Phát biểu với phóng viên trên chuyến bay trở về từ thành phố nghỉ dưỡng Sochi của Nga, nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh ba bên về Syria giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh, Ankara sẽ thúc đẩy thương vụ S-400. Ông cho biết: "Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận S-400 với Nga, do đó việc chúng tôi rút lại là không thể. Thương vụ đã được hoàn tất". Tuy nhiên, ông Recep Tayyip Erdogan cũng cho hay, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng mua các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ, miễn là thỏa thuận này phục vụ các lợi ích của Ankara. Ông cũng nói thêm rằng các vấn đề về chuyển giao và sản xuất tên lửa Patriot vẫn đang được thảo luận với Washington.

Tổ hợp tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất. Ảnh: RIA Novosti.

Giới chức Mỹ đã đề ra thời hạn chót không chính thức là ngày 15-2 để Ankara hồi đáp về việc liệu nước này có mua tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga hay không. Trong nỗ lực ngăn chặn thương vụ S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, Washington cảnh báo, nếu Ankara thúc đẩy thương vụ S-400 thì Washington sẽ rút lại đề nghị bán gói hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot trị giá 3,5 tỷ USD cũng như hủy thương vụ Thổ Nhĩ Kỳ mua máy bay chiến đấu F-35 của hãng Lockheed Martin. Thậm chí, Mỹ còn đe dọa sẽ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ nếu tiếp tục mua vũ khí của Nga. Tháng 12 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã phê duyệt thỏa thuận bán tên lửa trị giá 3,5 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ. Thông báo nêu rõ, hợp đồng này sẽ giúp tăng cường khả năng phòng thủ của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như bảo vệ các đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà có thể đang huấn luyện và hoạt động trong biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã trở nên căng thẳng liên quan đến việc Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 2017 đã ký thỏa thuận mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga. Đưa ra lý do S-400 không tương thích với hệ thống phòng thủ chung của NATO, Mỹ đã nhiều lần cố thuyết phục Ankara suy nghĩ lại quyết định này. Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa này sẽ làm thay đổi đáng kể mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, các nỗ lực của Washington vẫn không khuất phục được đồng minh Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ luôn khẳng định quyết tâm mua S-400 của Nga. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này cần S-400 do Nga sản xuất và sẽ mua loại vũ khí này càng sớm càng tốt dù Mỹ đã bày tỏ lo ngại kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ-một đồng minh trong NATO, có thể gây rủi ro an ninh đối với một số vũ khí và công nghệ khác do Mỹ sản xuất. Trước đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã khẳng định hợp đồng mua 4 tổ hợp S-400 trị giá 2,5 tỷ USD giữa Ankara và Moscow đang được thực hiện và không thể hủy bỏ. 

Nếu không có gì thay đổi, quá trình chuyển giao các tên lửa phòng không S-400 sẽ được Nga tiến hành trong năm 2019. Việc Thổ Nhĩ Kỳ ký hợp đồng mua S-400 Nga đã khiến Mỹ nổi giận, đe dọa áp đặt trừng phạt. Bất chấp cảnh báo từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết tâm thực hiện kế hoạch mua sắm vũ khí Nga. Thương vụ mua S-400 là một trong những nguyên nhân cản trở quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua. Việc Mỹ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải lựa chọn đã đặt đồng minh trước quyết định khó khăn, bởi Ankara sẽ khó có thể cân bằng quan hệ với cả Mỹ và Nga trước thực tế cả hai đều quan trọng đối với nước này.

LÂM ANH