Năm 1967 dường như có hai cuộc chiến về Việt Nam đang diễn ra, một cuộc chiến trong những tòa nhà chỉ huy có điều hòa ở Sài Gòn, Long Bình và Đà Nẵng và một ở Lầu Năm góc khi những nhân viên bắt tay với những tay chó săn trơ tráo cùng bảng thống kê đã được điều chỉnh về tỉ lệ thương vong, đảo ngũ, các chương trình bình định và số lượng tấn bom. Trong những con số dự đoán bí mật đó là khúc khải hoàn chiến thắng đang lôi kéo Tướng Westmoreland, vị đại sứ mới Ellsworth Bunker và Tổng thống Hoa Kỳ công bố với một dân tộc đang lo lắng rằng “ánh sáng ở cuối đường hầm” và những cậu bé Mỹ sẽ nhanh chóng trở về nhà.

Và sau đó là một cuộc chiến khác ngày càng đẫm máu, ác liệt của những chiến trường đạn bom dội đi dội lại vẫn trên những ngọn đồi và thung lũng đó, với những quan tài phủ cờ trở lại quê hương được những người thân đón nhận với đôi mắt u buồn, của những thùng napan kinh hoàng dội trên những ngôi làng lợp mái lá, của những người tù bịt mắt và những cánh đồng của người nông dân không còn chỗ, của một dân tộc thách đố chiến lược tiêu hao sinh lực của Mỹ…

Mùa xuân 1967 tôi theo chiến dịch “Junction City” đến vùng chiến khu C nơi có Sư đoàn Lính bộ 1 của Tướng DePuy và Sư đoàn Tia chớp Nhiệt đới 25 tập hợp cho nhiệm vụ quân sự lớn nhất của cuộc chiến, huy động tới 45.000 lính Mỹ ở vùng rừng rậm tìm kiếm sào huyệt chỉ huy Việt Cộng.

Mùa thu năm 1967, tôi viết một bài về sự bế tắc của chiến trường. “30 tháng của cuộc chiến gian khổ và không mang lại kết quả ở Việt Nam buộc các chỉ huy quân sự Mỹ phải nhận ra thực tế quan trọng: nếu lực lượng quân lực Cộng hòa không có nhuệ khí, không trở thành nòng cốt thì lính Hoa Kỳ sẽ bị chốt chặt ít nhất một thập kỉ chỉ giữ được cái mũ của Việt Cộng trên khắp cả nước”. Tôi nói rằng Westmoreland đã thử để chuyện đó tự diễn ra, “Để quân đội Cộng hòa tự nỗ lực khi kẻ thù bị lính thủy đánh bộ và bộ binh Hoa Kỳ đè bẹp” nhưng những chiến thuật này bị sức dai dẳng của cộng sản phá ngang. Hy vọng về một chiến thắng thần tốc đã “đào mồ cùng gần 13 nghìn lính Mỹ đã chết”.

Tôi bay tới Đắc Tô vào giữa tháng 11, cùng đội phóng viên AP đã tập trung ở đó. Lúc này bốn trung đoàn bộ binh Bắc Việt xuất hiện ở các ngọn đồi xung quanh với khoảng 12 nghìn quân, lớn nhất từ trước tới giờ tập trung để chống lại người Mỹ và tôi kinh hoàng chứng kiến khi đường chân trời quanh tôi vang dội tiếng súng pháo binh trong khói và các cuộc phản công không quân chống lại họ. Các đồng nghiệp nói với tôi về những trận chiến trên đồi khốc liệt đang nuốt chửng các đại đội bộ binh. Nhưng tin tức về cuộc chiến rất khó tiếp cận vì cộng sản có thể chuyển những người bị thương về tuyến sau, thậm chí dành toàn bộ trận chiến đó là cái bẫy để lôi các đơn vị Mỹ ra khỏi các vùng dân cư để tiêu diệt.

Vào ngày 18-11, chúng tôi biết ba đại đội lính nhảy dù từ Tiểu đoàn 2 của Lữ đoàn Không vận 173 bị đánh vào sườn phía tây và phía đông gần đỉnh đồi 875 và họ chịu tổn thất nặng nề. Buổi sáng hôm sau, phóng viên AP, Lew Simons, Al Chang và tôi đi nhờ trên một chiếc xe jeep tới sở chỉ huy chiến trường của lữ đoàn, một cụm lán cách đường băng khoảng 2 dặm. Những giọt sương đọng lại và bụi bay lên khi chúng tôi đi nhanh dọc con đường bẩn thỉu, làm những thanh niên người dân tộc đang đi trên đường chạy toán loạn. Chúng tôi dừng lại bên ngoài một lán có bản “PIO” sơn trên một chiếc hộp đựng khẩu phần ăn, văn phòng thông tin công cộng. Bên trong là một đội của CBS đang cố gắng truyền thông tin về bằng điện thoại của chiến trường, một phóng viên không kiên nhẫn tức giận nói oang oang những thông tin mới nhất về cuộc chiến.

35 phóng viên và nhiếp ảnh tập trung lại khi một sĩ quan thông báo với chúng tôi rằng tình hình xấu hơn ở đồi 875. Cộng sản ở các boongke liên tục bị ném bom. Một đơn vị Mỹ đang chiến đấu giành sự sống và trận dội bom nhầm của một máy bay không quân đã giết chết 20 lính bị thương trước đó. Tám chiếc trực thăng bị bắn hạ khi cố gắng di chuyển những người bị thương khác vào sáng hôm đó. Không có cách nào để đưa những lính bị thương hoặc bất kì ai ra khỏi chiến trường.

Chiếc trực thăng thả chúng tôi xuống phía cuối đường băng Đắc Tô. Tôi nhìn những căn lều và những bức tường bọc cát hàng rào sở chỉ huy quen thuộc thầm biết ơn. Trong đó sẽ có võng ngủ, nước uống và đồ ăn cho tôi.

Khi chúng tôi tới hàng rào thì nghe thấy ai đó thét lên: “Xung phong!” và tiếng nổ vang trời. Chúng tôi đang trong trận pháo cối tấn công từ các đồi. Có tiếng nổ, va đập. Lại một lần nữa tôi tìm nơi trú ẩn, trong đêm đặc biệt này tôi sống sót để chứng kiến tất cả, tôi bước tới boongke gần nhất tham gia cùng những người lính đang túm tụm bên trong. Đêm đó, tôi gặp phóng viên AP John Lengel tại lán báo chí Sư đoàn 4 và anh ta nói với tôi việc liên lạc với Sài Gòn là không thể vì tắc nghẽn điện thoại. Tôi thậm chí chẳng cố gắng để liên lạc.

Trong vòng một giờ một trực thăng tiếp tế C-130 của lực lượng không quân Hoa Kỳ lượn qua những đám mây và vươn lên với tiếng rú thả kiện hàng - những thùng đạn dược. Tôi giơ thẻ báo chí cho cơ trưởng khi leo thang lên máy bay. Anh ta tháo tai nghe, thét lên “Cậu không muốn biết chúng tôi sẽ đi đâu à?” và tôi trả lời “Tôi không quan tâm, chỉ cần đưa tôi tới nơi nào có điện thoại”.

Chúng tôi hạ cánh tại Quy Nhơn, trung tâm tiếp tế bờ biển cho Tây Nguyên, nơi tôi biết có một văn phòng thông tin quân sự. Tay trung sĩ phụ trách cho tôi mượn máy đánh chữ và tôi ngồi đó khá lâu, suy nghĩ không biết sẽ miêu tả thảm kịch đã chứng kiến ở đồi 875 như thế nào, và nên đánh giá ra sao về sự thật của cuộc chiến. Tôi bắt đầu đánh máy và gọi trung sĩ vào giúp gọi điện cho văn phòng AP ở Sài Gòn và đọc chính tả câu chuyện của tôi từng trang một để kịp hạn nộp bài vào buổi trưa. Anh ta buộc phải đọc trang đầu tiên trên điện thoại trong khi tôi bắt đầu viết trang thứ hai.

“Chiến tranh quét lên một sắc màu ảm đạm và nhợt nhạt đối với cả người sống lẫn người chết trên đồi 875”, tay trung sĩ bắt đầu đọc. “Cách duy nhất để phân biệt người sống và người chết giữa những người đàn ông kiệt sức là khi chứng kiến pháo cối của kẻ thù dội vào. Người còn sống đổ xô không một chút xấu hổ vào những boongke bé nhỏ được đào trên đỉnh đồi, người bị thương thì quằn quại bò tới ẩn nấp sau những bụi cây đổ xuống đất. Chỉ có người chết là không cử động, đứng sững trong các boongke hoặc nằm sõng soài trên đất, nơi họ bị đạn hạ gục”.

Chiến dịch Đắc Tô tiêu hao sinh lực lính Mỹ nhiều hơn bất kì sự can thiệp nào vào cuộc chiến trước đó nhưng chính quyền vẫn đánh dấu đó như một chiến thắng khác, tăng giá trị cho thông điệp mà Tướng Westmoreland gửi tới Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở Washington vào cuối tháng 11 khi tuyên bố năm 1968 “sẽ là năm kết thúc chiến tranh”. Merton Perry của tờ Newsweek ghé thăm văn phòng chúng tôi vào dịp Giáng Sinh và đã bị sốc. Anh ta nói rằng nhận được hầu hết chỉ thị tích cực nhất trong 5 năm ở Việt Nam từ sở chỉ huy Lực lượng Tác chiến 2 quân đội Mỹ tại Long Bình. Một vị tướng lâu năm quả quyết tất cả các đơn vị lớn của kẻ thù ở vùng rộng lớn xung quanh Sài Gòn đã bị phân tán và chạy sang Cămpuchia, tình hình an ninh được cải thiện rất nhiều.

AP yêu cầu tôi cung cấp bản đánh giá cuối năm, tôi miêu tả như cuộc chiến tranh trên hành tinh khác. Khi nhìn lại năm đó và những trận mà tôi đã viết, những cuộc đàm thoại với John Paul Vann và một số sĩ quan quân đội thẳng thắn, tôi kết luận rằng năm 1967 là màn dựng lên cho ván bài quân đội kết thúc ở Việt Nam vào năm 1968. Tôi trích dẫn lời những người Mỹ nắm bắt tình hình dự đoán năm tiếp theo “Những trận đánh lớn nhất và đẫm máu nhất vẫn còn diễn ra mặc dù một năm dài đầy chiến dịch từ đầu đến cuối đất nước”. Tôi viết rằng cả hai bên đều lạc quan, “Từ cách nhìn của họ cho thấy chỉ huy Mỹ vẫn còn phân tích Việt Nam dựa vào Chiến tranh thế giới thứ hai, còn những người cộng sản phân tích tình hình dựa vào cuộc chiến hất cẳng Pháp những năm 1950”. Hanson Baldwin, phóng viên chiến trường xuất chúng của tờ Thời báo New York cũng viết một bài đánh giá về cuộc chiến. Anh ta thân cận, gần gũi với Westmoreland và bài viết đương nhiên phản ánh sự tự tin ngày càng tô hồng của vị chỉ huy tối cao.

Đêm giao thừa là đêm ngừng bắn cơ bản với chiến trường và bình yên với các đơn vị hành chính ở thành phố. Những người Mỹ trẻ ở đại sứ quán và các cơ quan Hoa Kỳ khác tổ chức bữa tiệc “Ánh sáng ở cuối đường hầm” tiêu khiển bằng nhiều trò vui ma mãnh thể hiện công khai sự lạc quan, tự gọi họ là “những bông hoa của Sài Gòn” trên những giấy mời in cẩn thận.

Nina, tôi và các chị gái cô ấy đến một biệt thự đại sứ quán rộng rãi, số 47 đường Phan Thanh Giản ở phía cầu Biên Hòa. Bữa tiệc diễn ra tốt đẹp. Một ban nhạc Việt Nam ở một quán bar vùng ven trung tâm chơi điệu nhảy fox-trots, các sĩ quan với khuôn mặt sáng ngời đang nghỉ phép từ những chốt ở vùng ngoại ô đang má áp má với các thư ký của đại sứ quán trong thành phố. Vài đại diện của chính quyền mới của Nguyễn Văn Thiệu đang lả lướt theo điệu nhạc trong đám đông. Các nhà báo tụ tập tại bar quanh Barry Zorthian, người vận chiếc áo Hawaii màu sáng và trong lối đi quanh John Paul Vann, người đi cùng một nhân viên lâu năm ở đại sứ quán. Tôi tự hỏi, dù sao buổi tiệc cũng đã được tổ chức nhưng làm sao có nhiều nhân vật then chốt lại tụ tập một cách thoải mái trong khi chiến tranh vẫn đang diễn ra ở Sài Gòn? Nhưng chính tôi cũng phủ nhận, tôi uống, khiêu vũ qua đêm cùng với những người khác và vào buổi sáng chính tôi cũng muốn tin ánh sáng ở cuối đường hầm.

Phạm Hải Chung (dịch)

--------------------

Kỳ 5: Bắt đầu của kết thúc