Trung tướng NGUYỄN BÌNH.

Rất nhiều báo, sách đã viết về Trung tướng Nguyễn Bình “huyền thoại và sự thật” mà suốt gần nửa thế kỷ hiểu biết của chúng ta vẫn chưa đầy đủ. Nhưng sau 49 năm hy sinh, đồng đội đã tìm được thi hài, đón Trung tướng về nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh, trả lại đầy đủ lịch sử những gì của sự thật về vị tướng “độc nhãn long” đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ Bác Hồ giao: “Tổ quốc trên hết!”:

Nước nhà giành được độc lập mới 3 tuần lễ thì quân Pháp đã trở lại đánh chiếm Sài Gòn và lửa chiến tranh lan khắp Nam Bộ. Tháng 10-1945, Bác Hồ không chọn ai khác mà giao cho “Thủ lĩnh đệ tứ chiến khu Đông Triều” Nguyễn Bình miền đất lửa “thập bá tranh hùng” Nam Bộ của Tổ quốc. Ông thưa với Bác:

- Thưa Bác, được Bác tin cậy trao cho nhiệm vụ vô cùng lớn lao, vô cùng hiểm nguy và nặng nề, Nguyễn Bình xin bái mệnh, nhưng...

- Chú nhận nhiệm vụ rồi sao còn “nhưng”?

- Thưa Bác, một Nguyễn Bình giang hồ ngang dọc để làm việc nghĩa, một Nguyễn Bình Quốc dân đảng để cứu nước đã thất bại... Nguyễn Bình ly khai Quốc dân đảng bị kết tội phản đảng, họ trị tội bằng cách móc một mắt. Nguyễn Bình không chết đã tìm đến con đường của “Ông Nguyễn yêu nước”-Nguyễn Ái Quốc-để cứu nước. Giờ đây được Bác tin cậy giao việc lớn cho cháu, nhưng cháu chưa phải là đảng viên cộng sản... (Năm 1946, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương).

Đúng là tính cách của Nguyễn Bình-Nguyễn Phương Thảo “giang hồ”: “Sống dưới ách thống trị hà khắc của thực dân Pháp, với lòng yêu nước nồng nàn, từ năm 16 tuổi đã tham gia phong trào cách mạng, bị bọn thực dân truy lùng đã trốn vào tận Sài Gòn hoạt đông và tham gia Quốc dân đảng yêu nước do Nguyễn Thái Học lãnh đạo năm 1928, lúc tròn 20 xuân và năm sau bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Trong lao tù đế quốc, được những người cộng sản giác ngộ, Nguyễn Bình từ bỏ đường lối Quốc dân đảng, tự nguyện đi theo đường lối cộng sản nên bị chúng trả thù móc mất một mắt. Năm 1935 ra tù, tiếp tục hoạt động lại bị địch bắt. Tiếp tục hoạt động lại bị bắt lần nữa từ 1938 đến 1942. Từ năm 1943, Nguyễn Bình được Trung ương giao phụ trách mua sắm vũ khí cho cách mạng ở Hà Nội-Hải Phòng... Nhà sử học Trần Huy Liệu từng ở tù Côn Đảo, giác ngộ Nguyễn Bình, đã viết: “Thảo có can đảm, vũ dũng hơn người và trung hậu với bạn, trung thành với đoàn thể. Trước Cách mạng Tháng Tám, Thảo lập chiến khu Đông Triều một cách tự động...”. Tháng 3-1945, Nguyễn Bình “lãnh đạo tổ chức đánh cướp tàu địch ở Hạ Lý-Hải Phòng, hạ đồn Đông Triều, diệt đồn Bí Chợ, đánh địch chiếm thị xã Uông Bí; tháng 7-1945, tổ chức đánh chiếm giải phóng thị xã Quảng Yên, là tỉnh lỵ duy nhất ở miền Bắc được giải phóng trước Cách mạng Tháng Tám...”. Nhà lão thành cách mạng Trần Cung, người tham gia lập chiến khu Đông Triều, viết: “Nguyễn Bình dẫn gần 100 nghĩa quân tiến theo cờ đỏ sao vàng trên đường 18 hướng tới Đông Triều. Cả đoàn chỉ có một súng trường, còn toàn giáo mác. Cánh tay phải mỗi người đeo một băng đỏ đính sao vàng. Riêng Nguyễn Bình gắn trên ngực miếng vải đỏ có chữ TCH-tức Tổng chỉ huy... Từ chiến khu Đông Triều, đồng chí đã chỉ huy lực lượng tiến công phối hợp với nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức giành chính quyền ở thành phố Hải Phòng, Kiến An và Hải Dương; được Trung ương giao làm khu trưởng Khu duyên hải Bắc Bộ, đồng chí có công lao to lớn trong bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ...”.

Đúng là tính cách của Nguyễn Bình. Khi nghe Nguyễn Bình “bộc bạch”, Bác Hồ cười hiền từ, nhưng giọng đanh từng lời: “Đảng viên cộng sản ư? Tổ quốc trên hết! Tôi giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Bình ái quốc, ái dân và bình thiên hạ cho an sinh hòa mục...”.

Tháng 10-1945, Nguyễn Bình vào Nam đi theo ngả Tây Nguyên tới thị xã Thủ Dầu Một, ở nhà ông giáo Chương. Sau đó, được ông Võ Bá Nhạc là con rể ông Chương nhường sở cao su Bến Vịnh mà chủ người Pháp giao cho ông quản lý để “anh Ba” lập tổng hành dinh. Chính ông Võ Bá Nhạc là chánh văn phòng cho anh Ba từ ngày đầu cho tới ngày anh hy sinh 29-9-1951 ở tuổi 43... Vào Nam mới hai năm, Nguyễn Bình đã thu phục được các tướng giang hồ như Bảy Viễn-Lê Văn Viễn, Mười Trí, Bá Dương, Tám Mạnh, Năm Hà... đem quân Bình Xuyên kết cánh vào Quân đội quốc gia Việt Nam cùng chiến đấu chống Pháp xâm lược. Tết năm 1948 Bác Hồ ở Việt Bắc đã nhận được thư chúc Tết của Bảy Viễn, Mười Trí-thủ lĩnh Bình Xuyên. Bác Hồ đã gửi thư cho Bảy Viễn, Mười Trí, hỏi thăm Bá Dương và cả gửi thư cho Nguyễn Bình-vừa được phong hàm Trung tướng trong đợt phong 12 tướng đầu tiên của quân đội ta. Trong thư, Bác có “gửi lời căn dặn chú mọi việc phải rất cẩn thận bàn bạc với anh em Ủy ban kháng chiến hành chính và các đồng chí phụ trách quân sự để giữ đúng nguyên tắc tối cao của chính quyền dân chủ ta, mọi việc đều đặt quyền lợi của Tổ quốc lên trên...”.

Xin nói rõ thêm, Bảy Viễn về sau đầu hàng Pháp được phong thiếu tướng nhưng không cầm quân đánh lại Bộ đội Cụ Hồ, mà mở sơn tràng, khai thác gỗ... “vì nể tướng Nguyễn Bình và tao phục thì chỉ kính phục Cụ Hồ... Tao lỡ bước lần này là phụ tình với Cụ Hồ, thì Bảy Viễn này chỉ còn im lặng!”...

Để khách quan hơn, xin dẫn lời sử gia người Pháp chuyên về Đông Dương P.Sê-nút đã viết về “Nguyễn Bình-ông tướng một mắt”. Các sử gia người Pháp tặng Nguyễn Bình biệt danh “Lưu Bá Thừa của Việt Nam”-Lưu Bá Thừa là tướng “độc nhãn long” nổi tiếng chuyên về tiến hành chiến tranh du kích của Quân giải phóng Trung Hoa. Sê-nút đã ngợi ca Nguyễn Bình là “Lưu Bá Thừa của Việt Nam” đã ngã xuống cho Nam Bộ đứng lên: “Nguyễn Bình nhờ sức kiên trì đã thống nhất các lực lượng du kích ở miền Nam sau này trở thành Nam Bộ. Ở miền Nam năm 1946, du kích đã tìm được một vị chỉ huy: Nguyễn Bình. Trước đó, các cơ quan tình báo Pháp tập trung chăm chú theo dõi các nhà hoạt động chính trị như Trần Văn Giàu-Chủ tịch lâm ủy hành chính Nam Bộ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, và vài nhân vật nổi tiếng của Sài Gòn. Còn Nguyễn Bình tuy chỉ mang danh nghĩa phái viên quân sự nhưng lại là người toàn quyền tổ chức quân sự ở Nam Bộ. Về Nguyễn Bình, người Pháp không hề biết một chút gì. Ông ta đã sống gian khổ, gương mẫu và mạo hiểm như các nhà cách mạng Việt Nam... Hồ Chí Minh phái ông vào Nam tổ chức cuộc kháng chiến bằng cách tập hợp các phong trào quốc gia trong một mặt trận toàn quốc. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn vì trong Nam lúc đó rất nhiều màu sắc chính trị, đảng phái và tôn giáo như Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên, Hải Hồ (do Nhật tổ chức)... Nguyễn Bình tìm được giọng nói thích hợp với từng hạng người. Với tư sản Sài Gòn, ông đề cập tinh thần quốc gia. Với nông dân ông nói về chia ruộng đất các đại điền chủ cấp cho dân nghèo. Với thanh niên ông hô hào lòng dũng cảm vì nước quên mình... Nhưng ông cũng dùng cả hình phạt với những kẻ lợi dụng chiến tranh để làm giàu bằng cách hợp tác với Pháp... Tổng hành dinh của ông ở giữa Đồng Tháp Mười mà lại tiếp giáp cửa ngõ Sài Gòn, nhờ khéo ngụy trang mà không bị quân Pháp tìm thấy. Một bộ máy hành chính, kinh tế và quân sự cực kỳ phức tạp được thiết lập trên khắp Nam Bộ. Tất cả các làng và các phường hộ trong thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn đều có cán bộ lãnh đạo nhân dân, thu thuế và thi hành các bản án dành cho bọn phản động...”.

Nhà báo E.A-nan-rát viết trong tạp chí Đông Dương-Đông Nam Á cũng hết lời ca ngợi tài năng của Nguyễn Bình, còn nhắc đến chi tiết cảm động về cuốn sổ nhật ký có bức thư viết cho vợ: “Ngày 29-9 (1951). Trong đêm, anh không ngủ được. Gạo đã hết, chỉ còn đủ một bữa. Anh không ăn hôm nay để dành cho các đồng chí bệnh. Và tất cả chuẩn bị lên đường...”. Đúng cái ngày ấy, Nguyễn Bình đã hy sinh tại một phum trên đất Cam-pu-chia bên dòng Xê-rê-pốc nên mãi 49 năm sau đồng đội và vợ con ông mới tìm được hài cốt, đón ông về Tổ quốc. Đảng, Nhà nước đã truy tặng ông danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, một vị tướng-liệt sĩ “ái quốc, ái dân và bình thiên hạ cho an sinh hòa mục”, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ Bác Hồ trao vì “Tổ quốc trên hết”.

PHAN THANH