Cụ thể, nhà sản xuất MiG của Nga sẵn sàng trang bị thêm lên MiG-35 các khí tài hiện đại của Nga, khả năng mang được vũ khí nội địa của Ấn Độ, động cơ phản lực RD-33 OVT với công nghệ kiểm soát vector lực đẩy đa chiều giúp MiG-35 thực hiện các bài bay siêu cơ động. 

Ngoài ra, MiG bán cho Ấn Độ còn có thể được tích hợp những thành phần chỉ dành cho Không quân Vũ trụ Nga như radar mảng pha chủ động (AESA) KRET/Phazotron Zhuk-A mới nhất, trạm gây nhiễu chủ động kích thước nhỏ MSP-418K, hệ thống tìm kiếm và theo dõi bằng tia hồng ngoại (IRST) và nhiều thiết bị tân tiến nhất từ chương trình phát triển máy bay thế hệ 5 của nước này.

Ấn Độ là một trong số ít các quốc gia trên thế giới đặc biệt chú trọng phát triển, hiện đại hóa lực lượng không quân. Chính quyền New Delhi đã bắt đầu các tiến trình triển khai gói thầu mua 114 máy bay trị giá tới hơn 20 tỷ USD.

Một điều kiện tiên quyết của Không quân Ấn Độ là 85% số lượng máy bay phải được sản xuất tại các nhà máy ở Ấn Độ theo sáng kiến “Make in India” (Sản xuất tại Ấn Độ) của Thủ tướng Narendra Modi.

Tiêm kích MiG-35 của Nga.

Đây là một thương vụ cực lớn và Nga không muốn để lọt “miếng bánh” này cho các đối thủ khác. Cuộc chạy đua dự thầu đang quy tụ các hãng chế tạo hàng đầu thế giới bao gồm Lockheed Martin (với mẫu F-21), Boeing (F/A-18), Dassault Aviation (Rafale), Eurofighter (Typhoon), MiG (MiG-35) và Saab (Gripen).

Nổi bật trong số này có thể kể đến tiêm kích F-21 - mẫu máy bay mà nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ cam kết sẽ chỉ sản xuất cho New Delhi. Trong khi đó, Boeing đưa ra đề xuất mở một nhà máy lắp ráp F/A-18 tại Ấn Độ cùng khả năng chuyển giao công nghệ sản xuất.

Tiêm kích MiG-35 là phiên bản tiếp theo của dòng máy bay MiG-29. Dù chỉ là máy bay chiến đấu thế hệ 4++ nhưng MiG-35 hội tụ đầy đủ những công nghệ tối tân hàng đầu của công nghiệp hàng không quân sự.

Máy bay được trang bị hệ thống phòng thủ mạnh mẽ, bao gồm các tổ hợp mồi bẫy, tác chiến điện tử, phương tiện chế áp tên lửa của đối phương. Thiết bị liên lạc cho phép biến MiG-35 thành máy bay chỉ huy trên không, thực hiện chức năng chỉ huy nhóm trong chiến đấu.

Với 10 giá treo dưới cánh, tải trọng vũ khí của MiG-35 có thể đạt 6,5 tấn bao gồm các loại bom có và không điều khiển, tên lửa không đối không, không đối đất và không đối hải. Ngoài ra, máy bay còn có 1 pháo 30mm GSh-30-1 để sử dụng trong tình huống cận chiến.

MiG-35 không chỉ thu hút được sự quan tâm của quân đội Nga mà còn của nhiều nước trên thế giới, nhất là đối với các quốc gia đang sở hữu MiG-29 bởi họ đều có đủ cơ sở vật chất cần thiết để phục vụ cho MiG-35.

PHẠM HUY (theo Defense World)