QĐND - Thượng tướng Nguyễn Chơn sinh năm 1927 ở xã Hòa Minh, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng), nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, khóa VII, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Anh hùng LLVT nhân dân; Đại biểu Quốc hội khóa VIII. Nguyễn Chơn nhập ngũ năm 1946, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1949. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Chơn chiến đấu ở chiến trường Khu 5, Trị - Thiên. Bản lĩnh của người chỉ huy Nguyễn Chơn sớm bộc lộ từ khi ông còn là cán bộ cấp phân đội. Các trận đánh do ông chỉ huy luôn diễn ra nhanh gọn, ít thương vong. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, nhiều trận Nguyễn Chơn từng lao vào đồn, xông thẳng vào đội hình quân địch để tiêu diệt chúng. Nổi bật là đơn vị của Nguyễn Chơn đã tiêu diệt tập đoàn phòng ngự bắc Kon Tum; tiêu diệt gọn, xóa sổ phiên hiệu một đơn vị quân Pháp ở đèo An Khê, tỉnh Gia Lai. Được Tư lệnh Liên khu 5 nhiều lần tuyên dương công trạng. Năm 1954, Nguyễn Chơn được tập kết ra Bắc và sau đó được cử đi học Trường Sĩ quan Lục quân...
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nguyễn Chơn trở về chiến đấu trên quê hương Quân khu 5, là cán bộ tiểu đoàn, rồi phát triển lên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 (Trung đoàn Ba Gia), Sư đoàn 2, chiến đấu ở địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng. Trong Tết Mậu Thân 1968, Nguyễn Chơn chỉ huy trung đoàn đánh địch trong thành phố Đà Nẵng, gây cho địch nhiều tổn thất. Cuối năm 1970, Nguyễn Chơn được bổ nhiệm làm Tư lệnh (Sư đoàn trưởng) Sư đoàn 2. Đầu năm 1971, ông chỉ huy Sư đoàn 2 (thiếu) tham gia Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào giành thắng lợi lớn, rồi được lệnh quay vào giải phóng cao nguyên Bô-lô-ven của Lào. Đầu năm 1972, Sư đoàn 2 được lệnh trở vào Tây Nguyên tham gia Chiến dịch Đắc Tô - Tân Cảnh. Sư đoàn 2 đã tiến công, đánh chiếm và làm chủ quận lỵ Đắc Tô. Trong cuộc Tổng tiến công năm 1975, Sư đoàn 2 do Nguyễn Chơn chỉ huy đã tiến công giải phóng thị xã Tam Kỳ, sau đó cùng lực lượng vũ trang Quân khu 5 tiến công giải phóng thành phố Đà Nẵng. Từ năm 1979, Nguyễn Chơn là Tư lệnh Quân đoàn 2, sau đó giữ chức Tư lệnh Quân khu 5 và phát triển tiếp lên Phó tổng Tham mưu trưởng; từ cuối năm 1993 là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo từng đánh giá rất cao về Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn. Ông cũng được nhiều cán bộ cùng thời cho là một nhà chỉ huy quân sự xuất sắc; là sư đoàn trưởng chưa từng thua trận nào, một vị tướng bậc thầy về lối đánh xóa sổ hoàn toàn đơn vị địch. Thượng tướng Nguyễn Chơn được coi là linh hồn của "Sư đoàn thép"; Sư đoàn bộ binh 2 Quân khu 5 được vinh danh mang tên ông - Sư đoàn Nguyễn Chơn.
Tôi lần đầu được gặp Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn sau khi quân ta giải phóng Đắc Tô - Tân Cảnh (tháng 4 năm 1972), khi đó ông chỉ huy Sư đoàn 2 tiến về thị xã Kon Tum, còn Trung đoàn 66 của tôi hành quân lên hướng Plei Cần. Dạo ấy nhìn ông mảnh mai, mặt xương xương, đôi mắt rất sáng và kiên nghị. Trong đội hình Sư đoàn 2, tôi ấn tượng có một đại đội nữ vận tải, mặc quần áo bà ba đen, khăn rằn, nhìn các chị ai cũng có nước da mai mái rất đáng thương. Đội hình sư đoàn đang nghỉ giải lao, chúng tôi dừng lại hỏi chuyện, ông vui vẻ tiếp. Về sau tôi mới biết người tiếp chúng tôi là Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn. Sau này ông về Bộ, tôi nhiều lần đến thăm ông. Tôi cũng đôi ba lần được gặp Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Thị Lý - người vợ hiền của ông khi bà làm Giám đốc Khách sạn Bạch Đằng, Quân khu 5, bên bờ sông Hàn. Một lần đến thăm ông, tôi nảy ra ý định hỏi ông về trận đánh của Sư đoàn 2 do ông chỉ huy, đánh quỵ Sư đoàn 1 Quân lực Việt Nam cộng hòa trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào để hiểu thêm lời nhận xét của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo về một trong ba vị sư đoàn trưởng giỏi nhất toàn quân khi ấy, ông cho biết:
Sau khi quân đội ngụy triển khai chiếm lĩnh xong khu vực tập kết, ngày 8-2-1971, được sự yểm trợ của hỏa lực Mỹ, 7 trung đoàn bộ binh, dù và thiết giáp ngụy hình thành 3 cánh quân vượt biên giới Việt - Lào. Cánh quân chủ yếu tiến theo Đường 9 lên Bản Đông. Hai cánh quân khác đổ bộ bằng máy bay lên thẳng chiếm một loạt điểm cao ở Nam - Bắc Đường 9, lập các căn cứ, hỏa lực bảo vệ sườn cho cánh quân chủ yếu.
Ngày 4-3, Sư đoàn 1 quân đội Sài Gòn đổ quân xuống chiếm các điểm cao 660, 723, 748 làm bàn đạp chiếm Sê Pôn. Trong đó, Trung đoàn 1 ở điểm cao 723, Trung đoàn 2 và Trung đoàn 3 ở các điểm cao 660, 462 và 651. Quyết tâm bẻ gãy cánh quân phía Nam, tiêu diệt Sư đoàn 1 địch, không cho chúng tiến lên Sê Pôn, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 2 (thiếu Trung đoàn 31) được tăng cường 1 tiểu đoàn (thuộc Trung đoàn 48, Sư đoàn 320), Trung đoàn Pháo binh 368 thực hiện trận then chốt tiêu diệt Trung đoàn 1 địch ở điểm cao 723 (nằm trên trục đường vận tải chiến lược Đoàn 559), tiếp theo là Trung đoàn 2 ở các điểm cao 660, 462.
Sau khi đi trinh sát và nghiên cứu lại, Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn thấy địch đang muốn tiến về Sê Pôn, nên ông đề xuất phương án: Đánh ép mặt trước, buộc địch phải rời công sự, kéo về Sê Pôn; ta sẽ dùng 6 tiểu đoàn thực hành bao vây, đón lõng dọc đường địch hành quân để đánh địch ngoài công sự, tiêu diệt toàn bộ trung đoàn địch. Phương án của ông được Đảng ủy Sư đoàn 2 và Bộ Tư lệnh chiến dịch chấp nhận.
Đêm 8-3-1971, các lực lượng bao vây, đón lõng bắt đầu triển khai chiếm lĩnh trận địa. Từ ngày 13 đến 15-3, các loại hỏa lực của ta từ cối 82mm, ĐKZ 75, pháo Đ74, cối 160mm... của ta liên tục bắn vào điểm cao 723. Pháo phòng không của sư đoàn và chiến dịch giăng lưới lửa cắt đứt chi viện đường không của địch. Sau khi phát hiện địch có dấu hiệu rút quân, ngay trong đêm 15-3, ông đề nghị họp Thường vụ Đảng ủy hạ quyết tâm diệt Trung đoàn 1 địch, đồng thời lệnh cho Tiểu đoàn 15 công binh của Sư đoàn 2 nới vây để địch rút về Sê Pôn, đôn đốc các đơn vị bao vây đón lõng nắm chắc địch, không được bỏ lỡ thời cơ diệt địch.
Vòng vây nới lỏng, sáng 16 địch bắt đầu rút khỏi 723 theo hướng Tây - Bắc để lên Sê Pôn. Tiểu đoàn 4 của Trung đoàn 141 của ta được lệnh lên chiếm lĩnh 723 để đánh vào phía sau địch. Pháo binh được lệnh bắn chặn các ngả đường buộc địch phải dồn vào khu vực ta có lực lượng đón sẵn.Trước thời cơ diệt gọn cả trung đoàn địch, Sư đoàn 2 đã bắn 1.000 quả pháo - gấp hai lần dự kiến. Khi pháo ngừng bắn, các tiểu đoàn bộ binh được lệnh đồng loạt bám sát địch, thực hành tiến công, chia cắt để tiêu diệt từng cụm quân địch. Đến 11 giờ ngày 16-3, vòng vây của ta đã siết chặt và Tiểu đoàn 1 của địch bị tiêu diệt hoàn toàn, các tiểu đoàn khác của Trung đoàn 1 địch đang ở trong tình trạng hoang mang, dao động, tinh thần rệu rã.
Để vừa tiêu diệt được toàn bộ Trung đoàn 1, vừa không để Trung đoàn 2 của chúng đang ở điểm cao 660 có cơ hội chạy thoát, Chỉ huy Sư đoàn 2 đã táo bạo quyết định đưa một phần lực lượng sang vây ép 660. Lực lượng còn lại nhanh chóng tiêu diệt Trung đoàn 1 rồi chuyển sang cùng các đơn vị vây ép, tiêu diệt địch ở điểm cao 660.
14 giờ ngày 16, trận chiến đấu ở khu vực 723 tiếp tục. Bộ đội ta từ các hướng xung phong mãnh liệt tiêu diệt Trung đoàn 1 địch.Từ phía Tây, Trung đoàn 141 đánh xuống. Từ hướng Đông Bắc, Tiểu đoàn 40, Trung đoàn Ba Gia, Sư đoàn 2 đánh vào. Từ hướng Đông - Nam, Tiểu đoàn Đặc công và Tiểu đoàn Công binh 15 của ta đánh thốc lên. Trước sức tiến công liên tục của bộ đội ta, 10 giờ 30 phút ngày 17-3, Sở chỉ huy Trung đoàn 1 bị tiêu diệt, viên Đại tá, Trung đoàn trưởng bị chết tại trận. Trận đánh ở khu vực 723 kết thúc. Ta diệt và bắt sống 1.700 tên, bắn rơi nhiều máy bay, thu nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch.
Tin điểm cao 723 bị diệt làm binh lính Trung đoàn 2 địch ở điểm cao 660 hết sức hoang mang. Để tránh nguy cơ bị tiêu diệt, chỉ huy cuộc hành quân của địch cho Trung đoàn 2 tháo chạy. Nhưng đã quá muộn. Trung đoàn Ba Gia, Sư đoàn 2 vượt qua bom đạn đến khu vực điểm cao 660 và siết chặt vòng vây trước khi quân địch nhận được lệnh rút chạy. Đêm 20-3, sau khi hội ý với Chính ủy Nguyễn Tá, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Ba Gia Trần Quang Lập quyết định đưa Tiểu đoàn 40 vừa mới từ 723 về, phối hợp với Đại đội 7, Tiểu đoàn 60 hình thành hai mũi tiến công vào cụm quân địch. 3 giờ 30 phút ngày 21-3, trận tiến công dứt điểm Trung đoàn 2 địch bắt đầu. Sau loạt pháo chuẩn bị, bộ đội ta đồng loạt xung phong. Sau hơn ba ngày chiến đấu liên tục, Trung đoàn Ba Gia đã gần như xóa sổ Trung đoàn 2 địch, diệt và bắt sống gần 1.300 tên, thu 4 khẩu pháo 105mm, 54 máy PRC 25, bắn rơi 36 máy bay.
Ngày 23-3-1971, Bản Đông được giải phóng, Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào kết thúc. Trong chiến dịch, Sư đoàn 2 đã đánh thắng hai trận lớn, tiêu diệt Trung đoàn 1 và đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 2, như vậy là Sư đoàn 2 đã đánh quỵ Sư đoàn 1 bộ binh Việt Nam cộng hòa, góp phần xứng đáng vào thắng lợi rất to lớn của chiến dịch lịch sử Đường 9 - Nam Lào trong mùa Xuân 1971.
Qua câu chuyện của ông, tôi càng tin vào lời nhận xét của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo về đồng chí Nguyễn Chơn. Với những cống hiến to lớn, Thượng tướng Nguyễn Chơn đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác.
11 giờ ngày 30-12-2015, trái tim vị tướng lẫy lừng một thời đã ngừng đập. Ông ra đi để lại nỗi tiếc thương vô hạn với đồng chí, bạn bè và gia đình. Cầu chúc cho ông được an lạc ở cõi vĩnh hằng.
LÊ HẢI TRIỀU
TIN BUỒN
Tóm tắt tiểu sử đồng chí Thượng tướng Nguyễn Chơn