Chủ cửa hàng hoa quả ở chợ Hà Đông (Hà Nội) vẫn khẳng định táo đá mình đang bán được trồng tại Hà Giang.

Một trong những điều đáng lo ngại với người tiêu dùng hiện nay về nông sản “đội lốt” là tình trạng tồn dư các chất cấm trong sản phẩm do được nhập vào Việt Nam qua con đường tiểu ngạch, tư thương tự mua bán với nhau, không qua kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều đáng nói là các loại mặt hàng này khi bán tại ở chợ dân sinh, chợ cóc lại mang đủ loại tên, loại đặc sản nổi tiếng của một địa phương trong nước, như: Nho Ninh Thuận, khoai tây Đà Lạt, cá tầm Sa Pa… Đã có tư thương khi bị cơ quan chức năng bắt vì hành vi gian lận thương mại khai: Mua khoai tây Trung Quốc với giá 3.000-4.000 đồng/kg, rồi dùng ít đất bazan bôi ở ngoài là thành "khoai tây Đà Lạt" bán với giá từ 18.000 đến 20.000 đồng/kg. Mới đây, nhiều người tiêu dùng lại bị lừa "táo đá Hà Giang". Chị Nguyễn Thu Ngân ở quận Thanh Xuân, Hà Nội tâm sự: “Mùa táo vừa qua, cứ vài ngày tôi lại mua khoảng 5kg "táo đá Hà Giang". Đặc trưng của loại táo này là còn nguyên bụi bẩn, thậm chí có cả rêu mốc và đất. Theo người bán hàng giải thích thì đây là giống táo được trồng trên núi đá của tỉnh Hà Giang, không phun hay ngâm tẩm chất bảo quản, vì thế hình thức trông không đẹp, nhưng bảo đảm an toàn. Tôi tin và mua về dùng”. Rồi chị cho biết thêm: "Cũng như tôi, nhiều người tiêu dùng ở Hà Nội tin là như vậy. Gần đây, một cán bộ có thẩm quyền ở tỉnh Hà Giang khẳng định trên phương tiện truyền thông rằng địa phương mình không trồng táo đá, mọi người mới tá hỏa. Đến chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) tìm hiểu chúng tôi được tiểu thương cho biết, táo đá bán ở nhiều tỉnh, thành phố Việt Nam thời gian qua hầu hết nhập từ nước ngoài, chưa biết nguồn gốc ra sao...".

Được biết, ở Cửa khẩu quốc tế Tân Thanh (Lạng Sơn) mỗi ngày có hàng trăm tấn rau, củ, quả làm thủ tục thông quan và mang nhãn mác hàng Trung Quốc, nhưng khi được xé lẻ đi các chợ nhỏ, chợ cóc, một phần không nhỏ trong đó được tiểu thương "hô biến" thành hàng trong nước để lừa bán cho người tiêu dùng. Nguyên nhân của tình trạng này là do các quy định pháp luật về nhãn hàng hóa hiện hành không yêu cầu thương nhân phải ghi nhãn hàng hóa khi bán trực tiếp cho người tiêu dùng; quy định pháp luật về truy xuất nguồn gốc chưa được áp dụng một cách toàn diện và triệt để. Hơn nữa, pháp luật nước ta chưa có quy định về việc sản phẩm như thế nào được coi là sản phẩm trong nước khi lưu thông trong lãnh thổ. Đây là kẽ hở để không ít tiểu thương lợi dụng, còn các cơ quan chức năng cũng khó phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm. Thậm chí, ngay cả khi nghi ngờ cũng không có căn cứ pháp lý để khẳng định một sản phẩm nào đó “không phải là sản phẩm của Việt Nam”. Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định như thế nào là sản phẩm của Việt Nam, áp dụng cho lưu thông hàng hóa trong nước nhằm chống gian lận xuất xứ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp cho rằng: "Để ngăn chặn nông sản “đội lốt”, hàng trong nước cần triển khai đồng bộ các giải pháp, như: Kiểm soát chặt khu vực đường biên và các chợ đầu mối gần cửa khẩu; tăng cường lực lượng quản lý thị trường; xử lý các cơ sở in ấn, buôn bán tem giả, bởi đây là công cụ nối dài cho việc “đội lốt” nông sản Việt Nam... Trong khi chờ đợi cơ quan chức năng bổ sung, hoàn thiện các quy định về pháp luật thì cần tuyên truyền, phổ biến nâng cao khả năng nhận biết về nông sản sạch, nông sản Việt Nam cho người tiêu dùng, điều này khiến hàng nông sản “đội lốt” bị tẩy chay, khó có đất để tồn tại”.

KIM DUNG