Bác sĩ, nhà giáo tuổi 81 Phan Thế Nghiệp

QĐND - "Sau mỗi trận chiến đấu, nhìn đồng đội quằn quại trong cơn đau, trái tim chúng tôi như thắt lại. Công việc điều trị chấn thương chỉnh hình đặt ra hết sức cấp bách. Ở rừng sâu, phương tiện y tế, thuốc men thiếu thốn. Mỗi ca phẫu thuật, chúng tôi đã phải mài xương thú rừng để làm đinh, nẹp cố định xương cho đồng đội. Hàng trăm đồng chí sau đó đã trở về lành lặn nhờ cách làm "liều" ấy…". Đại tá, bác sĩ, nhà giáo Phan Thế Nghiệp nhớ lại những tháng ngày "oanh liệt" của đời mình như vậy

THẦY GIÁO TUỔI THƯỢNG THỌ

Chúng tôi ngồi chưa ấm chỗ thì cánh cửa phòng khách của Trung tâm Huấn luyện, nghiên cứu Y học quân sự (cơ sở của Học viện Quân y khu vực phía Nam - gọi tắt là Trung tâm) lại hé mở. Một tốp nữ sinh mặc đồng phục ngành y, ôm cặp đứng khép nép bên ngoài.

 - Thưa thầy! Sao mấy hôm nay thầy Nghiệp không lên lớp ạ? - Một nữ sinh lễ phép cất tiếng.

Thượng tá bác sĩ Nguyễn Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm trả lời:

- Thầy Nghiệp bị ốm mấy ngày nay rồi các em ạ!

Tốp nữ sinh hốt hoảng:

- Thầy... Thầy Nghiệp... có làm sao không ạ!

Thầy Toàn bước ra cửa, ôn tồn:

- Thầy bị cảm sốt. Các em yên tâm học tập cho tốt. Lúc nào khỏi bệnh thầy sẽ trở lại giảng đường.

Chờ cho tốp nữ sinh đi khuất, anh Toàn quay lại tiếp chuyện chúng tôi, giọng buồn buồn pha lẫn sự lo lắng:

- Thầy mới vắng lớp có ba ngày mà sinh viên đã đến tận phòng Ban giám hiệu để hỏi. Nếu vì một lý do nào đó thầy nghỉ dạy luôn, không biết chúng tôi phải trả lời sinh viên thế nào?

Câu chuyện giữa thầy trò Trung tâm thôi thúc chúng tôi tìm gặp người thầy giáo già ấy. Ông là Đại tá, bác sĩ, nhà giáo Phan Thế Nghiệp, người thầy thuộc lớp giảng viên đầu tiên của Học viện Quân y. Ngoài tám mươi, sức khỏe giảm sút nhưng ông vẫn rất minh mẫn. "Tôi đang định đi tắc-xi vào trường một chút. Mấy hôm nay sức khỏe yếu, không đứng lớp được, ngồi ở nhà buồn lắm!" - Ông nói.

Trò chuyện với ông mới thấy, tình yêu nghề nghiệp, tình yêu dành cho học trò của ông lớn đến mức nào. Và cũng chính nhờ điều ấy đã giúp ông vượt qua được gánh nặng tuổi tác và quy luật khắc nghiệt của thời gian. Trong căn nhà của ông, bốn bức tường treo kín các bức trướng của nhiều thế hệ học trò kính tặng. Ngôn từ được thêu, khắc, in... trên các bức trướng ấy cho thấy học trò đã dành cho ông sự kính trọng, ngưỡng mộ như một thần tượng, một người cha tinh thần của họ. Thiếu tá, bác sĩ Bùi Thanh Triều, Trưởng bệnh xá quân dân y Trường Cao đẳng nghề số 8 (Bộ Quốc phòng), một học trò cũ của thầy Nghiệp kể lại:

- Ngày sắp ra trường, nhóm sinh viên chúng tôi đến nhà thăm thầy và tặng thầy một món quà. Hôm sau đến trường, thầy gọi đại diện của lớp đến gặp riêng và nói: "Thầy cảm ơn tình cảm của các em, nhưng thầy chỉ xin nhận bó hoa, bức tranh. Còn cái phong bì này thầy xin gửi lại các em. Không phải thầy kiêu căng hay chê tiền của các em, mà hơn nửa thế kỷ làm bác sĩ và đứng lớp, thầy đã đặt cho mình một nguyên tắc là không bao giờ được nhận tiền của bệnh nhân và học trò dưới bất cứ một hình thức nào. Các em giúp thầy giữ trọn điều ấy nhé!". Nhận lại chiếc phong bì từ tay thầy, chúng tôi nghẹn ngào không nói nên lời...

Bác sĩ Phan Thế Nghiệp (đứng giữa) chăm sóc thương binh trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu

 

Chúng tôi đi cùng ông trở lại Trung tâm vào giờ tan lớp. Ông bảo, sức khỏe đã ổn. Ngày mai ông sẽ cùng sinh viên lên giảng đường và đến phòng học thực hành. Nhìn thấy ông từ xa, hơn chục nam nữ sinh viên chạy ùa tới. Trong đám học trò ấy có một nữ sinh quê Bình Phước gọi thầy là nội (tiếng Nam Bộ nghĩa là ông nội). Hóa ra ba đời nhà cô bé đều là học trò của thầy Nghiệp. Ông nội cô từng là chiến sĩ chiến đấu ở mặt trận phía Nam trong kháng chiến chống Mỹ, được bác sĩ Nghiệp phẫu thuật cứu sống. Cha của cô là bác sĩ, học trò cũ của thầy. Và bây giờ là cô. "Nội ơi! Ba con vừa gọi điện cho con hỏi thăm sức khỏe nội. Ôi! Nội đã khỏe rồi, cho con hôn nội một cái nhé". Thầy Nghiệp nở nụ cười tươi, gương mặt tràn trề hạnh phúc, niềm hạnh phúc của một người thầy 81 tuổi mà có lẽ chúng ta rất hiếm bắt gặp ở bất cứ một ngôi trường nào trên đất nước này.

CHUYỆN CỦA NHỮNG MẢNH XƯƠNG THÚ

Bác sĩ Phan Thế Nghiệp sinh ra và lớn lên ở Mỹ Tho (Tiền Giang) vào những năm đầu thập niên ba mươi của thế kỷ trước. Ông tham gia cách mạng từ sớm và được cử đi học ngành y từ năm 17 tuổi. Năm 1950, ông được kết nạp Đảng. Sau nhiều năm làm nhiệm vụ cứu thương phục vụ cách mạng ở Cái Bè và Tỉnh đội Mỹ Tho, ông được tập kết ra Bắc học đại học y. Những năm tháng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nổ ra ác liệt, bác sĩ Phan Thế Nghiệp trở vào Nam, vừa làm giáo viên đào tạo đội ngũ y sĩ chiến trường cho quân đội vừa trực tiếp phục vụ kháng chiến tại Trường Quân y Miền (tiền thân của Trung tâm). Chiến dịch Bình Giã nổ ra, Phan Thế Nghiệp được đồng chí Hồ Văn Huê (cán bộ phụ trách quân y Miền) tin tưởng giao nhiệm vụ phụ trách một bệnh viện dã chiến tại chiến trường để cứu chữa thương binh. Ông nhớ lại: "Thời kỳ đó có anh Vũ Trọng Kính là một trong những Phó tiến sĩ y khoa, chuyên ngành chấn thương chỉnh hình đầu tiên của quân đội tham gia phục vụ chiến dịch. Chúng tôi đào hầm, làm phòng mổ ngầm trong lòng đất và bố trí hệ thống giao thông hào để bảo vệ, cứu chữa cho thương binh. Nhiều lần bị bom địch đánh sập hầm, bị biệt kích địch tập kích bất ngờ, chúng tôi vừa chiến đấu, vừa cáng thương binh chạy đến nơi an toàn".

- Trong các tài liệu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn của ông và đồng nghiệp, có nói đến việc lấy xương thú rừng ghép cho thương binh? - Chúng tôi hỏi.

Bác sĩ Nghiệp nói:

- Tài liệu ấy được chúng tôi viết ngay sau Chiến dịch Bù Đốp, Đồng Xoài, đó là bài: "Phương pháp kết xương dị loại" đăng trên Tạp chí Y học miền Nam. Thời kỳ đó, phương pháp ghép xương dị loại chưa được thực hiện ở Việt Nam. Ngày nay, cách làm này không còn được áp dụng, nhưng ở trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, chúng tôi đã cứu chữa thành công cho hàng trăm thương binh.

Chuyện bắt đầu từ Chiến dịch Bình Giã. Cuộc chiến xảy ra những tình huống nằm ngoài kế hoạch tấn công của ta. Địch phản kháng dữ dội. Số cán bộ, chiến sĩ bị thương vong ngày thêm nhiều. Đa số các ca bị thương đều liên quan đến chấn thương chỉnh hình. Các phương tiện để cố định xương như đinh, nẹp chuyên dụng thiếu thốn trầm trọng. Nhìn đồng đội mình vật vã vì đau đớn, nếu không phẫu thuật ghép xương kịp thời thì vết thương sẽ nhiễm trùng, hoại tử. Trong hoàn cảnh đó, anh Vũ Trọng Kính đã bàn với Phan Thế Nghiệp thử nghiệm lấy xương thú rừng làm phương tiện ghép, kết, cố định xương cho thương binh. Đây là phương pháp kết xương dị loại mà anh Kính từng biết đến trong thời gian học ở Liên Xô, nhưng chưa có cơ sở thực tiễn để khảo nghiệm. Chẳng còn cách nào khác, các bác sĩ đã lấy xương thú rừng, thứ thì mài dũa thành những cái đinh, thứ thì làm thành những cái nẹp, xử lý vô trùng rồi tiến hành ghép vào cơ thể đồng đội, cố định các phần xương bị gãy, nát. "Về nguyên tắc, những dị vật dị loại đưa vào cơ thể con người chỉ được một thời gian, sau đó sẽ bị cơ thể thải loại. Nhưng trong hoàn cảnh ấy, giữ được cho thương binh khỏi bị mất đi những phần trên cơ thể là yêu cầu cao nhất. Sau đó sẽ chuyển các đồng chí ấy về các bệnh viện lớn để phẫu thuật lại." - Bác sĩ Nghiệp hồi tưởng.

Nhưng rồi chiến tranh liên miên, nhiều thương binh phải nằm lại điều trị ở rừng cả mấy tháng trời. Sau khi xương đã liền mạch, các bác sĩ lại tiếp tục mổ để lấy xương dị loại ra ngoài. Cùng với kết xương dị loại, bác sĩ Nghiệp và đồng nghiệp còn vận dụng cách ghép da dị loại, lấy da ếch xử lý vô trùng rồi ghép cho thương binh và theo dõi sát quy trình thải loại, lên da non để xử lý vết thương. Với cách làm sáng tạo và "liều lĩnh" ấy, hàng trăm thương binh đã được trở về lành lặn. Đó là chiến công thầm lặng nhưng rất to lớn của người thầy thuốc quân y trong hoàn cảnh chiến tranh. Mới đây, cán bộ, giáo viên Trung tâm được chứng kiến một cuộc gặp gỡ bất ngờ và cảm động. Anh Ty, cán bộ của một công ty cao su lớn ở Bình Dương đã về tìm gặp bác sĩ Nghiệp. Năm 1968, anh bị thương nặng, gãy dập cánh tay khiến tay anh bị tê liệt. Anh đã được bác sĩ Nghiệp trực tiếp phẫu thuật, kết xương, nối dây thần kinh trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn. Anh trở về lành lặn, mạnh khỏe và giờ đã là một người thành đạt. Sau bao nhiêu năm đau đáu, anh đã tìm lại được người bác sĩ mà theo cách nói của anh là đã sinh ra mình lần thứ hai.

Những kinh nghiệm thực tiễn máu xương trong kháng chiến của người thầy giáo tuổi thượng thọ là những bài học bổ ích về ý chí, y đức, y thuật cho đội ngũ những người thầy thuốc quân đội hôm nay. "Hơn nửa thế kỷ chiến đấu, cứu người và làm công tác giảng dạy, bác sĩ Phan Thế Nghiệp đã đúc kết viết thành hơn 20 tài liệu khoa học. Đó là những tài liệu giáo khoa ngành y rất có giá trị cho công tác giáo dục đào tạo."- Thượng tá Toàn nói thêm với chúng tôi như vậy.

Bài và ảnh: Phan Tùng Sơn