Nghề làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ sừng trâu bò của làng Thụy Ứng (Thường Tín - Hà Nội) sau nhiều thập kỷ không có nguyên liệu đã hồi sinh và phát triển mạnh mẽ…

Bước vào làng Thụy Ứng, du khách ngỡ như lạc vào một thị trấn với những ngôi nhà cao tầng hiện đại, đường đi trải nhựa thẳng tắp. Những cặp sừng bò vươn lên ngạo nghễ, những con rồng, phượng, rùa, khung tranh ảnh, lược và vô số sản phẩm mỹ nghệ khác được trưng bày trong các tủ kính. Các sản phẩm này có một đặc điểm chung là được làm từ sừng trâu bò.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Kiến với tác phẩm Long phượng kỳ duyên.

Làng có nghề làm sừng từ hơn 400 năm qua. Vào khoảng thế kỷ 16, cụ tổ nghề là một người thợ thủ công ở làng, thấy dân nghèo quá đã lặn lội phương xa học được nghề làm lược sừng, rồi về truyền dạy cho dân làng. Trong giai đoạn 1950 đến 1970, Thụy Ứng là nguồn chính cung cấp lược sừng cho người dân các tỉnh miền Bắc. Đến thời bao cấp, trâu bò được chủ yếu nuôi để cung cấp sức kéo, giết mổ phải xin phép, nên làng không kiếm đâu ra đủ khối lượng sừng để làm lược.

Mãi đến năm 1986, có chính sách mở cửa kinh tế, trâu bò trở thành hàng hóa, giết mổ tự do, nghề sừng tưởng đã mai một lại dần dần hồi sinh.

Nghề sừng vốn là nghề phụ nhưng đã mang lại nguồn thu nhập chính cao hơn hẳn làm ruộng. Hiện nay, làng có gần 800 hộ với hơn 3.000 nhân khẩu. Theo lời trưởng thôn Nguyễn Tuấn Anh, có đến gần 90% số hộ làm nghề sừng.

Trong ngôi nhà nhỏ bên đường, một ông già vóc người nhỏ thó đang say mê làm tác phẩm “Long phượng kỳ duyên” cao hơn 1,5m. Ở cái tuổi 70, ông Nguyễn Văn Kiến hiện là một trong những nghệ nhân giàu kinh nghiệm nhất làng. Ông nổi tiếng với những tác phẩm sừng mỹ nghệ như Long phượng kỳ duyên, Tam long hý thủy, Lưỡng long chầu nguyệt... Để làm hoàn thiện một con rồng phải qua mấy chục công đoạn, từ cán ép, cưa, mài, đục, uốn... Một số tác phẩm ông phải cặm cụi cả tháng mới làm xong, mặc dù vậy giá bán chỉ khoảng 2 triệu đồng. Ông Kiến làm nghề từ năm 13 tuổi, bắt đầu với việc làm lược sừng; bước sang tuổi 25 chuyển sang làm những sản phẩm mỹ nghệ cao cấp, đòi hỏi sự tinh xảo cao. “Làm sừng rất khó, bởi mỗi chiếc sừng đều khác nhau, người thợ phải tùy theo từng chiếc sừng mà hơ, ép, cắt, uốn... Có cái sừng phải uốn cả chục lần, nhưng khó nhất là lúc tạo dáng sản phẩm”-Ông cho biết.

Hơn 60 năm làm nghề, ông Kiến nay đã là một nghệ nhân bậc thầy, có thể làm tới hơn 80 mẫu sản phẩm khác nhau. Rất nhiều tác phẩm của ông đã được trưng bày tại các hội chợ gần xa, và luôn được khách hàng ưa chuộng. Ông đã truyền những bí quyết của nghề cho các con cháu. Trong khi những nghệ nhân lão thành như ông Kiến say mê với các tác phẩm mỹ nghệ cao cấp, lớp trẻ trong làng chuyển hướng sang sản xuất hàng tiêu dùng với quy mô lớn. Anh Trần Văn Thùy, 39 tuổi, là chủ một xưởng làm sừng với mười sáu lao động. Hằng ngày, họ cần mẫn làm từ 7 giờ sáng tới 5 giờ chiều. “Tất cả mọi bộ phận của con trâu đều có thể sử dụng được, từ sừng, da, móng, thậm chí lông đuôi trâu dùng chế bàn chải”- anh cho biết.

Giới thiệu về các công đoạn chế tác sản phẩm từ sừng trâu, anh cho hay: Đầu tiên người thợ rút cái lõi cứng trong sừng trâu ra. Sau đó hơ lửa hoặc luộc sừng trong dầu để làm mềm, dùng máy ép thủy lực ép sừng cho bẹp ra, rồi cắt thành những mảnh nhỏ gọi là phôi. Từ phôi chế tác ra lược, thìa, bát đĩa, móc khóa, trâm cài tóc và các sản phẩm khác. Các sản phẩm thô này được đánh bóng và sẽ có màu đen bóng tự nhiên ở cuối công đoạn.

Sừng bò cũng được chế biến tương tự sừng trâu, nhưng với màu vàng đặc trưng, sừng bò được dùng làm sản phẩm mỹ nghệ.

Giá bán sản phẩm cũng đa dạng, từ thứ rẻ nhất như cái lược giá 5.000 đồng, đến một bộ đầu bò châu Phi đã qua xử lý được bán với giá 7 triệu đồng. Anh Thùy đã đầu tư hơn 50 triệu đồng mua sắm máy móc. Hiện mỗi người thợ của anh có thu nhập từ 1,2 đến 2 triệu đồng/tháng.

“Làng này là đầu mối, dân làng đi khắp cả nước mua sừng, xương, da trâu, bò (mỗi ngày làng nhập vào khoảng 50 tấn). Sau khi sơ chế, một phần sừng và xương được bán cho các làng nghề thủ công khác, như làng nghề tiện Nhị Khê ở gần đây, và một làng chế tác sừng ở Nam Định” – anh Thùy cho biết.

Các sản phẩm của làng nghề sừng Thụy Ứng hiện được bán khắp nơi trong nước, nhất là trong các siêu thị, các cửa hàng mỹ nghệ lưu niệm tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, các mặt hàng này hiện đang có thế mạnh trong xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Thái Lan, Anh, Mỹ... và là sản phẩm du lịch độc đáo của Việt Nam.

Hiện nay, sản phẩm nổi tiếng nhất của làng là những bộ đầu bò châu Phi với cặp sừng vút cong ngạo nghễ, rất được khách hàng châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc... ưa chuộng, do được chế tác hoàn toàn thủ công. Thị trường Trung Quốc mua lược sừng và nhiều sản phẩm khác với số lượng lớn. Khách phương Tây cũng thường đến đây đặt hàng

Người làng Thụy Ứng nay đã biết dựng mẫu sản phẩm trên máy vi tính. Anh Thùy tỏ vẻ tự hào về danh tiếng của làng mình: “Có nhiều khách phương Tây đến đặt làm một sản phẩm đơn chiếc như mặt khóa thắt lưng hay báng súng săn... Tất cả họ đều được đáp ứng, bởi chúng tôi luôn nghĩ rằng mình phải làm sao để thế giới biết về sản phẩm làng nghề và đôi bàn tay tài hoa của người thợ Việt Nam”.

Bài và ảnh: HOÀNG TRUNG HIẾU