Nhân chuyến đi công tác, tôi tìm đến thăm anh tại nhà riêng ở ấp Sa Nghe, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Nơi đây, trong những năm kháng chiến, tôi đã từng đóng quân và nghe nhiều đến chiến công huyền thoại của anh. Song giờ nghe chính người trong cuộc kể lại, tôi thực sự bị cuốn hút đến kỳ lạ.
Tên anh là Bùi Văn Thiêng (Hai Thiêng), sinh năm 1939, tại nơi bây giờ anh đang ở. 18 tuổi, yêu quê hương, đất nước, căm thù Mỹ-Diệm sâu sắc, Hai Thiêng tham gia hoạt động trong phong trào của xã. Hằng ngày, lính biệt kích ngụy ở căn cứ Tua Hai thường kéo quân tới đây luyện tập, hống hách với dân, sàm sỡ với đàn bà, con gái. Hai Thiêng nhìn mà tức nghẹn. |
Thế rồi đêm 25, rạng ngày 26-1-1960, căn cứ trung đoàn 3 sư đoàn 21 ngụy ở Tua Hai bị quân ta tiến công, tiêu diệt và bắt 500 tên, thu 1.500 súng các loại. Sau trận đòn choáng váng ấy, địch mở rộng phạm vi càn quét, khủng bố và thanh trừng ráo riết. Hai Thiêng thoát ly địa phương, gia nhập lực lượng vũ trang tỉnh Tây Ninh. Trước phong trào cách mạng miền Nam phát triển, bọn ngụy quân, ngụy quyền bị tiến công mạnh mẽ từ nhiều phía và có nguy cơ tan rã, năm 1965, Mỹ đưa quân đội viễn chinh cùng các nước chư hầu và phương tiện chiến tranh dồn dập đổ vào miền Nam Việt Nam.
Trước đòi hỏi cấp bách của xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang địa phương, Hai Thiêng được trên điều về làm Xã đội trưởng Thái Bình (nay đổi thành xã Hảo Đước), quê anh. Là cửa ngõ của thị xã Tây Ninh nên Thái Bình thường xuyên trở thành mục tiêu càn quét, đánh phá của cả máy bay, xe tăng, pháo binh, bộ binh, biệt kích, thám báo và mật vụ của địch. Nhiệm vụ của xã không chỉ củng cố xây dựng lực lượng đủ mạnh để đánh giặc tại địa bàn mà còn bổ sung lực lượng cho huyện, tỉnh và các đơn vị chủ lực Miền. Hai Thiêng như con chim đầu đàn không chỉ chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho đơn vị bám dân bám đất đánh giặc mà còn chiến đấu dũng cảm tuyệt vời, đạt hiệu suất cao.
Từ ngày tham gia cầm súng cho tới kết thúc chiến tranh, bản thân anh đánh hơn ngàn trận, có ngày đánh tới 4-5 trận. Trên kêu gọi “một viên đạn là một quân thù”, còn Hai Thiêng nhiều lúc một viên đạn hạ tới dăm bảy tên Mỹ. Xin kể một trận đánh tiêu biểu của anh:
Sáng ngày 7-10-1970, Hai Thiêng cùng với Chiến, một đội viên dân quân xã đi nắm tình hình. Khi tới bàu Sa Nghe, cái bàu này hồi nhỏ anh thường ra tắm và bắt cá, thì gặp lính Mỹ phục kích. Bất thần chúng nổ súng, cả hai dừng lại và tìm cách đối phó. Chiến bắn trả được một băng đạn AK thì bị thương vào tay không còn nâng được súng mà chỉ ở dưới hầm nạp đạn cho Hai Thiêng. Bước đầu, Hai Thiêng tưởng chỉ một tốp thám báo Mỹ, hóa ra những hai tiểu đoàn của lữ dù 25 đổ quân từ 6 giờ 30 phút sáng để mở cuộc càn quét.
Trước tình huống bất lợi ấy, nếu Hai Thiêng đưa Chiến về phía sau rồi tổ chức thêm lực lượng để đối phó cũng là điều hợp lý. Nhưng anh sơ cứu cho Chiến rồi quyết định một mình cũng chiến đấu, đánh đến cùng, không buông tha lũ giặc. Anh cơ động sang vị trí khác và đến gần đối phương hơn. Khi tên đi đầu chỉ cách mũi súng dăm bảy mét, anh nhả đạn xuyên táo. Xác lính Mỹ đổ sập như đốn chuối, chồng chất lên nhau. Những tên phía sau, anh dùng lựu đạn ném tới tấp vào giữa đội hình. Nhân lúc quân địch nhốn nháo, Hai Thiêng nhanh chóng gom nhặt thêm súng, đạn rồi cơ động sang địa điểm khác.
Một lúc sau, địch chấn chỉnh lại đội hình, thúc nhau lên lấy xác. Những mục tiêu gần, anh tỉa từng tên. Xa hơn thì dùng súng M79 và quét đại liên vừa thu được của địch. Cứ vậy, anh giằng co, kìm chân đối phương, còn chúng không thể hiểu ta có bao nhiêu lực lượng. Tới trưa, toàn bộ đội hình Mỹ lui về phía sau. Khi chúng rút hết, những đợt phi pháo tới tấp giội vào trận địa nhằm tiêu diệt đối phương và hủy luôn xác đồng bọn. Thấy rõ ý đồ nham hiểm của chúng, Hai Thiêng giữ vững khoảng cách cần thiết nên vẫn bảo toàn tính mạng.
Trận ấy, anh sử dụng tới 7 loại vũ khí cả của ta và của địch như: AK-B40, cạcbin, R16, M79, đại liên và lựu đạn, tiêu diệt 360 tên Mỹ. Tới 17 giờ cùng ngày, trận địa trở lại yên tĩnh. Lúc này anh thấy người rã rời nhưng cố về tới cứ, cách đó 3km.
Số Mỹ bị chết trong trận ấy là chính xác, vì năm 1995, phái đoàn MIA sang Việt Nam đã trở lại nơi xảy ra trận đánh ấy để tìm lại 6 tên Mỹ còn bị mất tích vì bị phi pháo hủy diệt cũng thừa nhận số lính Mỹ chết như vậy. Đặc biệt, họ càng ngỡ ngàng và kinh ngạc bội phần khi biết đối phương chỉ có một con người nhỏ bé mà dám đương đầu với cả ngàn lính nhà nghề.
Từ năm 1965-1971, thời kỳ làm Xã đội trưởng, ngoài số lính Mỹ, ngụy bị anh tiêu diệt hàng trăm tên, anh còn thu 300 súng các loại và 7 máy thông tin BRC25, bắn cháy 21 xe tăng, xe bọc thép, bắn rơi 2 máy bay trực thăng. Hai Thiêng đã được tặng thưởng 1 huân chương Quân công hạng ba, hai huân chương Chiến công hạng nhất, hạng nhì và rất nhiều danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, diệt ngụy, diệt cơ giới và dũng sĩ Quyết thắng. Năm 1971, anh được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu cao quý: Anh hùng Quân giải phóng.
Gia đình Bùi Văn Thiêng có 5 anh em ruột là liệt sĩ. Anh 9 lần bị thương nặng, chưa kể nhiều lần bị thương nhẹ. Anh còn có người em ruột thứ sáu Bùi Văn Quyên, nhập ngũ năm 1960, hy sinh năm 1971 và được truy tặng Anh hùng LLVT nhân dân năm 1978. Má của anh, bà Lê Thị Mới, được Nhà nước tuyên dương “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đợt đầu tiên, năm 1994.
Giờ đây về với cuộc sống đời thường với bao chiến công chói lọi, nhưng do sức khỏe, tuổi tác và thương tích đầy mình cũng có lúc nó hành anh khổ sở. Song, trên vườn xưa của ông bà để lại cộng với tính cần cù của vợ chồng, con cái, hơn 4 mẫu lúa, màu, cây ăn trái vẫn luôn tươi tốt, góp phần làm cho gia đình no ấm, tươi vui.
NGUYỄN QUỐC HOÀN