Đó là lời tâm sự chân thành của chị Cao Thị Ánh Tuyết (sinh năm 1971), Phó giám đốc Công ty cổ phần xây dựng, thương mại Tuyết Phong. Người có 18 năm phát cơm miễn phí cho người nghèo, được bà con yêu quý và trìu mến gọi bằng cái tên “Nữ Bồ tát” với tấm lòng thiện nguyện.

Từ bán vàng cứu trợ mùa Covid…

Buổi chiều đầu tuần, chúng tôi có mặt tại căn nhà của chị Cao Thị Ánh Tuyết trên đường Lê Duẩn tại phường Trung Phụng (Đống Đa, TP Hà Nội). Căn nhà nhỏ nằm ngay đường tàu vừa là nơi kinh doanh vừa là địa điểm gặp gỡ của nhóm “Thiện nguyện Tuyết Phong”. Chúng tôi đến đúng lúc nhóm thiện nguyện đang chuẩn bị những suất cơm chiều, mùi thức ăn lan tỏa khắp gian nhà. Trong bếp, chị Tuyết đang hối thúc mọi người chia các suất cơm, tay nhanh nhẹn lật từng miếng chả đang rán.

Bên những khay thức ăn nóng hổi, chị Tuyết tâm sự với chúng tôi về “duyên lành” đến với hoạt động thiện nguyện. Câu chuyện bắt đầu từ những tháng ngày cơ cực vắng bố khi còn nhỏ của chị, một mình mẹ không thể lo nổi miếng ăn cho 5 chị em. Đêm mưa gió, giữa cái lạnh, cái đói, mẹ con chị chỉ biết ôm nhau khóc tại vùng quê nghèo của tỉnh Thái Bình. Khi ấy, bà hàng xóm đã dang tay giúp đỡ gia đình vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Sau này, khi đã trưởng thành, hình ảnh của bà hàng xóm đã thôi thúc chị có những hoạt động thiện nguyện để giúp đỡ những người nghèo khổ. 

 Nhóm thiện nguyện trong một lần đi phát cơm tại bệnh viện. Ảnh nhân vật cung cấp.

Nghĩ là làm, bắt đầu từ năm 2003, nồi cháo thiện nguyện đầu tiên được chị nấu và phát tận tay các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Thái Bình. Và rồi, những suất cháo, suất cơm ấm tình người được lan tỏa rộng rãi hơn tại các bệnh viện lớn trên địa bàn TP Hà Nội như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Thanh Nhàn…

Đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam ảnh hưởng đến mọi ngành nghề, tầng lớp trong xã hội. Công ty của chị Tuyết phải hoạt động cầm chừng nhưng không vì thế mà tâm huyết với công việc thiện nguyện bị giảm sút. Để có kinh phí, chị Tuyết đã bàn với gia đình bán đi 5 cây vàng là số tiền dành dụm để tiếp tục giúp đỡ những người nghèo và vô gia cư cũng như bệnh nhân khó khăn tại các bệnh viện ở thành phố (TP) Hà Nội. Chính vì vậy, hoạt động thiện nguyện của chị Tuyết còn được mở rộng hơn trong thời gian này. Thông qua lãnh đạo Quận Đống Đa (Hà Nội), chị Tuyết đã có những suất quà gồm gạo, nhu yếu phẩm trị giá 2 triệu đồng đến các hộ nghèo, những người bán hàng rong, người vô gia cư tại phường Trung Phụng và Khâm Thiên (TP Hà Nội). Tại những điểm nóng chữa trị, cách ly như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chị Tuyết cũng kịp thời hỗ trợ thành 3 đợt, mỗi đợt 100kg hoa quả, 300 chai nước ép hoa quả cho cán bộ, nhân viên, y sĩ, bác sĩ và bệnh nhân đang điều trị.

 Chị Cao Thị Ánh Tuyết tại nhà riêng. 

Ngoài ra, chị Cao Thị Ánh Tuyết cũng là người tích cực hỗ trợ Bộ đội Biên phòng trong mùa dịch. Chị Tuyết vẫn nhớ mối duyên khi kết nối được với Trung tá Sỹ Thị Oanh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu qua mạng internet. Qua lời kể của Trung tá Sỹ Thị Oanh, chị Tuyết thực sự xúc động khi biết các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại các chốt chống dịch phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Những ngày hè tháng 5, tại các chốt không có điện, không có nước sinh hoạt. Cán bộ, chiến sĩ mỗi tuần ra ngoài mua được ít thịt mang về phải rán lên cho khô rồi cho vào túi bóng ngâm xuống bùn để có thể bảo quản được lâu hơn. Biết được những khó khăn ấy, chị Tuyết làm 3 tạ mắm tép chưng thịt gửi làm 2 đợt lên 6 chốt của Đồn Biên phòng 293, 3 chốt của Đồn Biên phòng Thu Lũm trực thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu.

…đến hàng chục ngàn suất ăn ân tình cho người vô gia cư

Cũng từ đợt dịch Covid-19, chị Tuyết bắt đầu có thêm những suất cơm miễn phí cho người lao động nghèo, người vô gia cư phát cố định vào chiều thứ 2, 4, 6 hằng tuần. Thời gian đầu, chị Tuyết chỉ dừng lại ở 20 - 30 suất cơm. Sau đó, tiếng lành đồn xa, cứ xế chiều, những người lao động nghèo như cánh chim mỏi trở về điểm phát cơm từ thiện với số lượng ngày càng đông. Có những ngày phát hết cơm mà người đến xếp hàng vẫn còn. Nhìn những gương mặt ủ rũ khiến chị Tuyết không cầm được lòng, có hôm chị lấy cả nồi cơm tối của gia đình để phát tiếp. Đến nay, số lượng suất cơm được phát đã lên đến gần 200 suất. Tiền cơm hoàn toàn do chị Tuyết chi trả, thi thoảng có sự hỗ trợ và giúp đỡ thêm từ bạn bè. Nhẩm tính suốt 18 năm qua, chị đã phát đến hàng chục nghìn suất cơm miễn phí cho người vô gia cư và người dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Những suất cơm miễn phí ấm tình người. Ảnh nhân vật cung cấp.

Chị Trần Quỳnh Hoa, người bạn đồng hành gần chục năm qua cùng chị Tuyết phát suất ăn miễn phí cho người dân nghèo cho biết: “Đã thành thói quen, bếp nhà chị Tuyết bắt đầu ấm lửa từ 4 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Buổi sáng, chúng tôi phát cháo tại các bệnh viện. Phát xong lại vội vàng đi chợ đầu mối để mua thực phẩm làm cơm chiều. Mỗi chuyến xe chở cơm, nhìn thấy mọi người vui mừng cầm trên tay suất cơm nóng hổi là tôi hạnh phúc lắm. Bởi ở đây có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, éo le; có những cụ già 70 - 80 tuổi vẫn phải lang thang ngoài đường mỗi ngày. Tối đến họ lại tìm một góc nhỏ nào đó để dừng chân”.

Gặp gỡ những mảnh đời khó khăn mỗi ngày, chị Tuyết càng nhận ra mình phải nỗ lực hơn nữa để duy trì những suất cơm miễn phí. Chị kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện xúc động trong những lần phát cơm. Đó là chuyện cụ bà 80 tuổi nhận được suất cơm cho mình, đã quay đi rồi lại lưỡng lự trở lại. Bà cố nhíu đôi mắt đục mờ nổi rõ những nếp nhăn về phía chị. Bà cất giọng run run ngỏ ý có thể xin thêm một suất cơm nữa được không vì bà biết mỗi người chỉ được nhận một suất. Chị Tuyết gặng hỏi mới biết, bà đang chăm sóc người chồng bị liệt nửa người phải nằm một chỗ.

Chị Tuyết hỗ trợ những hộ gia đình khó khăn trên địa bàn phường Trung Phụng. 

Hay như trong một lần phát cháo thiện nguyện, chị Tuyết gặp cậu bé 13 tuổi Cử Mi Lá người dân tộc Dao quê ở Hà Giang bị đa chấn thương đang nằm ở bệnh viện Việt Đức. Cậu bé không có người thân, đã đợi 1 tuần mà chưa có tiền để điều trị. Chị đã đứng ra kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ kinh phí để em được điều trị. Sau đó, chị Tuyết còn lập 2 sổ tiết kiệm với tổng giá trị là 300 triệu đồng và nhờ địa phương nơi Cử Mi Lá sinh sống hỗ trợ em sau này. Khi đó, không cầm được nước mắt, cậu bé Cử Mi Lá đã nghẹn ngào: “Cuộc đời con gặp được bác Tuyết như được cứu sống lại, không có bác và các mạnh thường quân giúp đỡ chắc con không thể vượt qua được khi những căn bệnh quái ác hành hạ mình. Cảm ơn cuộc sống khi đã cho gặp được Bồ tát của đời mình”.

Chị Tuyết cho chúng tôi xem những album ảnh trong điện thoại của mình. Những album hầu hết là khoảnh khắc rạng rỡ của người cho đi và người nhận trong những lần làm việc thiện. Chị chia sẻ, trong cuộc sống đôi khi gặp những vấn đề trắc trở hay mệt mỏi, chị lại mở tấm hình này ra xem làm động lực để cân bằng lại. Với chị Tuyết đó là những “khoảnh khắc niềm vui” vô giá mà mình may mắn có được khi làm những việc có ích cho xã hội.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Hứa Thị Xuân Liên, Phó chủ tịch UBND phường Trung Phụng (Quận Đống Đa, TP Hà Nội) cho biết: “Nhiều năm qua, chị Tuyết đã có những đóng góp nổi bật với những suất ăn miễn phí, những hoạt động thiện nguyện vì lợi ích cộng đồng. Trong đợt Covid-19 vừa qua, chị Tuyết đã ủng hộ, giúp đỡ rất nhiều người dân bằng những tạ gạo, nước mắm, cá khô. Mỗi buổi tối, hàng trăm suất cơm từ thiện do chính tay chị làm được đưa đến tận nơi cho người vô gia cư và hàng ngàn suất cháo miễn phí cho các bệnh viện ở Hà Nội. Đây là tấm gương sáng cho mọi người chúng tôi học tập và noi theo”.

Bài, ảnh: ĐỨC HÀ-ĐÀO HIỆP