 |
Nguyễn Trần Tín sau khi vượt ngục.
|
Trong lịch sử trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc (còn gọi là nhà lao Cây Dừa), người ta thường truyền nhau câu chuyện ly kỳ về một tù binh cộng sản đã “biến” thành trung sĩ cảnh sát ngụy để ngang nhiên đào thoát ngay trước mắt quân thù…
Cuộc đào thoát có một không hai
Người thì bảo nhân vật huyền thoại ấy tên là Tuấn, quê Phú Yên, người thì bảo anh tên là Tín, nhưng không rõ quê. Có người lại bảo chuyện giả quân cảnh để đào thoát chỉ là… truyền miệng, chưa có bằng cớ xác thực. Một sự tình cờ đã đưa tôi đến tiếp cận thông tin về anh, chàng trai Hà Nội có thật 100%.
Tại Đại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Phú Quốc, tôi bắt gặp mẹ Trần Thị Thơm, đã 86 tuổi, nhà ở số 304 B phố Huế (Hà Nội) tóc bạc, lưng còng, trên tay giữ khư khư di ảnh một chàng trai mặc quân phục, dáng người thanh tú. Thấy tôi mặc quân phục, nói tiếng Bắc, mẹ cho tôi xem cuốn nhật ký, kỷ vật duy nhất còn lại của người con trai yêu dấu. Cuốn sổ rất dày nhưng anh ngã xuống mà chỉ kịp ghi có 3 trang. Đọc những dòng nhật ký, tôi bàng hoàng xúc động. Hóa ra, anh chính là nhân vật được lưu truyền cùng những huyền thoại vượt ngục. Ban liên lạc cựu tù binh Phú Quốc vượt ngục xác nhận câu chuyện có thật về anh - liệt sĩ Nguyễn Trần Tín, sinh năm 1949.
Học hết cấp 3, Tín xin đi học làm thợ gò tại Nhà máy rượu Hà Nội, chỉ còn ít tháng nữa là học xong thì có đợt tuyển quân. Tín xung phong vào bộ đội. Mùa xuân năm 1968, Tín có mặt trong đội hình tấn công vào Sài Gòn. Trong một trận đánh không cân sức, anh bị thương nặng và bị địch bắt. Chúng đưa thẳng anh lên khám Chí Hòa rồi đày ra Phú Quốc.
Anh Đinh Văn Hoạt, bạn tù nằm cùng phòng giam với Tín, hiện đang sống và làm việc ở Hà Nội kể lại: Ngày 24-12-1970, một ngày Nô-en đặc biệt. Chiều hôm ấy, giờ điểm danh, kẻng, còi ầm ĩ cùng một thông tin “động trời”: Lần đầu tiên trong lịch sử Trại giam tù binh Phú Quốc, có một tù binh đã một mình đường hoàng vượt ngục ban ngày ngay trước mặt kẻ thù.
Mấy ngày liền chúng lùng sục, tra khảo, nhưng không sao lý giải được Tín vượt ngục bằng cách nào mà không hề để lại dấu vết.
Vài năm sau, khi đã về đất liền, Tín đã “bật mí” chuyện này trong những trang hồi ký tựa đề Tìm về tổ ấm có đoạn:
Tôi rút gói thuốc lá thơm Rubi Queen quân tiếp vụ ra, xé vỏ đưa cho Đông một nửa, siết chặt tay anh, bước ra. Như những tù binh khác, tôi bước ra cửa như muốn gặp đại diện mượn cưa, búa về làm.
Trong phòng giám thị, Lập, người mà anh em cử ra làm phó đại diện đã ngồi chờ sẵn đó. Theo “hợp đồng”, tôi với anh đổi dép, đôi dép xăng-đan mà anh đang đi. Tôi đưa trả anh đôi dép cao su. Tôi đưa mắt nhìn lên pháo đài, tên lính vẫn ham mê cuốn tiểu thuyết. Tôi nhanh chóng cởi chiếc quần tù binh mặc ngoài ra, rồi cởi nốt chiếc áo có in hai chữ “TB” ở đằng sau. Để nguyên thân hình là một quân cảnh, bộ đồ quân cảnh đầy đủ bảng tên, phù hiệu ủi là thẳng tắp ôm sát lấy người, rồi rút trong túi ra cái mũ quân cảnh đội lên đầu. Tôi lấy trên bàn tờ báo “Con đường mới” phát cho tù binh mà chẳng ai thèm coi, chúng còn để trên bàn một xấp. Cầm một tờ cho khỏi ngượng tay. Tôi đưa mắt nhìn Lập gật đầu chào anh. Anh gật đầu luyến tiếc. Tôi nhanh nhẹn bước ra ngoài…
… Trước khi vượt ngục, anh em cho ở nhà một tháng để cho người trắng trẻo, mập mạp. Cứ đến buổi tạp dịch, có người khác đi thế cho rồi. Lại thêm có Lê, Đông khéo tay, sửa cho tôi mái tóc kiểu mẫu cho phù hợp. Đôi bàn chân, chiều chiều lấy bàn chải cọ xà bông cho trắng, rồi hai đứa tập đi đứng, kiểu cách ăn nói cho hợp thời.
Ước mơ ngôi nhà của mẹ
Như vậy, với một “kịch bản hoàn hảo”, trong vai một trung sĩ quân cảnh, được đồng đội hỗ trợ nhiều tháng trời, chuẩn bị quần áo, râu tóc, đến cả “nuôi” cho dáng người mập mạp, trắng trẻo, Tín đã trở thành người đầu tiên một mình vượt ngục thành công. Nguyễn Hữu Lục, bạn cùng đơn vị anh kể lại: Ra tới lộ, sợ anh em ta bắn nhầm, việc đầu tiên, anh cởi bỏ bộ quân phục của kẻ thù, vứt cả xăng-đan, chỉ mặc độc một chiếc xà lỏn, cứ thế băng rừng. May mắn, anh đã gặp được 3 đồng chí của ta đưa về căn cứ, tham gia công tác tại huyện đội Phú Quốc. Đến năm 1972, anh được điều về đất liền, bổ sung vào ban an ninh Long Châu Hà (nay là huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang).
 |
Mẹ của liệt sĩ Nguyễn Trần Tín (bên phải), 86 tuổi, ra Phú Quốc gặp đồng đội của con trai.
|
Chiều mùa hè Tết Đoan Ngọ 1972, anh và 3 đồng đội vào vùng sâu hoạt động, trên đường về thì lọt vào ổ phục kích của địch. Vừa từ dưới sông bước lên, từng loạt AR 15 bắn xối xả vào đội hình. Tín bình tĩnh chỉ huy anh em tản ra, nổ súng phản công địch. Nhưng lực lượng không cân sức, đạn hết, các anh đã anh dũng hy sinh.
Chị Tư Hồng, giao liên ở kênh 5, xã Nam Thái Sơn, huyện Châu Thành A, tỉnh An Giang, người trực tiếp biết trận đánh và chôn cất anh Tín sau này kể lại: Mấy ảnh chiến đấu ngoan cường lắm, thật tội cho anh Tín, ảnh hy sinh lúc còn trẻ quá, mà lại “đi” đúng vào ngày mồng 5 tháng Năm!
6 năm sau ngày anh hy sinh, một chiều cuối năm 1976, gia đình mới nhận được giấy báo tử từ tay người đồng đội Nguyễn Hữu Lục mang về. Kỷ vật anh để lại chẳng còn gì, chỉ còn duy nhất một cuốn sổ tay bìa cứng, có 3 trang ghi chép cuộc đời binh nghiệp hào hùng, bi tráng. Nguyễn Trần Tín đã được truy tặng huân chương Chiến công hạng nhì, được truy thăng chức cán bộ trung đội phó lên đại đội phó. Anh Lực nghẹn ngào:
- Thưa mẹ! Sổ này anh Tín mới viết được có 3 trang thì hy sinh. Sau khi anh hy sinh, đơn vị chúng con đã nhiều lần tổ chức học tập tấm gương của anh, học tập những điều anh ghi chép trong cuốn sổ nhỏ…
Tôi có mặt tại ngôi nhà nhỏ ở ngõ 304 B phố Huế (Hà Nội) một chiều cuối xuân. Mấy chục năm trôi qua, cuốn sổ ghi chép có những dòng hồi ức của Nguyễn Trần Tín hôm nào vẫn còn tươi nguyên nét mực. Tất cả tưởng như vừa mới hôm qua. Mẹ, gần nửa thế kỷ đợi chờ tóc đã trắng xóa như mây, mắt đã mờ, chân đã run vẫn đợi chờ ngày tìm được hài cốt, đưa anh về với quê hương. Sau khi anh hy sinh, du kích xã mai táng ở khu vực ruộng trũng, sau này chính quyền di dời hài cốt về nghĩa trang liệt sĩ của huyện. Thời gian biến cải, mộ bị thất lạc, mẹ đi tìm nhiều lần, nay vẫn chưa tìm thấy anh nằm ở đâu. Đó là lý do mẹ dù ở tuổi 86 vẫn vượt cả ngàn cây số ra tận Phú Quốc dự lễ cầu siêu, thắp hương cho anh và đồng đội. Mẹ vẫn giữ lá thư cuối cùng anh gửi trước lúc hy sinh còn dặn dò, nhắn nhủ với những dòng đậm chất trai Hà Nội: “Nếu con thương và xây dựng với một cô bé miệt vườn trong này, cậu mợ có đồng ý không?”. Còn đó khát khao của anh năm nào: “Đánh giặc xong rồi con sẽ về xây cho cậu mợ một căn nhà thật to, thật đẹp!”.
Bước vào ngôi nhà nhỏ bé với những bức hình người lính “mãi mãi tuổi hai mươi”, tôi không khỏi nghĩ suy, trăn trở. Phố Huế, một trong những khu phố sầm uất nhất của thủ đô Hà Nội đang đổi thay, phát triển mỗi ngày. Vậy mà ngôi nhà năm nào anh ra đi vẫn thế, vẫn ngôi nhà cấp 4 lợp ngói tây, diện tích chỉ vỏn vẹn 14,5m2 do gia đình thuê của Công ty quản lý nhà ở quận Hai Bà Trưng đã xuống cấp, cứ mỗi khi mưa lại dột tứ bề. Lúc anh đi bộ đội, ngôi nhà nhỏ có tới 9 anh em cùng bố mẹ là 11 nhân khẩu, nay nhiều người lập gia đình, tách khẩu, người mẹ liệt sĩ nghèo vẫn ở cùng 4 người con trong ngôi nhà chật hẹp. Mẹ đã làm đơn gửi chính quyền nhiều năm xin được cấp ngôi nhà nhỏ này để ở, để có nơi hương khói cho anh theo diện gia đình liệt sĩ nhưng nhiều lần gửi đơn, chờ đợi nhiều năm mà cơ quan chức năng trả lời: Mẹ chỉ được… mua lại ngôi nhà, giảm giá theo tiêu chuẩn gia đình liệt sĩ, còn muốn được hưởng ưu đãi cao hơn, phải làm đơn, có xác nhận của Cục chính sách (Bộ Quốc phòng)…
Rời ngôi nhà nhỏ xíu trên phố Huế chiều xuân nườm nượp dòng người ngược xuôi, trong tôi cứ ám ảnh mãi bởi suy nghĩ: Con người thông minh, quả cảm ấy nếu còn sống, chắc ước mơ bình dị “xây cho cậu mợ một ngôi nhà” sẽ không khó. Nhưng chiến tranh là thế. Những người lính chúng ta luôn nợ mẹ rất nhiều…
37 năm sau ngày làm nên huyền thoại vượt ngục, trở về cầm súng và ngã xuống, ước mơ bình dị của anh: “xây cho bố mẹ một ngôi nhà” vẫn còn đó, dở dang, bộn bề. Mẹ, 86 tuổi, tóc bạc như mây trời, sóng biển Phú Quốc mà vẫn chưa chính thức có ngôi nhà để ở. Hy vọng sau bài báo này, cùng với chương trình 1.500 ngôi nhà tình nghĩa, sẽ có những sự quan tâm để ước mơ của anh trở thành hiện thực...
|
Ký sự nhân vật của NGUYỄN MINH - XUÂN QUÝ