Trả lời phỏng vấn của tờ Krasnaya Zvezda (Sao Đỏ), Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yury Borisov cho biết, ICBM Voevoda đã được phát triển từ những năm 80 của thế kỷ 20. Ông cũng nhận định: “Thời gian trôi qua, công nghệ ngày càng hiện đại và Voevoda đã trở nên “lạc hậu”. Do đó, Voevoda cần phải được “nghỉ hưu”.
 |
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Voevoda. Ảnh: RIA |
Tổ hợp tên lửa Voevoda cùng với tên lửa hạng nặng RS-20V đã được đưa vào trực chiến ở cuối thập niên 1980. Đến nay, RS-20V vẫn là tên lửa có sức công phá mạnh nhất trong số tất cả các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga. Dù phục vụ trong thời gian dài, RS-20V vẫn đạt hiệu quả trong điều kiện triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa như trước đây. ICBM Voevoda không có sự tương đồng về công nghệ với các hệ thống tên lửa trong và ngoài nước.
Theo chuyên gia quân sự Nga, Tổng biên tập Tạp chí Kho vũ khí của Tổ quốc, Đại tá Viktor Murakhovsky, một trong những nguyên nhân của việc thay thế ICBM Voevoda là do Ukraine chấm dứt hợp tác quân sự với Nga. Ông Viktor Murakhovsky thừa nhận: "Một trong những lý do dẫn tới việc Voevoda bị loại biên là một số thành tố của tên lửa không được sản xuất ở Nga và việc nối lại dây chuyền sản xuất là vô nghĩa khi chúng ta phải đầu tư quá nhiều tiền để khôi phục khâu sản xuất các bộ phận đã không còn hiện đại nữa". Ông cũng cho biết, theo giới hạn vật lý, không nên tiếp tục sử dụng loại tên lửa này.
Trước đó, trong Thông điệp Liên bang năm 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giới thiệu các loại vũ khí mới nhất của Nga, không có loại tương tự trên thế giới. Đó là tổ hợp tên lửa Sarmat, thiết bị lặn không người lái, tên lửa hành trình trang bị động cơ hạt nhân, tổ hợp tên lửa hàng không Kinzhal, vũ khí laser và vũ khí siêu thanh.
Nói về tên lửa Sarmat, Tổng thống Nga đánh giá đây là một loại vũ khí rất nguy hiểm. “Với các tính năng của mình, ngay cả những hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến cũng không thể cản được Sarmat”, Tổng thống V.Putin cho biết. Theo người đứng đầu Nhà nước Nga, nếu như ICBM Voevoda chỉ có tầm bắn khoảng 11.000km thì ICBM Sarmat có tầm bắn gần như không hạn chế, có thể tấn công mục tiêu qua Bắc cực, Nam cực. “Nhưng Nga không dừng lại ở đây mà đã bắt đầu phát triển các loại vũ khí chiến lược mới, hoàn toàn không sử dụng quỹ đạo bay đường đạn đạo khi di chuyển đến mục tiêu, có nghĩa là các hệ thống phòng thủ tên lửa là vô dụng khi đối phó với chúng”, ông Putin nhấn mạnh.
Về phần mình, Thứ trưởng Yuri Borisov tuyên bố, ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã sẵn sàng sản xuất ICBM Sarmat mới nhất với số lượng cần thiết cho quân đội nước này./.
DƯƠNG VŨ