Giữ hồn văn hóa, truyền thống dân tộc

Trời Tây Nguyên “mùa con ong đi lấy mật” xanh rời rợi. Trên chiếc xe máy, chúng tôi theo Quốc lộ 19 nối từ TP Pleiku đến xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai). Vượt qua những rừng thông xanh mát, con đường trải bê tông tựa như dải lụa uốn lượn dẫn vào làng Mơ Hra nằm trên vùng thảo nguyên rộng lớn với những ruộng mía đang vào độ thu hoạch. Làng Mơ Hra hiện ra trước mắt với những nếp nhà sàn truyền thống của người Ba Na, xen kẽ những ngôi nhà xây tường, lợp ngói hài hòa, núp dưới những bóng cây cổ thụ và những hàng rào trồng hoa hồng leo, cúc vàng... giống như bức tranh về một vùng quê đáng sống.

Dừng chân trước ngôi nhà truyền thống còn nguyên vẹn của người Ba Na giữa làng, bên bậc thềm gỗ, một ông già gương mặt đã nhăn nheo, người nhỏ nhắn nhưng săn chắc, đậm dấu ấn của một lão nông chăm chỉ, vừa đánh đàn ting ning vừa ngân nga hát. Thấy chúng tôi, ông cười rạng rỡ: “Mời quý khách ghé thăm làng tôi, vào nhà chúng tôi uống miếng nước!”. Già chậm rãi đứng dậy, điều khiến chúng tôi chú ý chính là những bước đi khập khiễng cùng khớp gối chân phải của già bị vẹo sang một bên.

Hỏi già có biết già làng Đinh H'Mưnh?-già cười khà khà, như thêm thử khách phương xa: "Lại có ai nói không hay về ông già đó à?".

- Các nhà nghiên cứu, rồi cán bộ địa phương giới thiệu hay về già làng lắm, GS tận Hà Nội còn nhắc, đến Mơ Hra thì tìm già!-chúng tôi nói.

Giọng già cười lớn hơn: Tôi là ông già đó đây! Ông GS Tô Ngọc Thanh đó ở Hà Nội mà giỏi lắm! Tôi cúng lễ của dân tộc tôi mà còn bị ông ấy bắt bẻ, còn chỉ tôi phải sửa chỗ này, chỗ kia; lúc đánh chiêng hay chỉnh chiêng, ông ấy cũng tinh tường dạy đánh lại cho đúng. Ông GS Thanh chẳng khác nào người Ba Na cả. Hồi ông ấy về làng ở cả tháng, rồi dẫn các nhà nghiên cứu, đại biểu quốc tế về làng dựng biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên, múa xoang, đẽo tượng, dệt vải, cúng lễ... Làng Mơ Hra của chúng tôi vui lắm khi được lấy làm nguyên mẫu để tái hiện Không gian cồng chiêng Tây Nguyên trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Già làng Đinh H'Mưnh hướng dẫn và chơi đàn ting ning, hát những bài dân ca Ba Na mỗi khi có khách ghé thăm. 

Chị Trần Thị Bích Ngọc, cán bộ văn hóa-thông tin xã Kông Lơng Khơng kể, ở làng Mơ Hra, già làng Đinh H'Mưnh được người dân tin yêu, coi là linh hồn của làng; nhiều năm, già là gương mặt tiêu biểu của tỉnh Gia Lai ra Hà Nội để dự Lễ gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân người dân tộc thiểu số tiêu biểu; gần đây nhất là dự buổi gặp mặt của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Phủ Chủ tịch nhân Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam (19-4-2022).

Năm nay đã ở tuổi 72, dù bước đi khó khăn nhưng già Đinh H'Mưnh khiến bao người ngỡ ngàng bởi vẫn theo kịp dòng nam thanh nữ tú trong đội chiêng làng để hướng dẫn múa xoang và trình diễn cồng chiêng. Đối với ông, việc được diễn xướng cồng chiêng và hòa mình vào những giai điệu âm vang trầm bổng đã là một nhu cầu ăn sâu vào máu thịt và cùng ông đi qua những mốc son tươi đẹp của cuộc đời. Rồi đến cả việc lớn, nhỏ trong làng, từ cúng lễ mừng lúa mới, tuyên truyền cho nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, truyền dạy chơi cồng chiêng, hướng dẫn khách du lịch, các gia đình xích mích, cãi cọ, gia đình không cho con đến trường học... đều có sự hiện diện của già làng.

Trăn trở bảo tồn và tìm nguồn sinh kế cho bà con

Dẫn chúng tôi đi thăm quanh làng, già Đinh H'Mưnh chỉ vào ngôi nhà bên đường có dựng chiếc biển “Điểm giới thiệu và bán sản phẩm làng Mơ Hra”, già kể, từ năm 2018 đến nay, làng Mơ Hra được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn là một trong 3 địa phương trên cả nước triển khai Dự án “Di sản kết nối”. Trong đó mục tiêu chung là xây dựng làng trở thành một điểm du lịch cộng đồng được tổ chức và hoạt động bài bản. Để làm du lịch cộng đồng, lãnh đạo làng Mơ Hra đã vận động gần 100 người dân tham gia. Ban quản lý du lịch cộng đồng của làng Mơ Hra đã được thành lập và có 5 nhóm nghề được lựa chọn để truyền dạy. Trong đó già làng Đinh H'Mưnh là thành viên Ban quản lý du lịch cộng đồng của làng và làm Trưởng nhóm cồng chiêng. Với người Ba Na nói riêng, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, di sản văn hóa âm nhạc cồng chiêng đã được hình thành từ lâu đời; các hoạt động đan lát và dệt thổ cẩm duy trì trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của dân làng; các nhạc cụ truyền thống như đàn goong, ting ning, đàn t’rưng đã và đang từng ngày trở lại trong những nếp nhà của người Ba Na... Thế nhưng, làm thế nào để đưa những tiềm năng đó trở thành sinh kế là mong muốn và cũng là trăn trở bấy lâu nay của già làng Đinh H'Mưnh. Để góp phần thực hiện các hoạt động của Dự án “Di sản kết nối”, già làng Đinh H'Mưnh đã tự nguyện hiến hơn 3 sào đất sản xuất của gia đình để mở rộng khu vực nhà rông làng; tham gia làm nhạc cụ truyền thống, đẽo tượng và đóng góp các hiện vật trong khu nhà rông truyền thống của làng.

Già làng Đinh H'Mưnh tâm niệm: “Tôi luôn mong muốn dân làng duy trì những điều tốt đẹp trong phong tục, tập quán của dân tộc và lao động sản xuất theo sự định hướng của Đảng và Nhà nước, để làm sao xóa đói, giảm nghèo, cuộc sống đồng đều, công bằng, không có ai đói khổ. Tôi luôn khuyên bảo bà con trong làng phải cố gắng học tập theo những điều mà Bác Hồ đã dạy, đó là phải đoàn kết, thương yêu lẫn nhau, giúp đỡ nhau để có cuộc sống hạnh phúc”.

Dẫn chúng tôi ra chiếc cầu nhỏ nối làng Mơ Hra với Làng kháng chiến Stơr ở xã Tơ Tung, huyện Kbang-nơi sinh ra và lớn lên của anh hùng Đinh Núp-già kể, cái chân khập khiễng và lệch khớp đầu gối là do trước kia học theo anh Núp đánh giặc. Chuyện trong quá khứ trở về, khiến ông nhớ lại thuở thanh niên sôi nổi: “Năm 17 tuổi, tôi theo bộ đội làm cách mạng, giặc càn quấy và giết chóc dân làng, tôi và trai tráng trong làng dẫn dân đi ẩn náu, tối đến thì giúp bộ đội chuyển vũ khí, đưa giấu cán bộ đến nơi an toàn. Thời gian này, tôi được bộ đội dạy cho học chữ, dạy cách băng bó, chữa trị vết thương cho thương binh, cho dân làng. Đến năm 1970, trong một lần vừa dẫn cán bộ đến nơi an toàn, trở về làng thì bị giặc phục kích, bắn trúng vào đầu gối chân phải. Chúng bắt tôi đi, tra tấn rồi nhốt trên ngục ở Gia Lai 1 năm 4 tháng, không tra khảo được gì ở tôi, chúng đưa tôi lên trực thăng, đày ra nhà tù Phú Quốc, nhốt tôi 1 năm 6 tháng ngoài đó. Giờ mỗi lần nhớ về những ngày tháng bị tù đày, không biết bao lần bị tra tấn đến mức muốn di chuyển phải buộc dây thừng nhờ các anh em kéo vì chân bị gãy và di chứng lệch đầu gối, tôi lại thấy rợn người”. Đinh H'Mưnh sau khi được trả về quê hương lại tiếp tục tham gia cách mạng, bảo vệ dân làng cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng năm 1975. Sau đó, ông được xã cử lên tỉnh Gia Lai học bổ túc văn hóa hết lớp 9, trở về quê hương làm công tác y tế. Đây cũng là quãng thời gian ông dành cuộc đời cho việc gìn giữ và truyền dạy nhạc cụ truyền thống, cồng chiêng cho thế hệ trẻ.  

Năm 2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã trở thành một sự kiện làm nức lòng cộng đồng dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên và những người yêu chuộng văn hóa truyền thống. Trước đó, từ năm 2003 đến năm 2005, dưới sự dẫn dắt của già làng Đinh H'Mưnh và các già làng tiêu biểu khác, đội cồng chiêng của làng Mơ Hra đã nhiều lần đại diện cho đồng bào các dân tộc thiểu số 5 tỉnh Tây Nguyên biểu diễn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khác. Năm 2010, làng đã xây dựng thành công Đội chiêng thanh thiếu nhi đầu tiên của tỉnh Gia Lai với 40 em và năm 2012 tiếp tục thành lập đội chiêng nữ. Hiện nay, trong làng có 3 đội cồng chiêng duy trì hoạt động, phục vụ du khách trong nước và quốc tế mỗi lần trải nghiệm “Di sản kết nối”.

Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng và các tiềm năng sẵn có như di sản văn hóa, di tích lịch sử và cảnh quan thiên nhiên đang là mục tiêu mà huyện Kbang hướng đến. Trên hành trình còn nhiều gian nan ấy, già làng Đinh H'Mưnh là tấm gương ngời sáng luôn cần mẫn, trách nhiệm, thể hiện tình yêu với nền văn hóa truyền thống của dân tộc trong từng lời nói, hành động, đóng góp thiết thực cho dân tộc, cho cộng đồng.

Chào tạm biệt, già làng Đinh H'Mưnh đã trao tặng chiếc đàn ting ning-cây đàn được coi là linh hồn của người dân Ba Na-cho chúng tôi, cùng lời gửi gắm: Nhờ các nhà báo lan tỏa tiếng đàn ting ning, cồng chiêng và văn hóa của người dân Tây Nguyên đến mọi miền đất nước. Còn chúng tôi đã rất bất ngờ với món quà ý nghĩa này mà vừa phấn khởi bước trên đường làng Mơ Hra, vừa khe khẽ hát: “Một mình lang thang trên đất này/ Theo dấu chân cha ông từng ngày/ Một mình qua sông, qua núi đồi/ Tìm mặt trời và tìm lời ru ngàn đời...”.

Bài và ảnh: NHỊ HÀ