QĐND - Điểm cao 820 khu vực mốc 980 thuộc Đồn Biên phòng Pò Mã, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định (Lạng Sơn) gắn với câu chuyện tình yêu của phiên chợ Thổng báo Slao (hay còn gọi là phiên chợ tình vùng biên ải Đông Bắc) với những câu hát sli, hát lượn nổi tiếng. Trước kia, từ điểm cao này đến các mốc biên giới chỉ là đường mòn dân sinh, cây rừng rậm rạp, vực sâu hun hút,... Còn bây giờ, không chỉ tuyến biên giới thuộc Đồn Biên phòng Pò Mã mà cả dải biên cương từ Quảng Ninh về Lạng Sơn đã có đường bê tông và đã được thông tuyến, xe ô tô có thể đi lại dễ dàng.
Thông tuyến trước mùa mưa
Nhớ lại những ngày đầu mới triển khai dự án làm đường tuần tra tuyến biên giới Đông Bắc, Đại tá Lê Trung Dũng, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án 47 cho chúng tôi biết: “Các dự án đường tuần tra khu vực này rất khó mở tuyến. Do đặc thù của tuyến này có nhiều núi đá rất cứng, không thể dùng khoan tay mà phải dùng máy khoan để khoan đá nổ mìn mở tuyến. Bây giờ nhà báo đến thì đã có đường rồi, không như lúc mới triển khai, anh em của ban và các nhà thầu, tư vấn khảo sát thiết kế chủ yếu băng rừng, trèo đèo, lội suối vào tuyến".
 |
Đại tá Lê Trung Dũng, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án 47 (người đứng thứ tư, từ phải sang trái) cùng đoàn công tác kiểm tra một đoạn đường đã hoàn thành do Đội xây dựng số 5 thi công.
|
Suốt dọc tuyến đường từ Cao Bằng về Lạng Sơn, chúng tôi có dịp chứng kiến cảnh khoan đá nổ mìn của các đơn vị công binh, doanh nghiệp làm đường. Có những gói thầu, khi khảo sát thiết kế cứ nghĩ "ngon ăn" nhưng khi bạt núi đào sâu xuống để tạo nền đường thì phía dưới hoàn toàn là đá.
 |
Một bản làng vùng biên giới xã Quốc Khánh nhìn từ trên cao.
|
Với tuyến đường tuần tra lên Đồn Biên phòng Pò Mã có chiều dài gần 30km, được khởi công từ đầu năm 2010, do Công ty 207 (Bộ Tổng tham mưu), Công ty 472 (Binh đoàn 12), Công ty Việt Bắc (Quân khu 1),… thi công. Tính đến nay, toàn tuyến đã thông trước mùa mưa và đang triển khai đổ bê tông xi măng mặt đường. Nhìn hình dáng con đường nằm bên dốc núi thăm thẳm, quanh co ấy, nếu không có mặt từ những ngày đầu thì ít ai có thể hình dung được sự gian nan của người lính mở đường. Bởi tuyến đường độc đạo nằm giáp biên giới khi gặp trời mưa các phương tiện không thể vận chuyển, tập kết vật liệu, nhiên liệu vào công trường; đường ngang dẫn lên tuyến do địa phương quản lý cũng đang triển khai thi công; độ dốc của tuyến cao, nhiều vướng mắc phát sinh trong công tác giải phóng mặt bằng. Để đưa dầu vào công trường, nhiều đơn vị phải dùng cả máy xúc, máy ủi vận chuyển mới có dầu phục vụ thi công. Trong khi lạm phát gia tăng, giá cả leo thang, nhiều hạng mục công trình đòi hỏi phải thi công gấp rút để tránh mùa mưa và bảo đảm tiến độ. Đó cũng là lý do mà nhiều gói thầu phải vừa làm vừa chờ bổ sung thiết kế, dẫn đến tiến độ bị chậm.
Chiến công của những kỹ sư trẻ
Trong đội hình thi công dự án đường vào Đồn Biên phòng Pò Mã, một trong những người gắn bó sớm với công trường đó là Đại úy, kỹ sư Phùng Viết Khang - Đội trưởng Đội xây dựng số 5, Công ty 207. Dẫn chúng tôi đi dọc tuyến do đội xây dựng có chiều dài gần 11km, anh Khang vẫn không thể quên những ngày đầu đi giao tuyến bị lạc trong rừng suốt cả ngày, mãi đến tối mới tìm được đường về bản. Anh nói với chúng tôi: “Thi công Đường tuần tra biên giới với rất nhiều khó khăn nhưng điều mà chúng tôi luôn ái ngại chính là thời tiết phức tạp của vùng núi nơi đây. Mùa mưa thì kéo dài, còn mùa rét thì khắc nghiệt, nhiệt độ nhiều lúc xuống 0 độ C. Có hôm tôi ra kiểm tra máy thì thấy dầu máy đã đóng băng. Thế là anh em lại hò nhau đi kiếm củi để đun nóng dầu thì máy mới có thể hoạt động được. Chính vì thế, chúng tôi phải tranh thủ tối đa mùa khô để thi công. Những lúc cao điểm, đội huy động 15 ô tô, 8 máy xúc, 3 máy ủi tập trung đẩy nhanh tiến độ mở tuyến, làm kè móng mặt đường. Để tận dụng sự cơ động của máy móc trên địa hình hẹp, chúng tôi đã đưa trạm trộn bê tông mi-ni lên công trường triển khai đổ bê tông. Gói thầu do đội đảm nhiệm đã đổ bê tông được hơn 6km; còn 4km chưa thể đổ bê tông vì đang phải nhường đường đi cho gói thầu nằm ở phía trong tuyến của Công ty 472 thi công. Thế nhưng chả phải thế mà anh em được chơi. Khi chưa đổ bê tông nền được thì chúng tôi cho anh em thi công các loại cống, kè theo phương pháp cuốn chiếu, nên bảo đảm được tiến độ công trường, đến nay đã hoàn thành được 80% khối lượng công việc của gói thầu".
 |
Đại úy Phùng Viết Khang, Đội trưởng Đội xây dựng số 5 (người đứng ngoài cùng, bên phải) chỉ đạo đổ bê tông trên đường tuần tra thuộc dự án đường vào Đồn Biên phòng Pò Mã.
|
Có thể nói, gói thầu do Đội xây dựng số 5 thi công ghi dấu nhiều chiến công của các kỹ sư trẻ. Ngoài Đại úy Phùng Viết Khang thuộc thế hệ 7X, các kỹ sư còn lại đều thuộc thế hệ 8x như kỹ sư Vũ Văn Năm, Đỗ Văn Trọng, Tô Quang Cường. Tốt nghiệp các trường chuyên ngành thay vì chọn làm công trình ở thành phố, những kỹ sư trẻ này đã chọn cho mình bước khởi nghiệp ở công trình phức tạp trên vùng biên giới. Gắn bó với công trường hơn 2 năm nay, kỹ sư Vũ Văn Năm - Chỉ huy trưởng công trường kể với chúng tôi: “Làm đường tuần tra biên giới, quanh năm nằm ở rừng núi, thời tiết khắc nghiệt nên cánh kỹ sư trẻ bọn em phải cắm chốt công trường để đôn đốc thi công và động viên anh em lính thợ. Chính từ việc thi công tuyến đường giúp chúng em có cơ hội áp dụng kiến thức những năm đèn sách trên giảng đường để đưa vào thực tế. Tuy vậy, việc làm đường tuần tra quả thực ngoài tưởng tượng ban đầu của cánh kỹ sư trẻ do có quá nhiều khó khăn trong quá trình thi công".
 |
Người dân nơi biên giới Pò Mã đã có thể đi lại dễ dàng ngay trên những đoạn đường vừa mở tuyến.
|
Những gói thầu trên tuyến đường tuần tra luôn là nơi thử thách ý chí, nghị lực, sức dẻo dai của người lính làm đường. Khi thì mưa liên miên như trút nước, lúc nắng nóng bỏng rát không có lấy một giọt nước thế nhưng với quyết tâm và sự năng động của những kỹ sư trẻ đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công của gói thầu trên tuyến đường vào Đồn Biên phòng Pò Mã cũng như trên toàn tuyến đường tuần tra Đông Bắc.
Đổi thay một vùng biên ải
Hệ thống đường tuần tra lên Đồn Biên phòng Pò Mã nói riêng của khu vực tỉnh Lạng Sơn nói chung hình thành, nhiều tuyến đã thi công xong và bàn giao cho địa phương quản lý, khai thác sử dụng. Giờ đây, trên dọc cung đường tuần tra đã xuất hiện những ngôi nhà của người dân bám đường, bám biên giới và dần hình thành những khu dân cư mới. Có đường đã làm đổi thay cả một vùng biên, mà nói như anh Nông Văn Lợi, người dân tộc Tày ở xã Quốc Khánh thì: "Con đường mở ra hướng thoát nghèo cho các hộ dân biên giới. Giao thông không còn cách trở nữa, người dân chúng tôi yên tâm định canh, định cư phát triển kinh tế gia đình. Cảm ơn bộ đội nhiều lắm!”. Từ điểm cao 820 nhìn xuống phía dưới thung lũng là những làn khói lam từ các mái nhà ở các bản làng chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Những đồi sắn nằm xen lẫn với hàng trăm héc-ta rừng thông xanh mướt đang cho thu hoạch nhựa. Hệ thống điện như những sợi tơ trời bắt đầu được giăng lên dọc theo con đường mới. Khung cảnh một vùng biên ải trù phú đang dần hiện ra.
 |
Những bản làng hình thành trên vùng biên giới của Tổ quốc.
|
Con đường hoàn thành đã tạo điều kiện cho lực lượng biên phòng tổ chức tuần tra bảo vệ biên giới hiệu quả. Trong năm 2011 và những tháng đầu năm nay, Đồn Biên phòng Pò Mã đã tổ chức hơn 100 lượt tuần tra bảo vệ biên giới với hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ, dân quân địa phương tham gia. Qua tuần tra đã phát hiện, ngăn chặn một số hộ dân trồng cây thuốc phiện; bắt giữ nhiều đối tượng vận chuyển trái phép hàng chục ki-lô-gam pháo nổ và chất ma túy, ngăn chặn hiệu quả nhiều vụ buôn bán lâm sản trái phép qua địa bàn.
Con đường tuần tra đang góp phần tích cực thực hiện chiến lược bảo vệ an ninh tuyến biên giới, giúp người dân vùng biên từng bước xây dựng nông thôn mới hiệu quả; đưa nghị quyết 08 của Tỉnh ủy Lạng Sơn về xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện vào cuộc sống. Biến vùng biên ải hẻo lánh nơi đây trở thành điểm sáng của huyện Tràng Định về phong trào phát triển kinh tế lâm nghiệp và bảo vệ mốc biên giới trên địa bàn. Thành tích ấy có bàn tay đóng góp khiêm nhường của những người lính mở đường như Đại úy, kỹ sư trẻ Phùng Viết Khang, Vũ Văn Năm, Đỗ Văn Trọng,…
Bài và ảnh: Vũ Quang Thái