Những công trình trái phép trên lòng sông

Có mặt tại tuyến đê sông Yên đoạn chảy qua thôn Thuận, thôn Tiến, thôn Đức của xã Quảng Nham, chúng tôi ghi nhận hàng loạt công trình bê tông cốt thép được xây dựng lấn ra lòng sông. Hàng chục cầu bằng bê tông nối từ chân đê với chiều rộng 1-1,5m, dài 30-60m. Bên cạnh những ngôi nhà vừa được tháo dỡ còn trơ móng là một số ngôi nhà vẫn ngang nhiên tồn tại. Được biết, khi sự việc được báo chí phản ánh, chính quyền địa phương đã vào cuộc, tiến hành vận động người dân tháo dỡ những công trình vi phạm. Thế nhưng không ít người dân cố tình không hợp tác và chính quyền địa phương chưa có biện pháp cương quyết với những trường hợp cố tình chây ỳ.

Lý do mà các hộ dân đưa ra là họ được UBND xã cho thuê khoảng mặt nước sông để kinh doanh với đơn giá 80.000 đồng/mét dài/năm. Trong đó, mỗi suất mặt sông cho thuê thường có chiều dài 30m, chiều rộng ra phía ngoài sông 20m. Sau khi ký hợp đồng thuê lòng sông, các hộ dân đều nộp tiền đầy đủ và làm cầu để trông coi tàu thuyền cho ngư dân khi vào bờ. Chi phí để xây một chiếc cầu vào khoảng 100 triệu đồng. Mỗi gia đình thường nhận trông coi từ 5 đến 8 tàu và các tàu trả tiền công cho người trông coi hằng năm.

Khu vực lòng sông Yên đoạn chảy qua thôn Thuận, thôn Tiến (xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) vẫn tồn tại nhiều công trình trái phép.

Được biết, trước khi bão số 3 (bão Sơn Tinh) đổ bộ vào bờ trong tháng 7-2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng khi đi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai ở xã Quảng Nham đã phát hiện việc xây dựng nhiều công trình lấn chiếm đê điều, lòng sông và đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, UBND huyện Quảng Xương cùng các ngành liên quan tổ chức xử lý vụ việc.

Cần xử lý triệt để

Ông Trần Xuân Lờ, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Nham, cho biết: Việc người dân phản ảnh xã cho thuê lòng sông như trên là có thật. Xã đã ký tổng số 49 hợp đồng cho các hộ dân thuê khu vực ngoài sông để kinh doanh. Mỗi năm, tiền cho thuê lòng sông được khoảng 80 triệu đồng. Mục đích cho thuê là để tránh xảy ra tranh chấp khu vực lòng sông và tiền thu về được dùng cho các hoạt động xã hội, như: Hỗ trợ các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trong xã, những gia đình bị thiệt hại do thiên tai... Sau khi nhận thức được việc làm trên là sai, UBND xã đã vận động người dân tháo dỡ các nhà nổi trên mặt sông, tiếp đó là tiến hành thanh lý hợp đồng với người dân.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Đình Dự, Phó chủ tịch UBND huyện Quảng Xương, cho biết: “Việc UBND xã Quảng Nham ký các văn bản, hợp đồng cho người dân thuê lòng sông để kinh doanh là trái với các quy định của pháp luật. Chúng tôi đã chỉ đạo UBND xã Quảng Nham cho tháo dỡ hết các công trình xây dựng trái phép ở khu vực lòng sông. Việc các cây cầu bằng bê tông nối từ chân đê ra lòng sông sẽ gây cản trở dòng chảy thoát lũ. Tuy nhiên, hiện khu vực sát chân đê, kè bị bồi lắng, nếu không có cầu thì tàu thuyền không thể tiếp cận vào bờ. Thế nên chúng tôi vẫn giữ các cây cầu lại. Địa phương đang có phương án xin cấp trên hỗ trợ kinh phí để nạo vét lòng sông, khi nào thực hiện được việc này thì sẽ cho tháo dỡ cầu”. Khi phóng viên đặt câu hỏi: "UBND huyện đã đưa ra hình thức xử lý như thế nào đối với những sai phạm của cán bộ xã Quảng Nham và huyện đã thanh tra về việc chi tiêu khoản tiền cho các hộ dân thuê lòng sông chưa?", ông Nguyễn Đình Dự trả lời, đến nay địa phương vẫn chưa bàn về hình thức xử lý.

Thanh Hóa là địa phương thường xuyên phải hứng chịu bão, lũ. Chính vì vậy, việc buông lỏng quản lý trong lĩnh vực đê điều, vi phạm xây dựng gây cản trở dòng chảy của các con sông cần phải được chấn chỉnh, xử lý nghiêm. Các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần khẩn trương vào cuộc xử lý dứt điểm những tồn tại nêu trên. Cùng với đó, địa phương cần triển khai nhanh việc nạo vét lòng sông, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân có nơi neo đậu tàu thuyền và vận chuyển hàng hóa.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH - VĂN THI