Tiểu đoàn 428, Đại đoàn 312 có thời gian ăn cơm nắm với thức ăn khô suốt 20 ngày, thiếu nước uống. Tiểu đoàn 243, Đại đoàn 312 trong 5 ngày kéo pháo, để xảy ra một số bữa cơm sống. Giữa lúc đó, một số cán bộ, chiến sĩ chưa hiểu hết lý do không được đánh địch ngay nên quân số ốm đau, mệt mỏi có dấu hiệu tăng. Có trung đoàn quân số ốm thường xuyên hơn 10%. Các bệnh về đường tiêu hóa gia tăng, nguy cơ dịch bùng phát.

Trước tình hình đó, Tổng Quân ủy phát động phong trào bảo vệ sức khỏe, đưa ra khẩu hiệu bình thường hóa sinh hoạt, quy định kỷ luật vệ sinh trận địa để giữ vững quân số chiến đấu. Nhiệm vụ này gắn với trách nhiệm của thủ trưởng quân chính các cấp. Tại các đơn vị trên toàn mặt trận, những hầm ếch đủ cho một người nằm co được sửa lại để bộ đội nằm duỗi được thẳng chân và đủ rộng để mắc được màn. Bộ đội ngủ ít nhất 6 giờ/ngày, không được uống nước lã; thực phẩm không dùng đồ ôi thiu; cán bộ, chiến sĩ ngủ phải mắc màn và uống thuốc phòng đều đặn.

leftcenterrightdel
Nữ y tá chăm sóc thương binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu 

Một mạng lưới tiếp phẩm hình thành, liên tục đưa rau tươi và cà chua ra mặt trận. Các đơn vị phòng ngự có bếp Hoàng Cầm cải tiến, bảo đảm cơm nóng, canh sốt. Những hầm sâu dưới đất, giường phải kê cao, trần có vải dù chắn bụi, mái có ván che mưa nắng... Thượng tuần tháng 4-1954, Ban Quân y chiến dịch thảo 10 điều bảo vệ sức khỏe bộ đội tại mặt trận. Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp phê duyệt đã thêm điều thứ 11. Sau khi ký, Đại tướng ra lệnh cấp tốc in trên giấy tốt, gửi đến tất cả đơn vị, yêu cầu cán bộ, chiến sĩ tổ chức học tập và chấp hành nghiêm túc bản kỷ luật bảo vệ sức khỏe này. Nhờ vậy đã tránh được các bệnh dịch nguy hiểm, bảo đảm được quân số và sức chiến đấu của bộ đội.

Trong một cuộc trao trả thương binh, bệnh binh ở gần Bắc Giang, viên quan tư là bác sĩ quân đội Pháp hỏi bác sĩ Từ Giấy, Trưởng tiểu ban vệ sinh phòng dịch, Ban Quân y Chiến dịch Điện Biên Phủ: “Trong trận chiến vừa rồi, chúng tôi chỉ mong một đại dịch làm hao hụt quân số và sức chiến đấu của các ông và của cả chúng tôi. Không còn quân để đánh nhau, hai bên đều thoát khỏi cuộc chiến trong danh dự vì không có người thắng và cũng không có kẻ bại. Tôi xin hỏi ông: Tại sao đại dịch đó lại không xảy ra, mặc dù tôi biết hoàn cảnh chiến đấu phía các ông hết sức khó khăn, thiếu thốn lại ở một môi trường đầy rẫy bệnh truyền nhiễm của xứ nhiệt đới?”.

Công việc gấp gáp, không thể trả lời ngay nhưng sau đó, bác sĩ Từ Giấy đã viết thư cho viên quan tư này nói về bí quyết không để xảy ra dịch bệnh trên chiến trường. Trong thư, đồng chí nêu rõ việc bộ đội Việt Nam thực hiện nghiêm bình thường hóa sinh hoạt và 11 điều bảo vệ sức khỏe trong chiến dịch.  

PHẠM XƯỞNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ  - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.