* Ba Lan tiếp nhận lô hệ thống pháo phản lực phóng loạt Homar-K đầu tiên
Lữ đoàn pháo binh Masurian số 1 của Ba Lan vừa tiếp nhận 4 hệ thống pháo phản lực phóng loạt Homar-K đầu tiên, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình hiện đại hóa kho vũ khí của lực lượng vũ trang Ba Lan.
|
|
Homar-K là hệ thống pháo phản lực phóng loạt do Hanwha Aerospace sản xuất cho lực lượng vũ trang Ba Lan. Ảnh: Polish Army |
Homar-K là hệ thống pháo phản lực phóng loạt do Hanwha Aerospace sản xuất cho lực lượng vũ trang Ba Lan. Đây là biến thể của hệ thống pháo phản lực phóng loạt K239 Chunmoo của Hàn Quốc, có khả năng phóng các loại rocket thông thường cũng như tên lửa đạn đạo chiến thuật. Đây là loại vũ khí tiên tiến thứ ba, sau pháo tự hành K9A1 Thunder 155mm và bệ phóng tên lửa đa nòng Homar-A.
Hệ thống này thực chất là sự kết hợp giữa bệ phóng Homar-K (K239 Chunmoo) cải tiến và khung gầm xe tải Jelcz P882 8×8, được chế tạo nhằm đáp ứng các yêu cầu quân sự ngày càng cao của Ba Lan.
Bệ phóng K239 Chunmoo có tính linh hoạt với khả năng phóng nhiều loại đạn rocket khác nhau, bao gồm rocket không dẫn đường K33 131mm, KM26A2 230mm, rocket dẫn đường 239mm có đầu đạn nổ xuyên phá hoặc đạn chùm, rocket chiến thuật Chunmoo CTM290, và tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn 600mm.
Ngoài ra, Homar-K còn được tích hợp hệ thống quản lý chiến đấu TOPAZ tiên tiến do Ba Lan thiết kế, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và phối hợp chiến lược. Hệ thống được lắp trên một bệ phóng có tính cơ động cao, cho phép triển khai nhanh chóng trên nhiều địa hình khác nhau.
Thêm vào đó, Homar-K còn được trang bị bệ phóng có khả năng bắn tên lửa đạn đạo chiến thuật KTSSM (tên lửa đất đối đất chiến thuật Hàn Quốc) Block-II. Tùy thuộc vào bệ phóng cụ thể, tên lửa KTSSM có phạm vi hoạt động từ 120 đến 200km, được trang bị hệ thống dẫn đường có độ chính xác cao kết hợp GPS và dẫn đường quán tính INS.
* Su-30SM2 nâng cấp gia nhập lực lượng Hàng không vũ trụ Nga
Theo thông báo trên trang web chính thức của Tập đoàn chế tạo máy bay Nga (UAC), Bộ Quốc phòng Nga vừa nhận được máy bay chiến đấu Su-30SM2 phiên bản nâng cấp mới.
|
|
Su-30SM2 là phiên bản cải tiến của máy bay chiến đấu Su-30, được nâng cấp và tích hợp các công nghệ từ Su-35. Ảnh: TASS
|
Những máy bay này được sản xuất tại Nhà máy Hàng không Irkutsk. Trước khi được triển khai, các chiến đấu cơ đã trải qua các cuộc thử nghiệm trên mặt đất và trên không.
Su-30SM2 là phiên bản cải tiến của máy bay chiến đấu Su-30, được nâng cấp và tích hợp các công nghệ từ Su-35. Tiêm kích này được đưa vào sử dụng trong lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga vào năm 2022. Quân đội Nga có kế hoạch nâng cấp khoảng 110 máy bay Su-30SM hiện có lên chuẩn SM2 vào năm 2027.
Ngoài phạm vi phát hiện mục tiêu mở rộng và vũ khí hiện đại, Su-30SM2 còn được trang bị động cơ AL-41F1S mạnh mẽ. Động cơ này cũng được sử dụng trên Su-35, mang lại lực đẩy tăng đáng kể và tuổi thọ dài hơn, do đó cải thiện hiệu suất tổng thể của máy bay.
Su-30SM2 có thể mang nhiều loại vũ khí có độ chính xác cao cho cả nhiệm vụ không đối không và không đối đất, bao gồm tên lửa Kh-59MK2 và bom lượn KAB-250. Quá trình hiện đại hóa này phản ánh những nỗ lực không ngừng của Nga nhằm tăng cường khả năng tác chiến trên không, đáp ứng những tiến bộ công nghệ và nhu cầu hoạt động hiện đại.
Ngoài ra, Su-30SM2 được trang bị vũ khí chính xác mới có khả năng tấn công các mục tiêu trên không, trên bộ và trên biển ở khoảng cách vài trăm km, theo báo cáo của UAC.
* Lockheed Martin và General Dynamics bắt tay sản xuất tên lửa GMLRS
Lockheed Martin và General Dynamics mới đây vừa công bố ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược để sản xuất động cơ tên lửa nhiên liệu rắn, giúp tăng cường an ninh và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng quốc gia quan trọng.
|
|
Hệ thống tên lửa dẫn đường phóng loạt GMLRS của Lockheed Martin trong buổi ra mắt năm 2020. Ảnh: Lockheed Martin |
Tim Cahill, Giám đốc Lockheed Martin Missiles and Fire Control (Bộ phận Tên lửa và kiểm soát hỏa lực), cho biết việc duy trì chuỗi cung ứng mạnh mẽ và đa dạng cho động cơ tên lửa nhiên liệu rắn là điều cần thiết để thúc đẩy tầm nhìn về an ninh thế kỷ 21, nhằm mục đích củng cố công nghiệp quốc phòng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trên toàn thế giới trước các mối đe dọa mới nổi.
GMLRS là một hệ thống tên lửa dẫn đường phóng loạt do Mỹ phát triển, chủ yếu sử dụng cho hệ thống pháo phản lực phóng loạt M270 MLRS và M142 HIMARS. GMLRS được thiết kế để cung cấp độ chính xác cao hơn so với tên lửa không dẫn đường truyền thống, cho phép tấn công tầm xa với độ chính xác cao. Hệ thống tên lửa này được dẫn đường bằng sự kết hợp giữa hệ thống định vị toàn cầu GPS và dẫn đường quán tính INS, giúp cải thiện đáng kể độ chính xác, ngay cả ở khoảng cách trên 70km giúp hệ thống có thể vô hiệu hóa các mục tiêu có giá trị cao như cơ sở hạ tầng của đối phương, điểm tập kết binh lính hoặc vị trí pháo binh.
Trong nhiều năm qua, một số biến thể của GMLRS đã được phát triển, mỗi biến thể được thiết kế riêng cho từng nhiệm vụ cụ thể, bao gồm các phiên bản có đầu đạn đơn và các phiên bản có khả năng phóng đạn con để tăng phạm vi bao phủ trên chiến trường.
QUỲNH OANH (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.