Thương học trò như con

Hình ảnh cô giáo Thắm bế và vệ sinh cá nhân cho cậu học trò kém may mắn bị bại liệt Nguyễn Tiến Đạt đã trở nên gần gũi với học sinh trường Tiểu học Mỹ Hưng suốt năm học 2021-2022. Những hôm bố mẹ Đạt bận không kịp về đón con, cô Thắm lại đưa Đạt về tận nhà, kèm riêng Đạt học. Những tình cảm gần gũi như mẫu tử đó giữa cô Thắm và lớp lớp học trò đã duy trì suốt mấy chục năm qua, khiến ai cũng thấy cảm động.

Tuy chẳng khá giả gì nhưng cứ hễ thấy học sinh nào khó khăn trên con đường đến trường, cô Thắm lại dành dụm tiền lương để mua tặng xe đạp. Đến nay, cô Thắm đã tặng gần 20 chiếc xe đạp đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà xa, giúp các em không phải đi bộ đến trường.

leftcenterrightdel

Cô Thắm trao xe đạp tặng các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh nhân vật cung cấp 

Kể cả những lúc đau yếu, cô Thắm vẫn luôn nhớ đến học trò đầu tiên. Cô bồi hồi nhớ lại rằng, trong một lần đi giao sách, cô bị ngã xe và gãy tay trái. Sau đó lại bị ảnh hưởng viêm quanh khớp vai thể đông cứng. Cánh tay bị đóng khớp, teo cơ từ bả vai xuống. Cánh tay trái hoạt động rất khó khăn nhưng mỗi lúc lên lớp, nhìn ánh mắt học trò là cô lại quên hết mọi đau đớn. Hơn ba tháng ròng sáng cô lên lớp, chiều cô lại bắt xe buýt ra Bệnh viện Quân y 103 tập vật lý trị liệu. Mỗi lần tập là một lần cô khóc vì đau đớn nhưng cô không xin nghỉ ở nhà dưỡng bệnh mà vẫn lên lớp đều đều để được trông thấy học trò khôn lớn.

Không những thế, những lúc rảnh rỗi, cô Thắm không chọn nghỉ ngơi mà thường xuyên kèm cặp, phụ đạo miễn phí cho các em học sinh tiếp thu chậm hơn trong lớp vào các ngày thứ bảy, chủ nhật tại nhà. Đối với các em học sinh nổi bật, cô bồi dưỡng để các em đi thi học sinh giỏi các cấp, trao đổi thường xuyên với từng phụ huynh để chia sẻ về phương pháp học tập.

leftcenterrightdel
 Các em học sinh luôn coi cô Thắm như mẹ hiền. Ảnh nhân vật cung cấp

Cô Thắm luôn đề cao giáo dục nhân cách và lòng sẻ chia cho học trò. Ngoài kỹ năng sư phạm và chuyên môn tốt, cô Thắm thường phát động các phong trào bổ ích, kích thích khả năng sáng tạo và sự sẻ chia tấm lòng của học trò: như “Đôi bạn cùng tiến”, “Giúp bạn nghèo vượt khó”, “Tăm tre giúp người khuyết tật” hoặc trang trí và vệ sinh lớp học để rèn luyện tinh thần tự giác cho học sinh.

Một cô giáo... mê thơ

Cô giáo Thắm là một người giàu tình cảm, lãng mạn và yêu thơ từ hồi còn trẻ. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19, cô giáo Thắm đã làm rất nhiều bài thơ để cổ vũ tinh thần học tập cho học sinh. Ví dụ như: Đến trường học tập/ Thỏa niềm khát khao /Nhưng dịch đang cao/ Phải luôn cảnh giác là những vần thơ trong bài thơ “Phải luôn cảnh giác” của “Hoa Hướng Dương” – bút danh tràn đầy sự lạc quan của cô Thắm.

Còn trong bài “Thương học trò”, cô viết: Ngày nào đến trường cô cũng âu lo/ Thấp thỏm cầu mong học trò đừng vắng/ Mong làm sao không phụ huynh nào nhắn/ Con f1, f0... là nhẹ nhõm vô cùng!

leftcenterrightdel

Cô giáo Nguyễn Thị Thắm luôn toát ra năng lượng tích cực đến mọi người. Ảnh nhân vật cung cấp 

Để động viên và khích lệ tinh thần học tập của học trò, cô Thắm đã tặng 25 tập thơ “Chuyện chú trống Choai” cho 25 em học sinh có thành tích học tập tiến bộ trong lớp cô chủ nhiệm. Cuối học kỳ I năm học 2019-2020, cô Thắm đã tặng 19 tập thơ cho 19 học sinh xuất sắc trong lớp. Cô còn tặng thêm 15 quyển thơ để khuyến khích, động viên những học trò có tiến bộ trong học tập.

Năm học 2021-2022, do dịch Covid-19 kéo dài, học sinh phải học trực tuyến liên tiếp 7 tháng, đến tháng 4 mới đi học trực tiếp. Một số em ý thức học tập chưa cao, cô đã động viên khích lệ học sinh bằng cách sẽ tặng cho mỗi bạn một tập thơ nếu có sự tiến bộ trong học tập. Và cuối năm học đã có 26 bạn được nhận món quà của cô. Món quà tinh thần đó đã khiến các em vô cùng phấn khởi, vui tươi và ươm mầm tài năng thi ca sau này. Cô còn tặng 500 tập thơ cho 24 trường tiểu học trên địa bàn huyện Thanh Oai.

Đến nay, nữ “nhà thơ” tay ngang với bút danh Hoa Hướng Dương đã sáng tác tới hàng nghìn bài thơ, chủ yếu ở các đề tài ca ngợi đất nước, ca ngợi Bác Hồ, tình yêu và sự hy sinh của người lính, về mẹ cha, mái trường mến yêu.... Bên cạnh đó, cô cũng sáng tác rất nhiều bài thơ cho lứa tuổi thiếu nhi. Tháng 5 năm 2016, cô đã xuất bản tập thơ đầu tay mang tên “Ngủ đi gió ơi”. Sách do Nhà xuất bản Văn học in ấn và phát hành được độc giả gần xa yêu thích đón nhận. Cô Thắm còn tham gia Câu lạc bộ Thơ ca Thăng Long và có một số bài thơ được phổ nhạc.

Vào tháng 10-2021, đỉnh dịch Covid-19 lên cao, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Khi đó, tại Trường Tiểu học Mỹ Hưng có 3 tổ thợ xây đang làm việc. Các thợ xây đều đã có gia đình và nhà ở xa nên không thể trở về nhà trong cơn bão dịch. Công việc xây dựng phải tạm dừng trong thời gian dài và không có thu nhập, cuộc sống vô cùng khó khăn. Thấu hiểu nỗi nhớ nhà của họ, cô Thắm đã hỗ trợ cho các tổ thợ gạo, dầu ăn, rau sạch do cô tự tay trồng, động viên họ để vơi nỗi nhớ nhà và vượt qua giai đoạn khó khăn đó.

Không ngại khó, sẵn sàng học hỏi

Đợt dịch Covid-19, học sinh phải học trực tuyến, đó không chỉ là khó khăn đối với học sinh tiểu học mà còn đối với các cô giáo đã có tuổi như cô Thắm. “Gần 30 năm đứng trên bục giảng, tôi chưa trải nghiệm dạy trực tuyến bao giờ. Nhưng do dịch bệnh không còn cách nào cả, tôi phải thích nghi và thay đổi bản thân. Tôi cố gắng mày mò công nghệ, thiết kế bài giảng trực tuyến phù hợp, rồi tập giảng với chiếc máy tính để lấy nguồn cảm hứng trước khi bắt tay vào dạy trực tuyến”, cô Thắm tâm sự.

Ngoài ra, một số học sinh chưa có điện thoại hoặc máy tính để học trực tuyến, chủ yếu phải dùng của bố mẹ. Nhiều phụ huynh cho biết: “Điện thoại của chúng em còn phải sử dụng cho công việc hằng ngày nên không cho con dùng học được...”. Chẳng ngại khúc mắc, cô trao đổi với phụ huynh và thống nhất giờ học sao cho hợp lý. Bất kể buổi tối hay ngày nghỉ, cô không muốn các học trò mất đi buổi học nào vì những lý do có thể khắc phục được.

leftcenterrightdel

Lớp học online của cô Thắm trong mùa dịch. Ảnh nhân vật cung cấp 

“Ở tuổi sắp về hưu, việc mày mò các ứng dụng quả là khó với các cô giáo như tôi. Nhưng tôi coi đó là một trải nghiệm thú vị. Tôi thường vào phòng học sớm 15 phút, rồi nhắn tin vào nhóm zalo lớp, nhắc phụ huynh và gọi các con vào học. Cứ thế thành thói quen. Các con sẽ học theo thời khóa biểu của tuần đúng thời gian và hào hứng chờ đợi tiết học. Tôi chuẩn bị kỹ nội dung bài và tiến trình các bước dạy trực tuyến. Đồng thời, chuẩn bị các tình huống phát sinh trong quá trình dạy trực tuyến như: Học trò nói chuyện vào mic, vẽ lên màn hình, chat với nhau”, cô Thắm cho biết.

Cô Trịnh Thị Thu Hà, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ Hưng nhận xét: Cô Thắm là một giáo viên rất yêu thương học trò, không phải vì thành tích hay nhiệm vụ mà tình cảm đó xuất phát từ trái tim của cô. Ngoài ra, cô còn là một giáo viên có chuyên môn giỏi, không ngại học hỏi kể cả khi tuổi cao, sắp về hưu. Cô Nguyễn Thị Thắm vinh dự được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” hai lần vào năm 2017, 2019 và nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

DIỆU HUYỀN