Toà soạn báo Tin Tức thời kỳ Mặt trận Dân chủ: Đồng chí Truờng Chinh (hàng đầu, thứ 2 từphải) cùng anh em trong Ban biên tập và đồng chí Trần Đình Long (người thắt cà- vạt đứng giữa hàng sau cùng). Ảnh tư liệu

Khi nói về Cách mạng Tháng Tám 1945 tại Hà Nội, chúng ta thường được nghe đến những cái tên: Nguyễn Khang (Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa) và 4 ủy viên Trần Quang Huy, Nguyễn Duy Thân, Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Quyết. Trong thực tế còn có một nhân vật khá đặc biệt, người có những đóng góp không nhỏ cho thời khắc lịch sử này. Đó là “ông cố vấn” Trần Đình Long.

Tháng 8-2005, qua các lão thành cách mạng mà chúng tôi tìm được chị Trần Thị Phong - con gái nhà cách mạng Trần Đình Long - đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Chị Phong xúc động kể lại: “Bố tôi sinh năm 1904. Sau khi tốt nghiệp trung học ở Nam Định, ông sang Cao Miên (Cam-pu-chia) làm ăn rồi về Nam Kỳ. Từ đây, ông sang Pháp du học. Do hoạt động trong phong trào công nhân mà ông được Đảng Cộng sản Pháp giới thiệu sang học tập tại Trường đại học Cộng sản-Lao động Phương Đông (Mát-xcơ-va), khóa học 1928-1931. Với cái tên Pe-vơ-znhe và số thẻ sinh viên 4433, ông cùng học với 9 sinh viên Việt Nam. Tốt nghiệp, ông trở lại Pháp rồi về Việt Nam. Tàu vừa cập cảng Sài Gòn, ông bị mật thám Pháp bắt vì tội “vượt biên sang Nga trái phép”. Sau 4 tháng giam không có chứng cứ, chúng phải trả tự do. Trần Đình Long tiếp tục hoạt động rồi kết hôn với một cô gái Hà Nội tên là Phương. Hai vợ chồng kinh doanh sách báo tiến bộ tại địa chỉ 26 phố chợ Đồng Xuân”.

Thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936-1939), tên ông gắn với các chức danh chủ nhiệm, chủ bút, phóng viên trong hoạt động báo chí công khai của Đảng. Ông viết nhiều thể loại: chính luận, phóng sự điều tra, hồi ký, truyện ngắn… cho các báo Lao động (Le Travail), Khỏe, Tập hợp, Tiến lên, Thời thế, Đời nay… Tại tòa soạn báo Tin tức, ông cùng làm việc với các đồng chí Trường Chinh, Trần Huy Liệu. Ông viết thiên ký sự “Ba năm ở nước Nga Xô-viết” giới thiệu về cuộc sống tự do, bình đẳng, hạnh phúc của nhân dân Liên Xô trước đây, hay thiên phóng sự “Một cuộc điều tra Muối” và truyện ngắn “Một đêm u ám”…

Tháng 8-1939, khi vào Thanh Hóa phát hành báo chí, ông lại bị bắt vì lý do “đi cổ động nhân dân chống thuế”. Năm 1940, chính quyền Pháp bắt ông lần thứ ba với tội danh “cộng tác với báo chí cộng sản và cổ động dân chúng chống chính phủ bảo hộ”. Ông bị đày lên Sơn La cùng các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Lê Thanh Nghị, Xuân Thủy, Xích Điểu…

Thời gian ở tù, ông sáng tác nhiều tác phẩm (kịch nói, cải lương, tuồng, chèo) và lập cả “Gánh hát Phiêu lưu” của tù chính trị. Đây cũng là lần thứ 3 ông đứng ra tổ chức hoạt động sân khấu, văn nghệ. Trước đó khi ở Liên Xô, năm 1931, ông tổ chức cho sinh viên Việt Nam biểu diễn những vở kịch về Việt Nam. Thời kỳ Mặt trận Dân chủ, ông vận động nam nữ học sinh, sinh viên tham gia chương trình biểu diễn văn nghệ có nội dung yêu nước. Những hoạt động này có tiếng vang lớn trong đời sống xã hội lúc bấy giờ.

Có một câu chuyện khá thú vị, khi cưới nhau, hai ông bà hẹn thề sẽ sinh hai đứa con lấy tên theo lối chơi chữ lồng ngược với Long-Phương là Phong-Lương. Năm 1938, ông bà có con gái đầu tên Phong. Thời kỳ ông bị đày lên Sơn La, không sợ nơi rừng thiêng nước độc, bà Phương đã thuê người trèo đèo lội suối, dẫn lên thăm chồng với nguyện vọng có đứa con trai để nối dõi tông đường. Bà mua sẵn muối, đường phên, thuốc lào, diêm, thuốc tây… để biếu bà con dân tộc. Bà con dựng cho bà một cái lán ở bản Hẹo. Sáng sáng, ông Long theo đoàn tù nhân vào rừng chặt củi. Lính coi ngục được đút lót đã cho ông ở lại bản Hẹo cả ngày. Cảm phục tấm lòng của bà, anh em tù chính trị chặt cố thêm một suất củi cho ông. Chiều đến, ông Long lại nhập vào đoàn tù. Cứ như thế cho đến ngày bà có mang. Thời gian sau, ông nhận được thư từ Hà Nội báo tin bà đã sinh con trai nhưng chưa đặt tên. Đây là một tin vui trong anh em tù chính trị Sơn La. Anh em bàn nhau, đặt tên cháu là Cậu ấm Hẹo, ghi nhớ địa danh bản Hẹo, nơi hai ông bà đã có cậu con trai. (Nay Cậu ấm Hẹo, Trần Đình Lương, là giáo viên dạy tiếng Việt cho bà con Việt kiều ở Xít-ni, Ô-xtrây-li-a).

Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp, chi ủy ngục Sơn La đấu tranh với giám ngục đòi giải phóng. Về đến Hà Nội, ông liên lạc ngay với Xứ ủy Bắc kỳ và được giao nhiệm vụ làm “cố vấn” cho Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội.

Ông Lê Trọng Nghĩa, nguyên Cục trưởng Cục Quân báo đầu tiên (năm 1950), kể lại: “Hầu hết anh em trong Ủy ban Khởi nghĩa đều là học sinh, sinh viên, tuổi đời mới ngoài 20. Riêng “cố vấn” Trần Đình Long và anh Trần Tử Bình(*) thì chững chạc và từng trải hơn. Ngay hôm 16-8-1945, Chủ tịch Nguyễn Khang cùng anh Long và tôi vào gặp cụ Phan Kế Toại để thương thuyết nhưng bất thành. Đến ngày 18-8, Ủy ban khởi nghĩa chuyển hẳn vào 101 Gambetta (nay là 101 Trần Hưng Đạo). Tại các cuộc họp, anh Long luôn đưa ra những ý kiến sắc bén đối phó các tình huống xảy ra. Chiều 19-8, sau khi đã chiếm được Dinh Khâm sai, Thường vụ Xứ và Ủy ban Quân sự cách mạng giao nhiệm vụ cho anh Long và tôi đi gặp Toàn quyền Nhật Tsuchihashi. Trước khi đi, anh Long nhấn mạnh: “Khi vào hang cọp, không được nói năng động chạm đến việc phát xít Nhật đã bại trận hay bom nguyên tử đã nổ ở Hi-rô-si-ma”. Và khi tới Tổng hành dinh Nhật (nay là trụ sở Cục Liên lạc đối ngoại Bộ Quốc phòng, trên đường Phạm Ngũ Lão), chúng tôi được đưa vào phòng khánh tiết. Thấy trên tường treo lá cờ trắng với hình mặt trời đỏ to tướng, các sĩ quan Nhật đứng xung quanh, gươm súng đầy mình làm hai anh em gợn chút lo âu. Được giới thiệu là đại diện của “nhóm dân chúng Hà Nội nổi loạn”, đánh chiếm Dinh Khâm sai trưa nay, tôi bình tĩnh nói: “Nghe tin Thiên hoàng đã cho phép các ông rút lực lượng khỏi Đông Dương trong ít ngày nữa…”. Vừa nghe đến hai chữ Thiên hoàng, thái độ của cánh sĩ quan Nhật thay đổi hẳn. Sau đó họ chấp nhận chính quyền mới của Việt Minh và nhắc dân chúng không được bạo động…”.

Sau ngày cách mạng thành công, tình hình rất phức tạp vì có nhiều đảng phái, lực lượng. Ông Long được giao nhiệm vụ “đặc phái viên ngoại giao” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuối tháng 11-1945, ông cùng đại diện Việt Nam Quốc dân Đảng xuống Kiến An (Hải Phòng) giải quyết tranh chấp giữa lực lượng của họ với anh em Vệ quốc đoàn. Trần Đình Long đã giải quyết một cách khôn khéo, dựa vào sách lược của Đảng, tránh được xung đột vũ trang. Xong việc, ông trở về Hà Nội vào chiều 24-11-1945.

Chị Phong nhớ lại: “Gia đình tôi khi đó ở 26 phố chợ Đồng Xuân, ngày đó tôi mới 7 tuổi. Bố tôi rất yêu thương vợ con, cứ xong việc là lại về nhà. Khi ông trở về nhà và lên gác được một lúc thì thấy có chiếc xe Jeép chạy tới dừng trước cửa. Từ trên xe nhảy xuống 5-6 người, mặc binh phục Tàu-Tưởng. Họ vào nhà, gí súng vào bụng mẹ tôi đang có mang em Trần Đình Thiện, dọa: “Gọi ông Long xuống đây, nếu không sẽ bắn!”. Vì đứa em trong bụng mà mẹ tôi phải gọi bố xuống. Chúng bắt ông, đem đi. Ngay sau đó báo chí tiến bộ kêu gọi Việt Nam Quốc dân Đảng trả lại tự do cho ông, nhưng vô hiệu. Ông mất tích từ đó”.

Trân trọng nhìn lại những ngày lịch sử ấy mới càng thấy một Trần Đình Long bản lĩnh, sáng suốt, biết dựa vào tình hình thực tế, biết vận dụng lý luận cách mạng vô sản được trang bị ở nước Nga Xô-viết, để đưa ra những quyết định đúng đắn trên cương vị của một “cố vấn”! Theo nhà sử học Nga A.Xô-cô-lốp: “Trần Đình Long được xem là ứng cử viên Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Hồ Chí Minh”. Không chỉ là nhà cách mạng ưu tú, ông còn là nhà báo, nhà văn, nhà hoạt động nghệ thuật sân khấu, dùng văn hóa, văn nghệ làm vũ khí tuyên truyền cách mạng. Thật tiếc, ông chỉ sống và làm việc cho chính quyền dân chủ, nhân dân vừa đúng 100 ngày kể từ 19-8-1945!

Thấm thoắt đã hơn 60 năm trôi qua. Tiếc rằng cho đến giờ, gia đình vẫn chưa biết ông được yên nghỉ ở nơi đâu?!

Trần Kiến Quốc

(*) Trần Tử Bình (1907-1967), Ủy viên thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ 1945, được giao nhiệm vụ trực cơ quan Xứ ủy, phụ trách khởi nghĩa 10 tỉnh đồng bằng Bắc bộ.