa sự che chở đặc biệt ấy. Ngớt đại bác nhưng mưa vẫn nặng không ngớt. Tiểu đội dân công vẫn tiếp tục lên đường. Đến lúc này mọi người mới biết cô Lẽ - cô trẻ nhất trong tiểu đội đã bị một mảnh đạn, cánh tay chảy máu đỏ cả một bên áo. Chị em vội lại băng cho cô. Băng xong, mọi người đều bảo cô quay về trạm điều trị. Cô Lẽ nhất định không nghe. Cô nói:

- Em bị vào cánh tay, nhưng chân em còn lành, vai em còn khoẻ. Chả anh nào, chị nào buộc em bỏ nhiệm vụ được.

Nói đoạn cô cứ xông vào giành lấy một đầu cáng. Cô Toán vốn là người có tiếng lắm lý, lắm lẽ nhất đội dân công xã, thế mà giờ cũng đành phải chịu cô Lẽ.

Đi được một quãng xa nữa thì gặp một con suối. Con suối nước đầy ăm ắp và chảy khá xiết. Cô Toán còn đang đứng lặng suy tính, thì cô Mão đã cất tiếng lanh lảnh:

- Toàn là dân đã nát mái, mòn dầm ở sông Lô, chả nhẽ để con suối này nó cản trở không thực hiện được giao ước hay sao?

Rồi cô lội phăng ngay xuống suối. Cô Toán cùng một số bạn nữa cũng ùm ùm lội theo ngay. Con suối khá sâu, có chỗ gần tráng vái.

Thăm dò xong, các cô lên bàn cách khắc phục. Mấy anh thương binh nghe thấy góp ý:

- Chúng tôi nói thế này, không phải vì lo tính mạng của mình không được các chị bảo đảm đâu. Nhưng bây giờ suối lớn, các chị hãy thư thả chờ nước rút bớt hãy sang kẻo vất vả các chị quá.

Lần này đề nghị của các anh cũng chẳng được cô nào tán thành.

leftcenterrightdel
Nữ y tá tận tình bón từng thìa cháo cho thương binh ngoài hỏa tuyến. Ảnh tư liệu 

Nửa tiếng đồng hồ sau, các cô đưa ra bờ suối một chiếc "mảng cáng", các cô tạm gọi như vậy, vì nó vừa là một cái mảng làm bằng nứa xếp chồng lên nhau, khá cao; vừa là cái cáng, mặt trên có thể đặt người nằm được, ở dưới có bốn đầu đòn tre dài có thể khiêng lên vai một cách thoải mái.

Các cô chọn bốn người cao nhất khiêng chiếc "mảng cáng" ấy, lần lượt đưa từng anh thương binh qua suối. Ra đến chỗ sâu nhất, nước cũng chỉ xâm xấp đáy "mảng cáng", còn cách lưng các anh thương binh đến ngót hai gang. Cẩn thận hơn, các cô còn bện hai sợi dây thừng to bằng cổ tay, căng từ bờ bên này sang bờ bên kia cho tất cả bốn người khiêng cùng vịn.

Chẳng mấy chốc, các cô cáng cả bốn thương binh vượt suối an toàn.

Mấy cô không bơi thạo đều bíu lấy dây, lần qua rất gọn. Riêng cô Lẽ vì mới bị thương xong, chị em cũng coi là thương binh, bắt nằm lên "mảng cáng", đưa sang nốt.

Tiểu đội dân công tải thương lại tiếp tục cuộc hành trình. Trên đường đi, một anh gặng hỏi mãi các cô dân công về giao ước thứ nhất là gì. Một cô trả lời:

- Có gì đâu anh, chỉ là một câu thôi, câu "luôn luôn coi thương binh là người thân thiết, ruột rà; dù gian lao, nguy hiểm, thậm chí đến hy sinh tính mệnh của mình cũng phải chăm sóc, bảo vệ thật chu đáo".

Theo sách "Điện Biên Phủ - Nhân chứng sự kiện", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2004

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.