QĐND - Vụ tranh chấp đất rừng giữa bà Đinh Thị Bộ (đại diện cho 4 hộ gia đình) và 8 hộ dân khác tại thôn 5, xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra nhiều năm, nhưng vẫn chưa được các cơ quan giải quyết dứt điểm.

Quyết định giao đất không rõ ràng

Từ nhiều năm nay, 8 hộ gia đình, gồm Nguyễn Đình Phước Tam, Mai Quyền, Nguyễn Văn Củng, Phạm Hoa, Lê Cang, Nguyễn Đình Khả, Nguyễn Văn, Nguyễn Văn Quận canh tác ổn định trên khu đất rừng thuộc khu vực núi Bà Trúc thuộc thôn 5. Năm 2004, các hộ này thuê người về trồng keo, đồng thời thực hiện việc quản lý đất, chăm sóc diện tích rừng của mình mà không hề xảy tranh chấp. Đến năm 2011, khi các hộ làm đơn xin khai thác keo thì chính quyền địa phương không giải quyết với lý do toàn bộ diện tích này đang xảy ra tranh chấp với hộ bà Đinh Thị Bộ (đại diện cho 4 hộ khác). Vụ việc kéo dài suốt từ năm 2011 đến nay, nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Trong khi đó rất nhiều cây keo đã bị bão gió làm đổ gãy, gây thiệt hại về kinh tế cho các hộ.

Được biết, bà Đinh Thị Bộ dựa vào quyết định giao đất lâm nghiệp do UBND huyện Quế Sơn cấp vào tháng 10-1999 cho bà và 4 hộ dân khác để tranh chấp quyền sử dụng đất rừng với 8 hộ dân thôn 5. Điều vô lý ở đây là, trong quyết định và sơ đồ vị trí đất lâm nghiệp cũng như biên bản xét duyệt, đề nghị giao đất lâm nghiệp của xã Quế Thuận ngày 28-6-1999, ghi rất rõ nơi giao là Hố Bà Bia-thôn 6, Quế Thuận, chứ không phải đất lâm nghiệp ở thôn 5 núi Bà Trúc. Theo quyết định trên, bà Bộ được nhận quản lý sử dụng 27ha trong 50 năm, nhưng không ghi rõ số và ngày giao đất. Hơn nữa, bản vẽ ngày 7-9-1999 của Hạt kiểm lâm huyện Quế Sơn cũng không thể hiện mốc đánh dấu diện tích đất được giao, không ghi rõ tứ cận, tọa độ và không cắm mốc trên thực địa... Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, UBND huyện Quế Sơn lại cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho bà Bộ (đại diện cho 4 hộ gia đình khác). Càng khó hiểu hơn, khi UBND huyện Quế Sơn cấp GCNQSDĐ riêng cho từng hộ, vô tình nâng diện tích đất được sử dụng thành 108ha. Đặc biệt, chị Trần Thị Liễu là con gái bà Bộ, khi đó đang đi học và chưa hề tách khẩu, nhưng vẫn được xác định là một hộ riêng. Chính vì vậy, dư luận tỏ ý hoài nghi Hồ sơ giao đất lâm nghiệp năm 1999 của UBND huyện Quế Sơn là trái quy định pháp luật.         

Sớm xác minh làm rõ

Ngày 5-9-2012, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quế Sơn cho ra đời bản trích đo địa chính xác định lại vị trí đất đã cấp cho bà Đinh Thị Bộ (đại diện 4 hộ dân) trượt dài qua diện tích đất thôn 5, xác định diện tích tranh chấp với các hộ dân là 21.911,6m².

Cây keo trên diện tích đất tranh chấp đã quá tuổi khai thác 4 năm, bị đổ gãy hàng loạt.

Ông Bùi Tuần, Chủ tịch UBND xã Quế Thuận cho biết: "Đến thời điểm hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn không có căn cứ cụ thể để xác định ranh giới giữa các thôn. Gia đình tôi nằm trong danh sách 4 hộ mà bà Bộ đại diện đứng tên nêu trên, nhưng đã tự nguyện trả lại đất cho 8 hộ dân đã sử dụng đất này từ trước".

Được biết, sau nhiều lần hòa giải, các hộ ông Nguyễn Văn, Nguyễn Văn Củng, Lê Cang, Nguyễn Văn Quận được TAND huyện Quế sơn cấp giấy xác nhận không có tranh chấp. Thế nhưng, văn bản chỉ có giá trị pháp lý với tòa án, chứ không có giá trị trong thực tế. Trong giấy xác nhận ghi rõ: “Trong phần kê khai của ông thì phần diện tích rừng 4.892m²… hiện không có tranh chấp tại tòa án”. Trả lời chúng tôi về giá trị của giấy xác nhận không tranh chấp trên, ông Nguyễn Tấn Long-Chánh án TAND huyện Quế Sơn khẳng định: “Đối với tòa, ông Văn được phép khai thác cây”. Nhưng khi ông Nguyễn Văn làm đơn xin khai thác, thì cán bộ địa chính xã Quế Thuận không chấp nhận với lý do bà Bộ khẳng định đất và cây là của bà.

Ngày 24-1-2014, do hoàn cảnh túng thiếu, cây gãy đổ gần hết, ông Nguyễn Đình Khả đã khai thác cây. TAND huyện Quế Sơn đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cho thu hoạch, bán sản phẩm gỗ keo đã chặt hạ của hộ ông Nguyễn Đình Khả và giao Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quế Sơn tạm gửi tiền vào Kho bạc Nhà nước. Do con đang nằm bệnh viện, ông Nguyễn Đình Khả đã làm đơn đề nghị được trả lại số tiền trên nhưng vẫn không được giải quyết.

Đây là vụ việc không quá phức tạp, rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra, xác minh lại nguồn gốc đất, trên cơ sở đó đưa ra những quyết định chính xác, bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan.

Bài và ảnh: TRẦN QUỲNH – THỊ THU