Mái tóc đã điểm bạc, sức khỏe đã không còn được như xưa, nhưng khi về thăm lại nơi từng chiến đấu,  những cựu chiến binh Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 vẫn còn nguyên nhiệt huyết, niềm tin của người chiến sĩ ra trận. Lần theo con đường mòn nay đã rợp cây cỏ che mất lối đi, càng gần đến dãy núi An Hô (một địa danh thuộc huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế), hình ảnh chiến trường hơn 30 năm trước càng hiển hiện rõ hơn trong họ. Tất cả kỷ niệm của một thời binh lửa vẫn chân thực, như mới vừa hôm qua.

Nhớ chiến trường Thừa Thiên

Ngày 13-9-1972, những chàng trai mười tám, đôi mươi, căng đầy sức sống lên đường nhập ngũ khi giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Sau 3 tháng huấn luyện khẩn trương, các anh lên đường vào chiến trường và đến ngày 21-3-1973 được bổ sung về Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 ở phía Tây thành Huế. Từ đó, những điểm cao của dãy An Hô đã chứng kiến biết bao lần các anh đã xả thân để giành lấy từng thước đất với kẻ thù. Người thương binh Đoàn Thế Đạo vẫn nhớ như in lần đánh chiếm điểm cao, “đang xung phong, tôi chỉ kịp nhìn thấy một trái lựu đạn ném từ trên đỉnh núi xuống, tiếng nổ vang lên, tôi đã không còn biết gì nữa. Được đồng đội đưa về hậu cứ, 6 tháng sau đó tôi bị câm hoàn toàn, đến bây giờ tôi nói vẫn bị ngọng, một mảnh lựu đạn còn nằm trong đầu không thể lấy ra được”, ông Đoàn Thế Đạo nhớ lại.

Các cựu chiến binh Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 thăm đồng đội đã hy sinh.

Trong ký ức của họ, trận đánh cuối cùng giải phóng thành phố Huế không bao giờ phai nhòa. Trong số những anh em cùng đơn vị đang sinh sống tại Hà Nội của Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 hiện nay, ông Nguyễn Văn Xuyên, trinh sát trung đoàn là người nhớ rõ từng đường đi, nước bước của đơn vị khi cùng với cả sư đoàn hành quân chặn đường địch rút lui lúc quân ta tiến vào cố đô Huế. Vẫn tác phong nhanh nhẹn, dứt khoát của chiến sĩ trinh sát, ông Xuyên kể: “Đêm 21-3-1975 đơn vị hành quân từ núi Bông, núi Nghệ, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế xuống đồng bằng, qua căn cứ La Sơn thì dừng lại. Đến đường 1, tôi được lệnh chốt một đầu đường quốc lộ, biên chế một khẩu B41 với nhiệm vụ khi có địch cản đường, phải mở đường cho bộ đội tiến lên. Sau khi tiểu đoàn 3 đi qua, tôi chờ mãi không thấy đơn vị tiếp tới. Tôi quay lại tìm bộ đội, dẫn đơn vị đi tiếp theo cánh đồng lúa hướng ra đường lớn”. Ông nói tiếp: “Lúc đó, xe tăng của địch quay lại bắn, tiểu đoàn 2 vì vậy mà bị chậm lại, hôm sau mới xuống được nơi tập kết. Chúng tôi dừng ngay bên bờ phá Tam Giang, chờ đến đêm vượt phá, đánh địch đang chốt giữ ở bờ bên kia”.

Một trong những bước ngoặt của trận đánh, đêm 24, rạng sáng 25-3, sư đoàn nhận được thông tin địch đã bị đánh tan ở Quảng Trị và Huế, số quân địch ở bên kia bờ phá Tam Giang không chốt giữ nữa mà tìm đường ra cửa biển Thuận An từ đó theo đường biển về Đà Nẵng. Ngay lúc đó, chỉ huy sư đoàn quyết định tấn công tàn quân. Lời kể của ông Xuyên gấp gáp, khẩn trương hơn cùng với diễn biến của trận đánh, “chúng tôi chia từng tốp, theo xuồng của dân vượt phá Tam Giang, tôi có mặt trên chuyến xuồng đầu tiên. Không còn đường lùi, địch chống cự rất mạnh, đã có nhiều anh em thương vong, nhưng vẫn kiên cường bám địch. Tôi vẫn nhớ hình ảnh đồng chí Tiễu, bàn tay đã cụt gần hết ngón nhưng vẫn cầm AK xung phong giết giặc. Sau một ngày đêm chiến đấu, ta liên tục dồn ép, lúc đó hải quân ta đã làm chủ vùng biển nên khả năng địch có thể rút về Đà Nẵng phá sản, lần lượt hơn 7000 quân địch ra hàng”. Một ngày sau đó, 26-3-1975, Thừa Thiên - Huế được giải phóng, bước chân thần tốc của quân đội ta tiếp tục tiến thẳng đến Sài Gòn.

Người thương binh hai lần nhận giấy báo tử

Kỷ niệm chiến trường của các cựu chiến binh Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 không biết lúc nào mới có thể kể hết được. Nhưng trường hợp sống sót hy hữu của người thương binh Khúc Văn Khục là câu chuyện để mỗi khi gặp nhau các anh lại nhắc đến như một hiện thân bằng xương bằng thịt của những năm tháng hào hùng đó.

Từ cõi chết trở về, mãi đến nhiều năm sau ông Khục mới biết hai giấy báo tử của mình đã được gửi về gia đình. Ông Khục bị thương cũng vào lúc những ngày cao điểm của chiến dịch giải phóng Huế. “Hôm đó tôi được lệnh dẫn một đội đánh xuống sân bay Phú Bài. Khi cùng anh em đến nơi, xung quanh không một bóng người, đột nhiên đạn cối 81,7mm nổ ngay phía sau, tôi bị thương nặng ở đầu, không còn biết gì nữa. Chuyển về bệnh xá của quân địa phương, đồng đội nghĩ tôi đã hy sinh, đặt tôi nằm cùng với những tử sĩ khác trên xe đưa đi chôn cất. May mắn và như có một xui khiến vô hình nào đó, đồng chí y tá của bệnh xá tên là Thắng để quên đôi dép trên xe. Xe đã bắt đầu chuyển bánh đồng chí Thắng gọi giật lại. Lúc lên xe anh ấy lại vô tình đá vào tôi. Không hiểu sự tình cờ nào, anh Thắng phát hiện ra tôi còn sống, hơi thở rất yếu, mạch vẫn đập dù khó nhận ra. Ngay lập tức tôi được đưa vào cấp cứu, sau 9 ngày hôn mê tôi mới tỉnh lại”, ông Khục nhớ lại từng chi tiết tỉ mỉ. Nằm ở Bệnh viện Mang Cá dưỡng thương, qua Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, mỗi ngày trôi qua tin giải phóng các địa phương lại dồn dập báo về. “Lúc đó tôi sốt ruột lắm, chỉ muốn nhanh được về đơn vị. Khi xe chở thương binh trên đường vào bệnh viện lớn ở Sài Gòn, qua Nha Trang,  tôi nhìn thấy mấy anh trong đại đội mình. Mừng quá, tôi đòi xuống xe, rồi mấy anh em chỉ còn biết ôm chầm lấy nhau. Ai cũng ngạc nhiên hỏi, sao mày báo tử rồi mà bây giờ còn ở đây”, ông Khục tâm sự, trong đôi mắt còn nguyên cảm xúc của ngày trùng phùng. Gặp lại đơn vị, ông không vào Sài Gòn để tiếp tục dưỡng bệnh nữa mà tham gia chiến đấu luôn. Sau đó, ông Khục sang Lào rồi lên Lạng Sơn,  cho đến năm 1982 thì xuất ngũ về địa phương.

Thăm và tặng quà mẹ Đoàn Thị Nhạc nhân ngày thương binh liệt sĩ. Ảnh: Hà Duy.

Thoáng một chút trầm xuống, ông Khục kể về hai tờ giấy báo tử, đến nay ông vẫn giữ làm kỷ niệm: “Tôi nằm ở bệnh xá quân địa phương, nhưng trùng hợp là tại Bệnh xá Trung đoàn 1 có một chiến sĩ hy sinh, đơn vị rà lại những người bị thương nặng, cứ đinh ninh người hy sinh đó là tôi nên mới gửi giấy báo tử về. Mẹ tôi khóc rất nhiều khi nhận được tin, nhưng người chị gái của tôi một mực nói rằng tôi không thể chết được, bởi chị ấy có linh tính là tôi còn sống”. Không chỉ một lần nhận được giấy báo tử, sau đó gia đình ông Khục thêm một lần nhận được giấy báo tin ông không còn. Trong lúc chiến trường “dầu sôi lửa bỏng”, ông Khục biết những nhầm lẫn như thế dù không ai muốn vẫn có thể xảy ra, mà không chỉ với riêng mình ông. Năm 1979, ông đã viết thư về báo với gia đình mình còn sống. Trước khi nhắm mắt, người mẹ già của ông kịp nhận tin vui về con trai của mình. “Tôi đã may mắn hơn nhiều đồng đội đang nằm lại chiến trường, gợi lại kỷ niệm cũng là để tôi không bao giờ được quên các anh”, ông nói khi ánh mắt vẫn nhìn về phía xa.

Không quên những người nằm xuống

Sau hơn 30 năm kể từ ngày nhập ngũ và gắn bó với mảnh đất Thừa Thiên - Huế, những đồng đội cùng nhau vào sinh ra tử của Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 mới có dịp trở lại chiến trường xưa. Đứng trên dãy An Hô khi tuổi đã ngấp nghé lục tuần, tóc đã hoa râm, những thanh niên năm xưa không kìm được cảm xúc khi chứng kiến sự đổi thay của nơi đây. Ông Ngụy Hoàng Sơn, từng là chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1, Sư đoàn 324, chia sẻ: “Chiến tranh kết thúc hơn 30 năm, chúng tôi già đi còn An Hô xanh trở lại, màu xanh đó có một phần tuổi trẻ chúng tôi, cuộc sống của nhiều đồng đội tôi, quan trọng hơn đó là niềm tin của chúng tôi vào cuộc sống tốt đẹp hôm nay”.

Với những người cựu chiến binh hôm nay, một điều luôn canh cánh trong lòng đó nhiều đồng đội mãi mãi nằm lại nơi chiến trường nay vẫn chưa thể tìm được gia đình, người thân. Sau khi đất nước hòa bình, mong muốn về lại chiến trường xưa, tìm phần mộ của đồng đội đã hy sinh càng thôi thúc các anh hơn nữa. Các anh biết, có những người mẹ đã hàng chục năm ròng mỏi mắt chờ tin con, nhưng không có một chút manh mối nào để đi tìm. Mẹ Đoàn Thị Nhạc ở Chí Linh, Hải Dương là một trong những người mẹ đó. Con trai mẹ, anh Vũ Văn Mật, đồng đội cùng đơn vị với các anh, đã hy sinh trong trận đánh cuối cùng của Trung đoàn trên cửa biển Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế. Trong giấy báo tử gửi về gia đình, thông tin chỉ vẻn vẹn có mấy dòng chữ: “Vô cùng thương tiếc báo tin anh đã anh dũng hy sinh tại mặt trận phía Nam”. Nhưng phía Nam là đâu, anh đang nằm ở nơi nào thì mẹ không có cách gì biết được. Biết bao nhiêu nước mắt mẹ đã khóc vì thương nhớ, vì ngóng tin anh. Ngày 30-4-2009, trong lần đầu trở lại thăm chiến trường xưa, nhóm cựu chiến binh của Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 đã đi khắp các nghĩa trang của huyện Phú Vang để tìm thông tin về đồng đội hy sinh trong trận đánh ngày 25-3-1975. Có mặt trong chuyến đi đó, cựu chiến binh Trần Văn Hùng nhớ lại: “Đến nghĩa trang xã Phú Hải, thật may mắn chúng tôi đã tìm được các anh, sau trận đánh, bà con địa phương đã quy tập các đồng đội tôi về nghĩa trang này, các anh nằm gần nhau, vẫn sát cánh như ngày còn cùng chiến hào”. Tìm được phần mộ đồng đội rồi, việc của những người lính năm xưa là phải liên lạc được với gia đình. Liên hệ với Sư đoàn 324, hiện đang đóng quân ở Nghệ An, các anh biết được thông tin về gia đình liệt sĩ, cũng từ đó địa chỉ hiện tại của mẹ Đoàn Thị Nhạc và người thân của ba đồng đội khác được tìm thấy. Tháng 6-2009, người mẹ già sau hơn 30 năm mòn mỏi nhớ thương nay đã đến gần bên người con trai của mình. Khi đã ở buổi xế bóng của cuộc đời, mẹ đón linh hồn anh về với quê hương tiên tổ.

Quyết tâm và sức mạnh của tình đồng chí đã giúp các cựu chiến binh tìm được nhiều đồng đội đã ngã xuống cùng một ngày khi chiến thắng gần kề, đem lại niềm an ủi, động viên lớn lao cho thân nhân các liệt sĩ./.

Đỗ Mạnh Hưng