Vào tháng 5-2015, Hải quân Israel đã ký hợp đồng với German Naval Yards Holdings và Thyssen Krupp Marine Systems của Đức để đóng mới 4 tàu Sa’ar 6 dựa trên thiết kế cơ sở lớp Braunschweig. Dự kiến Hải quân Israel sẽ nhận được chiếc Sa'ar 6 đầu tiên vào năm 2019.
Công nghệ radar AESA
Với radar thông thường, ăng-ten sẽ quay với một góc cho trước kết hợp với một máy phát tín hiệu radio để truyền tín hiệu, sau đó tín hiệu dội lại từ mục tiêu qua một máy thu khuếch đại tần số để xác định mục tiêu.
Trong khi đó, ăng-ten của radar AESA không quay mà nằm cố định, bộ vi xử lý tín hiệu kỹ thuật số sẽ phát đi các chùm tia điện tử từ nhiều góc độ khác nhau từ các module giao thoa trên ăng-ten để truyền và nhận tín hiệu.
 |
Công nghệ AESA đã trở thành chuẩn mực của radar quân sự. |
Công nghệ radar mạng pha chỉ đơn giản là một loại mạng pha bao gồm hàng trăm thậm chí hàng nghìn bộ tản nhiệt được kết nối với bộ dịch pha cố định. Radar mạng pha được chia thành AESA và PESA (Radar mạng pha thụ động truyền thống). Trên thực tế, từ bên ngoài, chúng rất khó phân biệt. Các mảng ăng-ten về cơ bản là giống nhau. Sự khác biệt chính là số lượng phần tử truyền và nhận.
Công nghệ AESA là thế hệ tiên tiến và phức tạp hơn so với công nghệ mạng pha PESA ban đầu. Trong khi PESA tại một thời điểm chỉ có thể phát ra một chùm sóng vô tuyến ở một tần số duy nhất, thì AESA lại có thể phát ra nhiều chùm sóng vô tuyến với nhiều tần số khác nhau.
Radar AESA có thể truyền phát tín hiệu trên những dài tần số rộng hơn, nhưng chính tính năng này khiến cho việc xác định tiếng ồn xung quanh trở nên khó khăn hơn.
Công nghệ AESA cho phép thời gian phản hồi cảnh báo trước các mối đe dọa nhanh hơn, độ chính xác tốt hơn và khả năng theo dõi đồng thời nhiều mục tiêu khác nhau do vậy nó có thể cung cấp các hình ảnh nhận biết tình hình tối ưu (SAP).
Khi đối mặt với các mối đe dọa, radar nhanh chóng cung cấp dữ liệu liên quan cho toàn bộ hệ thống vũ khí trên tàu (như pháo và tên lửa) nhằm đưa ra phản hồi thích hợp. Mạng quang và kiến trúc ăng-ten cho phép hệ thống này nhẹ hơn đáng kể so với các radar tương tự mà không hề làm giảm khả năng hay chức năng của nó.
Radar EL/M-2248 MF-STAR
Radar kiểm soát mục tiêu đa năng MF-STAR, được phát triển bởi ELTA Systems, một công ty con thuộc Israel Aerospace Industries, là loại radar cung cấp các hình ảnh chất lượng cao, hỗ trợ giao diện vũ khí theo từng điều kiện thời tiết và môi trường khó khăn nhất trong lĩnh vực hải quân hiện tại cũng như tương lai.
Kết hợp giữa công nghệ tiên tiến và hệ thống mạnh mẽ, radar MF-STAR sử dụng công nghệ đa chùm tia Doppler cũng như các kỹ thuật đối phó điện tử (ECCM) mạnh mẽ để trích xuất các mục tiêu RCS thấp (mục tiêu có diện tích phản hồi radar) từ môi trường.
 |
Mô hình radar MF-STAR được giới thiệu tại một triển lãm. |
Ăng-ten MF-STAR bao gồm 4 mảng hoạt động tần số băng tần S mang lại khả năng kiểm soát mục tiêu 360 độ. Kiến trúc và công nghệ phần cứng đảm bảo duy trì tính sẵn sàng luôn ở mức cao của hệ thống.
Radar này có khả năng tự động theo dõi các mục tiêu trên không và trên biển cùng lúc. Nó có khả năng chiếu xạ và dẫn hướng cho cả tên lửa hải đối không và tên lửa chống tàu, pháo hạm.
MF-STAR có tầm trinh sát phát hiện máy bay ở cự ly 250km, tên lửa hành trình đến 25km, tàu hộ vệ nhỏ tới 250km và tàu hộ vệ lớn đến 450km. Hiệu suất này được đánh giá tương đương với radar AN/SPY-1D trên các tàu khu trục Aegis của Mỹ.
Ngoài ra, điểm mạnh của dòng radar này là khả năng hiệu chỉnh tần số giúp MF-STAR chống lại có hiệu quả hoạt động chế áp điện tử của đối phương trong môi trường tác chiến hiện đại. Các chuyên gia quân sự đánh giá, MF-STAR là một trong những radar hàng hải tốt nhất thế giới hiện nay.
 |
Trang thiết bị và hệ thống vũ khí chính trên tàu lớp Sa’ar 6. |
Theo IAI Elta, radar MF-STAR sẽ đóng vai trò là radar chính của tàu lớp Sa’ar 6 và sẽ kết nối, hỗ trợ tất cả các hệ thống vũ khí trên tàu. Hỗ trợ cho radar chính là radar giám sát EL/M-2238 STAR. Hải quân Israel đã chọn những radar này vì chúng được tối ưu hóa cho thiết kế của tàu lớp Sa’ar 6.
Những tàu này sẽ được giao nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ hàng hải của Israel và các tài sản quan trọng như bục khí đốt tự nhiên chống tên lửa, tên lửa và máy bay địch.
Bên cạnh radar MF-STAR, Hải quân Israel còn trang bị nhiều vũ khí tối tân, trong đó có tên lửa phòng không tầm trung Barak-8, tên lửa đánh chặn Tamir thuộc hệ thống C-Dome (phiên bản hải quân của Iron Dome), và tên lửa hành trình chống hạm cận âm (có thể là loại RGM-84 Harpoon hay Gabriel) trên tàu lớp Sa’ar 6.
PHAN VĂN ĐẠT (tổng hợp)