Tiếp xúc với chúng tôi, Trung tá Cấn Huy Hoàng tỏ vẻ e dè khi nói về cuộc sống gia đình. Cũng phải, bởi đã gần hai năm trôi qua nhưng nỗi đau về sự mất mát quá lớn trong đời vẫn chưa thể nguôi ngoai trong tâm trí anh. Đầu năm 2016, vợ anh lâm bệnh nặng, qua đời. Anh rơi vào cảnh “gà trống nuôi con” từ đó. Hai con của anh đang tuổi ăn tuổi lớn, đột ngột thiếu đi bàn tay chăm sóc của mẹ. Anh vừa phải gồng mình lo lắng từng bữa ăn, giấc ngủ, chuyện học hành của con, vừa phải giữ hơi ấm gia đình trong căn nhà chỉ hơn hai chục mét vuông nằm giữa khu dân cư được gọi với cái tên đầy tâm trạng: “Xóm nghèo”.
Anh Hoàng kể, căn nhà trước đây không đến nỗi chật chội, nhưng sau khi phải giải tỏa do dự án mở rộng con đường nội bộ thì nó trở thành nhà “siêu mỏng, siêu nhỏ”. Một mình nuôi hai con và phụng dưỡng mẹ già ở quê, anh phải vun vén, xoay xở để vượt qua khó khăn. “Từ ngày vợ tôi bị bệnh nặng rồi qua đời, cuộc sống của ba cha con tôi thực sự chống chếnh. Sự giúp đỡ, động viên, chia sẻ của thủ trưởng đơn vị và anh em đồng đội đã giúp tôi lấy lại thăng bằng, khắc phục hoàn cảnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ”-Trung tá Cấn Huy Hoàng tâm sự.
 |
Trung tá Cấn Huy Hoàng bên chiếc máy điện thoại quân sự TA57B cải tiến. |
Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng hai năm qua lại là khoảng thời gian Trung tá Cấn Huy Hoàng gặt hái được rất nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học, sáng kiến, phục vụ công tác giảng dạy, huấn luyện. Anh đã làm chủ một số đề tài khoa học, công trình sáng kiến, cải tiến trang thiết bị quân sự được Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 nghiệm thu. Chỉ tính riêng năm 2016, anh đã giành được 3 giải thưởng của Bộ Quốc phòng tại Hội thi sáng kiến toàn quân, gồm: “Âm ly phục vụ huấn luyện và diễn tập”-giải ba; “Cải tiến máy điện thoại quân sự TA57B”-giải ba; “Thiết bị bắn kiểm tra kỹ thuật súng B41 điều khiển từ xa”-giải khuyến khích.
Khi nói về thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” ở trường, người đầu tiên được Đại tá Đặng Ngọc Thơ, Hiệu trưởng Trường Quân sự Quân đoàn 4 nhắc đến chính là Trung tá Cấn Huy Hoàng. Ban giám hiệu nhà trường đã đánh giá cao những cống hiến xuất sắc của anh. Dù trong cảnh “gà trống nuôi con”, nhưng bằng niềm đam mê sáng tạo, cống hiến tài năng, “gà trống” Cấn Huy Hoàng liên tục “đẻ trứng vàng”.
Hơn 5 năm qua, anh đã thực hiện gần 20 đề tài nghiên cứu, sáng kiến, trong đó có 6 đề tài, sáng kiến được vinh danh ở cấp Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu. Điều anh em đồng đội yêu quý, nể phục ở Trung tá Cấn Huy Hoàng không chỉ là những thành tích anh đạt được, mà cái chính là ở tinh thần vượt khó, thái độ trách nhiệm, tâm huyết với nhiệm vụ được giao. Hình ảnh người cán bộ cần mẫn bên ngọn đèn, chăm chú vào các bản vẽ, máy móc giữa đêm khuya đã trở nên quen thuộc với cán bộ, giáo viên ở trường và cả với bà con khu phố.
Trung tá Cấn Huy Hoàng sinh năm 1971, ở Thạch Thất, Hà Nội, nhập ngũ năm 1991. Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật thông tin năm 1997, anh về nhận nhiệm vụ tại Trường Quân sự Quân đoàn 4. Những công trình nghiên cứu, sáng kiến của anh đã được ứng dụng hiệu quả vào công tác dạy học, quản lý ở trường; một số công trình, sáng kiến tiêu biểu đã được ứng dụng rộng rãi trong quân đoàn và nhiều đơn vị trong toàn quân.
Bài và ảnh: PHAN TÙNG SƠN