 |
Chăm sóc gà chọi |
Vùng đất cù lao 3 xã: Bình Hòa Phước, Đồng Phú, An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long và huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, nằm giữa sông Tiền và sông Cổ Chiên nổi tiếng với những vườn cây trái sum suê trĩu quả quanh năm và cây cảnh. Nơi đây còn được nhắc tới với giống gà Bình Hòa Phước, gà Cái Mơn (Chợ Lách) cùng sới chọi gà “đình đám” của đất cù lao. Tuy nhiên, các sới chọi gà hiện nay đã bị biến tướng thành các cuộc sát phạt “đỏ đen”.
Sới bạc... trong vườn
Chủ nhật vừa rồi, tôi có dịp ghé thăm nhà người bạn ở đất cù lao Bình Hòa Phước. Vào gặp, Quân-bạn tôi-bảo: “Thôi khỏi trà cháo, đi coi đá gà, nhiều chuyện hay lắm”.
Tôi cùng Quân đi xe gắn máy đến một sới chọi cách đó chừng hơn cây số, nằm lọt thỏm giữa vườn cây trái sum suê xen lẫn những ngôi mộ. Khoảng chừng bốn chục người đang cân gà để chuẩn bị cuộc đấu.
- Gà thằng Hai nặng 2 ký sáu, gà tui có 2 ký hai hơi yếu phải chấp cựa thôi, tiếng một người thấp đậm chừng ngoài bốn chục tuổi mặc cả.
- Chấp thì chấp ngán gì-Người đội chiếc mũ vải che nửa khuôn mặt lên tiếng.
Hai "đấu thủ", một trống hoa, một trống tía nhanh chóng được gắn thêm cựa i-nốc.
- Tui đá 8 ăn 10 được không Hai? Người thấp đậm ra giá.
Người có tên Hai, chừng ngoài 30 tuổi, đáp khá tự tin:
- Chơi luôn!
"Tôi bắt gà thằng Hai 2 chai (triệu)", "Tôi bắt gà chú Mười 5 xị (500 nghìn)"... Những người chơi nhao nhao mặc cả. Giá độ vì thế cũng nâng dần lên tới “6 chai” cho con gà của Hai, con gà của chú Mười cũng lên giá độ tới “4 chai”; người độ thấp nhất thì 50 nghìn đồng.
Trận chiến bắt đầu, hai con gà lao vào nhau ra những đòn sinh tử. Lúc đầu con gà của Hai chiếm ưu nhờ vào trọng lượng. Sang tới hiệp ba, cục diện bắt đầu thay đổi: Gà của Mười ra những đòn “hồi mã thương” rất sắc và nhanh lẹ về phía đối thủ. Và một ngón đòn cực nhanh hệt như tia chớp đã trúng yết hầu con gà của Hai. Con gà của Hai ngã vật xuống đất, giãy đành đạch… Đám chơi, kẻ buồn, người vui đếm tiền độ. 3 trận đấu nữa của những cặp gà khác tiếp tục diễn ra...
Những hệ lụy
Vài năm nay, khi chọi gà phát triển mạnh thì cũng là lúc nghề nuôi gà chọi cũng nở rộ theo để đáp ứng nhu cầu. Thậm chí, có người trong xứ cù lao này còn đầu tư ngót nghét trăm triệu đồng để nuôi gà chọi. Khoảng 12 tháng tuổi là gà có thể bán được. Mỗi con gà chọi giá thấp nhất là 500.000 đồng, trung bình mức giá 1-2 triệu đồng; đặc biệt, có thể lên tới 5-7 triệu đồng/con. Giá gà bán nơi khác hoặc xuất khẩu sang Cam-pu-chia từ 12 đến 15 triệu đồng/con.
Ngoài bán gà chọi, một loại dịch vụ ăn theo sới gà là cho thuê cựa gà (được làm bằng i-nốc, dài 7-10cm) và bán băng keo. Trung bình, nếu cho thuê cựa gà, bán băng keo, người ta cũng có thể bỏ túi 80.000-100.000 đồng/ngày. Địa điểm tổ chức đá gà luôn thay đổi, thường là các vườn cây và những địa bàn giáp ranh các xã. Thời gian tổ chức đá gà cũng không theo một quy luật nào, lúc thì tổ chức sáng, lúc buổi trưa, lúc buổi chiều. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các lực lượng chức năng của chính quyền địa phương gặp khó khăn khi xử lý những đối tượng cá độ gà chọi.
 |
Bước tập dượt (sổ gà) cho gà chọi |
Nếu xét về mức độ tiền cá cược của sới gà đất cù lao không thể so với các trường gà thuộc “hàng đại gia” như ở Cần Thơ. Các sới gà đất cù lao này chỉ thuộc dạng nhỏ. Nhưng nếu chẳng may gặp vận đen vài độ cũng khiến người ta “thất điên bát đảo”, vì phần lớn họ là nông dân miệt vườn, quanh năm “chân lấm tay bùn”, thu nhập thấp. Không ít gia đình vì “đức lang quân” ham đá gà dẫn đến gia đình tan vỡ, con cái hư hỏng. Nhiều mâu thuẫn phát sinh cũng từ cá độ gà chọi mà ra. Chuyện hai anh em Nguyễn Văn V. ở ấp Phước Định vì đá gà "đỏ-đen" mà chẳng thèm nhìn mặt nhau, dù hai gia đình ở cách nhau chỉ vài chục bước chân.
Đá gà-một thú chơi tao nhã cổ truyền đang ngày càng mất dần ý nghĩa vốn có. Nhường chỗ cho nó là một trò đánh bạc, những cuộc đỏ đen, sát phạt. Tôi nhớ lời tâm sự của một “đại gia”, ông trùm đá gà ở đất Cần Thơ, nay đã giải nghệ vì tán gia bại sản: “Đá gà không chỉ đá đi tiền bạc của gia đình mà nó còn đá luôn đi cả nghĩa, tình, gia đình và chính bản thân họ… Chỉ tiếc là tôi nhận ra điều này thì đã quá muộn. Học phí mà tôi phải trả là cả cơ nghiệp bạc tỉ…”. Còn ông Lê Huỳnh Vũ, một người có thâm niên tham gia đá gà hơn 30 năm ở xứ cù lao bộc bạch: “Chơi đá gà, mê như mắc nghiện, rất khó dứt ra”. Ông tổng kết một câu xanh rờn: “Chơi đá gà suốt mấy chục năm qua, tôi thấy rằng chả có ai đá gà mà làm giàu cả, ngoại trừ những người chỉ chuyên nuôi gà chọi. Mình may mắn là chưa sạt nghiệp vì đá gà mà thôi!”.
NGUYỄN KIỂM