QĐND Online - 60 năm như một nhiếp ảnh gia, trên chiếc xe đạp cũ rong ruổi khắp nội, ngoại thành Hà Nội chụp hình; gần 30 năm cầm bút thả hồn vào từng nét vẽ như một hoạ sỹ; cả buổi cầm đục miệt mài khắc hoa văn hình rồng bay, phượng múa trên giấy như một ông thợ rèn cần mẫn…. Ông bảo, phải đưa thương hiệu quạt Chàng Sơn vươn xa ra thế giới.

Ông là Dương Văn Mơ làng Chàng, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất (Hà Nội), nghệ nhân sáng tác chiếc quạt lớn nhất Việt Nam và hơn 100 chiếc quạt cho dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

60 năm giữ tinh hoa một làng nghề

Trong tiết trời se lạnh cuối đông, trên căn phòng nhỏ của gác hai, nghệ nhân Dương Văn Mơ vẫn đang tất bật với lô hàng sắp xuất sang Pháp và hơn 5000 chiếc quạt tham dự Triển lãm “Làng nghề một thoáng Việt Nam” sắp tới tại TP Hồ Chí Minh.

Ông Mơ giới thiệu 1 trong 100 chiếc quạt được làm cho dịp Đại lễ.

Sắp bước sang tuổi 75 nhưng ánh mắt, đôi tay ông Mơ vẫn lanh lẹ lắm. Vừa thoăn thoắt vót tre, cắt giấy, phết hồ, ông vừa hồ hởi khoe với chúng tôi về chiếc quạt lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam, dài 9m, cao 4,5m, trưng bày tại Lễ hội phố hoa Tết và Festival làng nghề truyền thống tổ chức tại Huế vào tháng 6-2009. Chiếc quạt này đã đem thương hiệu quạt Chàng Sơn đến với người dân mọi miền Tổ quốc và du khách nước ngoài.

Nghề làm quạt ở xã Chàng Sơn đã có gần 200 năm nay. Từ thế kỷ 19, quạt Chàng Sơn đã nổi tiếng khắp mọi miền đất nước và đã được người Pháp mang đi triển lãm ở Paris. Sau này, do sự xâm nhập ồ ạt của hàng Trung Quốc khiến làng nghề lâm vào tình trạng khó khăn. Trước nguy cơ thất truyền nghề quạt giấy gia truyền của gia đình, ông Mơ quyết tâm vực dậy dòng quạt nghệ thuật, trang trí mà cha ông đã truyền lại. Một mình trên chiếc xe đạp cũ, với chiếc máy ảnh, ông rong ruổi khắp nơi để thu vào ống kính những tấm ảnh đẹp nhất mang về làm mẫu vẽ trên những chiếc quạt nghệ thuật. Không thể cứ mãi đi thuê người vẽ được, nghĩ vậy, ông tranh thủ những khi rảnh mầy mò, nghiên cứu sách, báo về cách vẽ, phối màu trong tranh nghệ thuật. Dần dà, ông kiêm luôn cả công đoạn vẽ tranh. Dù không qua trường lớp đào tạo nào nhưng nét vẽ của ông vẫn hết sức tinh tế, toát lên cái hồn dân tộc in hình trên từng múi quạt. Tiếng lành đồn xa, người ta tự tìm đến nhà ông đặt hàng. Rồi những đơn đặt hàng với hàng vạn chiếc sang Pháp, Nhật, Mỹ, Nga...  ngày càng đều đặn hơn.

Ông Mơ cho hay, với quạt nghệ thuật, quan trọng nhất là khâu họa trên quạt. Hình ảnh trên quạt phải luôn mới mẻ, đa dạng, đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ người tiêu dùng. Do đó những cảnh như: làng quê Việt Nam, núi non hùng vĩ, cảnh thôn nữ tát nước, rồi cảnh các em nhỏ chơi nhảy dây, thả diều... đều được ông chú trọng khai thác và khắc họa. Chính vì thế, những chiếc quạt Chàng Sơn khi “vi vu” ở trời Tây đã không chỉ thể hiện sự tài hoa, khéo léo của người thợ mà còn vẽ lên một Việt Nam với vẻ đẹp giản dị và thanh bình.

Theo ông Mơ, gần đây rất nhiều khách nước ngoài tìm về nhà ông để đặt thiếp mời đám cưới bằng quạt giấy, bán kính 15cm, bởi theo họ, quạt giấy vừa rẻ, đẹp lại rất ý nghĩa.

Băn khoăn việc “giữ lửa” nghề

Ở vào tuổi 75, nghệ nhân Dương Văn Mơ vẫn đau đáu nỗi niềm gìn giữ tinh hoa quạt truyền thống và quảng bá quạt dân tộc với du khách nước ngoài. Hiện ông đang gấp rút hoàn thành 100 chiếc quạt có đường kính 1,2m, khắc họa hình ảnh hai con rồng chầu nguyệt cho đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ông phấn khởi lắm bởi đây là dịp để ông mang văn hóa truyền thống quê hương hòa nhập với văn hóa dân tộc.

Nghệ nhân Dương Văn Mơ đang gấp rút hoàn thành lô hàng xuất sang Pháp.

Không chỉ có công giữ gìn, khôi phục nghề quạt truyền thống của quê hương, ông Mơ còn nổi tiếng là người ham học hỏi, tìm tòi nhằm tạo ra các loại quạt mới với những chất liệu mới. Với những hình vẽ ngày càng bay bướm hơn, tinh vi hơn và có hồn hơn, mỗi chiếc quạt của ông đã trở thành một bức tranh sống động về quê hương, đất nước, con người. “3 trong 1” (nhà điêu khăc, nhiếp ảnh gia và nhà hội họa) là câu nói vui mà mọi người gần xa dành cho ông.

Ông Mơ luôn tự hào rằng, quạt Chàng Sơn bền và đẹp hơn nơi khác. Tre làm quạt phải được ngâm nước 3 tháng để tránh bị mọt; giấy phất quạt phải là loại giấy dó; the thì được làm từ lụa Hà Tây. Quạt có rất nhiều loại, như: quạt giấy, quạt ghép, quạt the... Trong đó, nổi tiếng nhất là quạt the.

Hiện nay ở Chàng Sơn có khoảng hơn chục hộ gia đình duy trì nghề làm quạt nhưng chỉ duy nhất gia đình nghệ nhân Dương Văn Mơ làm được quạt nghệ thuật. Trên mỗi cánh quạt hội tụ cả tinh hoa của nghề thêu, dệt lụa, sơn mài… Đơn đặt hàng ngày trong nước và nước ngoài càng càng nhiều đồng nghĩa với những lo lắng và trăn trở của ông ngày càng lớn thêm. Điều mong mỏi nhất của ông lúc này là làm sao truyền được nghề cho con cháu để quạt Chàng Sơn không bị thất truyền. Cho dù cậu con trai thứ của ông đã làm nghề cùng với bố được gần chục năm nhưng cũng không mấy mặn mà giữ lửa nghề.

“Dường như các thế hệ trẻ trong làng làm nghề chỉ vì lợi ích kinh tế, chứ chưa thấy ai “say” nghề cả. Làm quạt cũng cần phải có cái tâm. Lớp trẻ đến đây học nghề không ít nhưng chỉ được một thời gian ngắn. Sau khi lập gia đình, họ lại bỏ nghề để làm kinh tế”, nghệ nhân Dương Văn Mơ trăn trở.

Bài và ảnh: Nguyễn Oanh