Tiêm kích I-16
 |
Tiêm kích I-16 của Liên Xô. Nguồn: RIA Novosti |
Trong các cuộc xung đột diễn ra vào những năm 30 của thế kỷ XX, máy bay chiến đấu chính ở Liên Xô là I-15 do Cục Thiết kế Polikarpov phát triển. Năm 1934, Liên Xô bắt đầu đưa vào sử dụng mẫu máy bay mới I-16. Valery Chkalov- một trong những phi công ưu tú của thế kỷ XX đã tham gia vào các cuộc thử nghiệm loại máy bay này. Liên Xô đã sản xuất hơn 10.000 chiếc I-16 và loại máy bay này đã trở thành một trong những máy bay phổ biến nhất trong những năm Chiến tranh Vệ quốc. Năm 1944, I-16 bị loại biên.
Tiêm kích La-7
 |
Tiêm kích La-7 của Liên Xô. Nguồn:RIA Novosti |
Tiêm kích La-7 bắt đầu xung trận vào năm 1944 để thay thế cho mẫu tiêm kích La-5. Không quân Liên Xô sử dụng chủ yếu loại tiêm kích này trong những năm Chiến tranh Vệ quốc.
Mẫu tiêm kích LaGG-3 được đưa vào trang bị trước Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại có điểm thiếu sót là động cơ không đủ mạnh. Do đó, mẫu tiêm kích La-5 với động cơ mới đã được giới thiệu vào năm 1942 để thay thế LaGG-3. Tuy nhiên, La-7 mới là mẫu máy bay thành công nhất, được phát triển dưới sự chỉ đạo của công trình sư Semyon Lavochkin. Đây là một trong những loại máy bay chiến đấu tốt nhất trong thời điểm lúc bấy giờ. La-7 vẫn duy trì tính cơ động và khả năng sống sót như những mẫu tiêm kích trước đó, nhưng cải tiến về khí động học cho phép La-7 có khả năng bay với tốc độ cao. Các phi công Xô Viết huyền thoại Ivan Kozhedub và Alexei Maresiev đã điều khiển loại máy bay này. Cho đến cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, tổng cộng có hơn 5.700 chiếc La-7 bị loại biên.
Tiêm kích Yak-9
 |
Tiêm kích Yak-9 của Liên Xô. Nguồn:RIA Novosti |
Tiêm kích Liên Xô được dùng phổ biến nhất trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại là Yak-9. Liên Xô bắt đầu sản xuất Yak-9 vào năm 1942 và cho đến năm 1948 có khoảng 17.000 chiếc được xuất xưởng. Yak-9 phục vụ Không quân Liên Xô cho đến năm 1950. Do cơ chế điều khiển Yak-9 không phức tạp nên loại máy bay này rất được ưa chuộng. Mẫu máy bay này đã trở thành phương án chống trả trước các máy bay của Luftwaffe (Không quân Đức Quốc Xã) và đối thủ chính của nó là Messerschmith Bf-109 của Đức Quốc Xã. Một trong những ưu điểm chính của máy bay chiến đấu của Liên Xô là khả năng có thể cải tiến để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu được giao.
Cường kích IL-2
 |
Cường kích IL-2 của Liên Xô. Nguồn: RIA Novosti |
"Xe tăng bay", "máy bay bê tông", "cái chết đen" - tất cả đều là biệt danh của IL-2, loại máy bay chiến đấu phổ biến nhất trong lịch sử. Liên Xô đã sản xuất 36.183 máy bay cường kích này trong những năm chiến tranh.
Ban đầu, mẫu máy bay IL-2 được lên kế hoạch chế tạo thành loại 2 chỗ ngồi, nhưng ở phương án này thì chiếc máy bay bọc thép rất nặng có tốc độ chậm. Để cạnh tranh với các loại máy bay khác, Cục thiết kế Ilyushin đã quyết định chế tạo một mẫu máy bay 1 chỗ ngồi, cho phép tiết kiệm lớp giáp bảo vệ cho tay súng thứ hai và làm cho máy bay có tốc độ nhanh hơn. IL-2 bị tổn thất đáng kể do mẫu máy bay 1 chỗ ngồi không được bảo vệ tốt trước đòn tấn công của các máy bay chiến đấu bên đối phương. Tuy nhiên, sự bố trí tay súng trên máy bay không phải vấn đề sống còn đối với các máy bay cường kích IL-2. Bởi vì IL-2 được sử dụng chủ yếu để tấn công các mục tiêu trên mặt đất.
Máy bay ném bom U-2
 |
Máy bay ném bom U-2. Nguồn: RIA Novosti |
U-2 là một trong những chiếc máy bay cũ nhất được sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Ban đầu, U-2 được phát triển để thành máy bay đào tạo, nhưng trong những năm chiến tranh, U-2 đã được tích cực sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu. Năm 1943, có khoảng 70 trung đoàn không quân trang bị U-2. Tổng cộng đã có khoảng 33.000 máy bay ném bom U-2 được sản xuất.
U-2 được sử dụng chủ yếu để đánh bom đêm do loại máy bay này có thể bay khá thấp và khi tiếp cận mục tiêu, động cơ tắt tiếng và gần như khó có thể nhận ra. Còn vào ban ngày, U-2 có thể trở thành “con mồi” cho các máy bay chiến đấu và các tay súng phòng không của đối phương.
Máy bay ném bom Pe-2
 |
Máy bay ném bom Pe-2 Nguồn: RIA Novosti |
Máy bay ném bom Pe-2 của Liên Xô được phát triển trước Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Tổng cộng đã có hơn 11.000 chiếc Pe -2 được sản xuất. Mẫu máy bay này được sử dụng cho đến khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai.
Ngoài các nhiệm vụ trực tiếp của máy bay ném bom, Pe-2 còn đảm nhiệm công tác trinh sát. Do được trang bị vũ khí phòng vệ tốt nên máy bay ném bom Pe-2 đã trở thành một mục tiêu khó nhằn đối với các tiêm kích của đối phương./.
THÙY LINH