Thầy là ân nhân của hàng trăm mảnh đời bất hạnh. Nhiều người nói rằng, việc làm của thầy Thường là hành trình từ suối chảy ra sông, rồi đổ vào biển cả nhân ái yêu thương...

 Tấm lòng người “Hồng La”    

Nhà thầy Thường ngay cạnh đền Nghĩa sĩ Đại vương Nguyễn Biểu, ở giữa làng Tiến Thọ thuộc xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, nơi đã sinh ra hàng chục giáo sư, tiến sĩ, các vị đại khoa cùng nhiều bậc hiền tài cho đất nước. Làng Tiến Thọ giờ là mảnh đất thanh bình với những con đường hai bên được trồng đầy hoa. Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, thầy Thường chia sẻ rằng: “Trong thời gian qua, Nhóm thiện nguyện nhân ái Hồng La đã tìm đến hàng chục người tàn tật, neo đơn, gia đình hoàn cảnh khó khăn để chia sẻ, giúp đỡ. Danh sách mới cập nhật có hơn 30 người đang cần giúp đỡ, nhưng vì dịch Covid-19 nên phải tạm gác lại. Còn sức, thầy sẽ cứ đi để thực hiện tâm nguyện của mình”.

Từ giữa thập niên 90 của thế kỷ 20, thời điểm đó thầy Thường đang làm Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Biểu, chứng kiến nhiều học trò thỉnh thoảng bỏ học để đi bắt cua, mò ốc, đi làm cửu vạn, thầy bàn với ban giám hiệu và các giáo viên tổ chức phát động Phong trào “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Sau hơn một tuần vận động giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, nhà trường đã thu được 37.000 đồng, 10kg gạo, 12 xếp giấy, 7 cái bút, kịp thời hỗ trợ những học sinh khó khăn, khuyến khích các em đến trường, không bỏ học. Quỹ khuyến học của Trường THCS Nguyễn Biểu cũng ra đời vào thời điểm ấy.

Thầy Trần Quốc Thường (bế em bé) và đại diện Nhóm thiện nguyện nhân ái Hồng La tặng quà gia đình anh Phạm Trung Hiếu ở xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). 

Nhỏ như cái bút, quyển vở rồi đến cái xe đạp trao tặng, cưu mang, giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã lan tỏa từ nhà trường ra xã hội. Với sự nhiệt thành, năng động và uy tín của mình, thầy Thường đã kêu gọi các doanh nhân, nhà hảo tâm, những tấm lòng vàng hướng về những số phận kém may mắn, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật, những cụ già không nơi nương tựa ở trong xã. Khi nhiều người có tâm huyết tham gia với thầy Thường, Quỹ khuyến học không chỉ bó hẹp ở Trường THCS Nguyễn Biểu và ở địa phương, đầu năm 2014, thầy Thường đề xuất đổi tên thành Nhóm thiện nguyện nhân ái Hồng La.

Nguyên tắc hoạt động của nhóm: Công khai, minh bạch, dân chủ và tận tâm thương yêu người nghèo, hướng thiện. Nhóm nhân ái Hồng La luôn gắn kết, phối hợp chặt chẽ với hội chữ thập đỏ, hội khuyến học, hội nạn nhân chất độc da cam, hội bảo trợ người khuyết tật, hội người khiếm thị, làng trẻ em mồ côi, đoàn thanh niên... Từ một nhóm 3 thành viên của Trường THCS Nguyễn Biểu, đến nay đã có 25 thành viên là lực lượng nòng cốt phụ trách các hoạt động đầu mối, khâu nối, tổ chức mạng lưới rộng khắp cả nước. 

Trong 7 năm qua, nhóm nhân ái Hồng La đã kêu gọi được hơn 6 tỷ đồng từ tấm lòng thiện nguyện của các nhà hảo tâm để xây dựng 15 nhà tình thương tặng các gia đình khó khăn, tặng xe lăn tới các cụ già bại liệt, hơn 200 xe đạp tặng học sinh; thực hiện chương trình 50 đàn gà tặng trẻ mồ côi, chương trình Tết cho em, tiếp sức đến trường; hỗ trợ đám cưới của các cặp vợ chồng khuyết tật; trao tặng 400 chiếc radio...

Hiện nay, nhóm đang cưu mang hằng tháng cho gần 100 sinh viên, học sinh mồ côi, các cụ già neo đơn, khiếm thị, bại liệt với số tiền 3.600.000 đến 6.000.000 đồng/người/năm; tổ chức chương trình cung cấp cháo miễn phí tại Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ, Bệnh viện Đa khoa Hồng Lĩnh, Bệnh viện Đa khoa Hương Sơn và Trung tâm Y tế huyện Can Lộc; tiếp tục triển khai xây dựng nhà tình nghĩa tặng các gia đình khó khăn...

Không kể nắng mưa hay đường sá xa xôi, ở đâu trong vùng có người kém may mắn là thầy Thường tìm đến để động viên, sẻ chia và kêu gọi sự giúp đỡ. Có em bị bệnh tim bẩm sinh, lại cong vẹo cột sống độ 4 nhưng gia cảnh khó khăn đã được thầy Thường đứng ra kêu gọi, quyên góp được gần 200 triệu đồng. Thầy cùng gia đình đưa em ra Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật. Em gái ấy nay đã trưởng thành, có việc làm ổn định và xem thầy Thường như người cha, giúp em từ cõi chết trở về. Không kể hết bao nhiêu con người được thầy và nhóm nhân ái Hồng La quan tâm giúp đỡ đã vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Nhận lại nụ cười hạnh phúc, lời cảm ơn chính là động lực thôi thúc thầy và các thành viên tiếp tục miệt mài trên hành trình thiện nguyện của mình.

Ông Võ Công Hàm, nguyên Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ đã gửi thư cảm ơn đến thầy Trần Quốc Thường và nhóm nhân ái Hồng La, trong thư có đoạn: “Trái tim nhân ái của thầy giáo Trần Quốc Thường và nhóm nhân ái Hồng La đã nhân lên và lan tỏa cái thiện, cái đẹp, thể hiện sự đùm bọc, yêu thương của những con người ở núi Hồng, sông La”. 

Lan tỏa lòng nhân ái

Không ai đợi giàu, đợi hoàn hảo rồi mới làm thiện nguyện. Ông giáo già hằng ngày vẫn chân lấm tay bùn với đồng ruộng nhưng đã giang tay giúp đỡ, cưu mang nhiều mảnh đời bất hạnh để rồi chính những con người ấy lại đồng hành với thầy và nhóm nhân ái Hồng La tiếp tục hành trình gieo những hạt mầm nhân ái. Tình yêu thương đã làm nên những điều kỳ diệu.

Thầy Trần Quốc Thường và đại diện Nhóm thiện nguyện nhân ái Hồng La thăm hỏi, tặng quà cụ già neo đơn ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Em Đinh Văn Hiếu (ở xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ), mẹ mất năm Hiếu 8 tuổi nên em ở với người dì bị thiểu năng trí tuệ. Năm 2013, Hiếu thi đậu trường THPT nhưng tính bỏ học vì cuộc sống quá khó khăn. Thầy Trần Quốc Thường đến tận nhà động viên Hiếu, kêu gọi các nhà hảo tâm cưu mang, giúp đỡ Hiếu cả về vật chất và tinh thần để em tiếp tục được đến trường.

Năm 2016, Hiếu thi đậu Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) nhưng không có điều kiện để đi học. Thầy Thường lại chạy vạy khắp nơi kêu gọi, quyên góp, hằng tháng gửi tiền nuôi Hiếu ăn học và cưu mang cả người dì của Hiếu. “Em phải gắng học đại học vì chỉ con đường đó mới có thể giúp em thay đổi hoàn cảnh khó khăn của mình”. Hiếu nhớ như in lời thầy dạy và em đã tốt nghiệp đại học loại giỏi, được ở lại trường làm giảng viên.

Noi gương thầy Thường, hằng tháng Hiếu trích tiền lương của mình để đồng hành với thầy và nhóm nhân ái Hồng La, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Đồng thời, Hiếu đã kết nối, lập nhóm thiện nguyện ở TP Hồ Chí Minh, tạo thành mạng lưới thuộc nhóm nhân ái Hồng La ở khu vực phía Nam.

Rồi như các em: Phan Dương Khải, Phan Nhất, Nguyễn Tuấn Vũ, Hoàng Trung Dũng và biết bao mảnh đời khác, mỗi em một hoàn cảnh, nhưng được sự giúp đỡ, hỗ trợ của nhóm nhân ái Hồng La, giờ đây các em đã trưởng thành nhưng không quên mái ấm nhân ái Hồng La đã bao bọc mình. Hằng tháng, các em đều đặn trích một phần lương để giúp đỡ những thân phận kém may mắn.

Em Phan Dương Khải (đang làm cho một công ty dược ở Hà Nội) là nhóm trưởng thuộc nhóm nhân ái Hồng La ở khu vực phía Bắc, chia sẻ: “Chính nhờ thầy Thường và vòng tay nhóm nhân ái Hồng La mà em xóa được mặc cảm để tự lập cuộc sống. Thầy Thường đã giúp chúng em yêu hơn cuộc đời này và thấy rõ bổn phận tiếp tục lan tỏa yêu thương đến những mảnh đời bất hạnh như một nghĩa cử tri ân những tấm lòng thiện nguyện”.

Hằng năm, thầy Thường và nhóm nhân ái Hồng La đều đến trao quà tặng Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh. Tấm lòng cao cả của thầy Thường và nhóm nhân ái Hồng La khiến ông Dương Quý Đạo, Giám đốc Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh nể phục. Sau khi nghỉ hưu, ông Đạo đã đồng hành với nhóm nhân ái Hồng La giúp đỡ những hoàn cảnh thương tâm. Là thương binh, bị cụt một chân, vừa chăm sóc vợ bị liệt nửa người, vừa tranh thủ thời gian, với một đôi nạng gỗ, không kể nắng hay mưa, ông Dương Quý Đạo cùng thầy Thường và nhóm nhân ái Hồng La đến với những người kém may mắn để sẻ chia, giúp đỡ... 

"Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?". Sự cho đi cái thiện, tấm lòng nhân ái là điều tốt đẹp nhất. Rồi đây, thầy Thường sẽ già yếu, nhưng những “hạt mầm" nhân ái mà thầy đã gieo sẽ tiếp tục nảy nở, lan truyền, góp phần làm cho cuộc sống và xã hội tốt đẹp thêm. 

Bài và ảnh: SƠN BÌNH