Trong chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch luôn xác định phá hoại trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng là một “mũi đột phá”, là “vũ khí lợi hại”.
 |
Các phóng viên đang tác nghiệp. Ảnh minh họa/internet |
Sức mạnh của các phương tiện truyền thông hiện đại, của báo chí, mạng Internet được chúng triệt để sử dụng vào việc truyền bá các quan điểm thù địch, sai trái, xuyên tạc, công kích chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm phá vỡ trận địa tư tưởng vô sản, thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chúng còn trực tiếp tiến công vào báo chí cách mạng, vào những nhà báo cách mạng. Với chiêu bài “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí”, chúng vu cáo Đảng và Nhà nước ta vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí hòng làm cho báo chí tách rời sự lãnh đạo của Đảng, làm cho các nhà báo mất phương hướng chính trị, mất sức chiến đấu trong hoạt động báo chí của mình. Đòn tiến công này thật sự nguy hiểm đối với sự nghiệp cách mạng và đối với sự phát triển của báo chí nước ta.
Cần thấy rằng, hiện nay báo chí nước ta có sự phát triển nhanh về số lượng, loại hình, ấn phẩm, đội ngũ những người làm báo, số lượng người đọc; cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ, năng lực tài chính, sự tác động và ảnh hưởng xã hội. Báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, là diễn đàn của nhân dân; quyền tự do báo chí được bảo đảm bằng pháp luật và thể hiện cụ thể trong thực tiễn. Với lực lượng hùng hậu và sự đa dạng, phong phú về loại hình, báo chí đi tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hóa, đã và đang đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, vào sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhiều tờ báo đã đấu tranh kịp thời, sắc bén, vạch rõ và làm thất bại nhiều âm mưu, thủ đoạn của địch lợi dụng chống phá ta trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo… bảo vệ đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Báo chí thực sự đã góp phần quan trọng củng cố lòng tin của nhân dân đối với chế độ và sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao tinh thần cảnh giác, tình yêu quê hương đất nước, yêu chế độ của các tầng lớp nhân dân, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng, tạo động lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Đó là kết quả, là sự biểu hiện rõ ràng và sinh động về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở nước ta; những luận điệu vu cáo Đảng và Nhà nước ta “vi phạm” tự do ngôn luận, tự do báo chí là những luận điệu vô căn cứ, nhằm dụng ý xấu.
Trong bối cảnh mới của quá trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế, vấn đề đấu tranh chống các quan điểm sai trái, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trở nên hết sức phức tạp. Tính phức tạp của vấn đề thể hiện ở những nội dung tư tưởng của các quan điểm sai trái, thù địch và cả ở thái độ trong chính chúng ta đối với cuộc đấu tranh. Vẫn còn có tư tưởng e ngại, nếu quá kiên quyết đấu tranh sẽ gây ra “những bất lợi” cho quá trình hợp tác kinh tế, thương mại của Việt Nam với nước ngoài, nhất là khi nước ta đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Sự e ngại này không phải là không có cơ sở, nhưng nếu thiếu kiên quyết đấu tranh, không dám “phê phán mạnh”, thì lại là một sai lầm hữu khuynh.
Chúng ta cũng không rơi vào “tả khuynh”, vì điều đó cũng không có lợi cho sự nghiệp cách mạng. Nhưng “Phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng”(1) phải là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của báo chí cách mạng hiện nay. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình hình “Một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm rõ chức năng tư tưởng, văn hóa, có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin không trung thực, thiếu chính xác”(2). Một số báo mặc dù có số lượng phát hành tương đối lớn, nhưng lại không thực sự “vào cuộc” trong đấu tranh. Khuynh hướng “tư nhân hóa”, “thương mại hóa” báo chí, và xu hướng lợi dụng báo chí của các thế lực thù địch ngày càng tăng, làm cho cuộc đấu tranh chống các quan điểm thù địch, sai trái càng trở nên phức tạp.
Tính chất nguy hại của âm mưu “diễn biến hòa bình”, yêu cầu của sự nghiệp cách mạng nước ta trong tình hình mới đòi hỏi tất yếu báo chí chúng ta phải tham gia tích cực và nâng cao hiệu quả đấu tranh chống các quan điểm sai trái, phải thật sự là “vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”(3) như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng giáo huấn. Hơn lúc nào hết, nhà báo cách mạng, dù làm việc trong bất cứ cơ quan báo chí nào cũng đều phải là “chiến sĩ anh dũng” trong sự nghiệp “phò chính trừ tà”, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phải “làm tốt chức năng tuyên truyền, phê phán các hiện tượng tiêu cực, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, đấu tranh chống các quan điểm sai trái; nâng cao tính chân thật, tính giáo dục và tính chiến đấu của thông tin”(4).
Muốn thực sự là “vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà” thì vấn đề quyết định đầu tiên đối với những người làm báo là cái tâm phải sáng, thực sự vì nước, vì dân; phải có bản lĩnh vững vàng và con mắt tinh tường để nhận biết rõ ràng đâu là “chính”, đâu là “tà”, không thể nhầm lẫn, không thể lộn sòng. Không thể vì những khuyết điểm, hạn chế nào đó; không thể vì sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; cũng không thể vì việc giải quyết chưa tốt một vụ việc nào đó mà có tư tưởng bất mãn với chế độ, phủ nhận những giá trị lịch sử, những thành tựu to lớn của cách mạng, công kích, xuyên tạc, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng, đòi thay đổi chế độ. Tự do báo chí không có nghĩa là tự do đảo lộn “chính”, “tà”. Muốn “phò chính” thì phải “trừ tà”, muốn “trừ tà” thì phải “phò chính”. Mọi sự lẫn lộn trong vấn đề “chính”, “tà” đều không đúng với bản chất và vai trò của báo chí nước ta trong tình hình mới, không thể chấp nhận được. Ý nghĩa thực tiễn của mệnh đề báo chí cách mạng là “vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà” thể hiện sâu sắc ở chỗ đó.
Trong tình hình mới, các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo chuyên nghiệp và không chuyên cần quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt hơn nữa quan điểm của Đảng: Phải nắm vững và tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng, tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới...; phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng. Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là một chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng, của mọi nhà báo. Mọi tờ báo, báo in, báo nói, báo hình, hay báo điện tử trên mạng Internet đều phải “vào cuộc”, không thể vì lý do nào đó mà “đứng ngoài cuộc”, đặc biệt là những tờ báo có số lượng độc giả đông.
Bản lĩnh vững vàng, lòng nhiệt tình và ý thức trách nhiệm cao là rất quan trọng, nhưng chưa đủ; điều quan trọng là phải biết đấu tranh, biết bác bỏ, chỉ rõ tính chất sai trái trong động cơ, ý đồ và mục đích của những kẻ tung ra các quan điểm thù địch, sai trái. Không phải cứ “đao to búa lớn” mới là đấu tranh. Sức thuyết phục, tính chiến đấu và giá trị của bài báo phụ thuộc quyết định trực tiếp vào bản thân người cầm bút, vào phẩm chất, năng lực của chính nhà báo.
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X, NXB CTQG, H. 2007, tr.49.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X, NXB CTQG, H. 2007, tr.37.
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB CTQG, H. 2000, tập 5, tr.131.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB CTQG, H. 2001, tr.116.
HƯNG HÀ