Năm 2013, bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Vật lý lý thuyết và Vật lý toán Trường Đại học Sư phạm 1, Nguyễn Thị Thoa về công tác tại Viện Hóa học Môi trường Quân sự. Nhắc lại những ngày đầu mới về nhận nhiệm vụ, chị Thoa bồi hồi xúc động: “Phụ nữ công tác tại Viện Hóa học Môi trường Quân sự đã ít, tại Phòng Phóng xạ lại càng hiếm do tính chất và đặc thù nhiệm vụ. Mặc dù đã được cảnh báo từ trước sự vất vả trong chuyên môn để chuẩn bị sẵn tâm lý, thế nhưng khi bắt tay vào công việc, tôi vẫn không tránh khỏi áp lực và sự choáng ngợp”.

Thời gian làm quen với nền nếp, kỷ luật Quân đội trôi qua nhanh, bằng đam mê, nhiệt huyết, tinh thần ham học hỏi, không ngại khó ngại khổ, chị Thoa từng bước tự tin khẳng định mình trong môi trường tưởng chừng chỉ phù hợp với nam giới. Sự tận tâm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cùng trình độ, năng lực chuyên môn của chị ngày càng được khẳng định. Điều này thể hiện rõ qua các đề tài, sáng kiến khoa học mà chị chủ trì hoặc cùng tham gia ngày một tăng, trong đó có nhiều đề tài thuộc lĩnh vực cực khó, lần đầu thực hiện ở Việt Nam.

Đại úy Nguyễn Thị Thoa tại Lễ tổng kết và trao Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2020. Ảnh: MAI ANH 

Tiêu biểu như đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu thiết kế chế tạo trạm quan trắc liên tục bức xạ gamma môi trường dùng cho trạm cố định sử dụng kỹ thuật truyền dữ liệu vệ tinh” đoạt giải Nhì Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2020; sáng kiến “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm phát triển thuật toán nhận diện đồng vị phóng xạ trên detector PVTs” được công nhận là sáng kiến loại II cấp Binh chủng giai đoạn 2020-2021...

Mới đây, chị đã cùng đồng đội nghiên cứu thành công đề tài cấp Bộ mang mã số KC.AT “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo cổng giám sát phóng xạ dùng cho người đi bộ và phương tiện cá nhân”. Nói về đề tài này, Đại úy Nguyễn Thị Thoa chia sẻ: “Mới đầu cũng có những ý kiến ngần ngại cho rằng khó để thực hiện thành công bởi đề tài là lĩnh vực rất khó và lần đầu tiên Việt Nam tiếp cận. Khi đó, tôi vừa thuyết phục anh em mà cũng chính là thuyết phục bản thân “càng khó, mình càng phải đồng lòng quyết tâm”.

Thế nhưng, nói là một chuyện, bắt tay vào thực hiện lại là chuyện khác. Không thể kể hết những khó khăn, vất vả, những trở ngại mà chị và cộng sự đã trải qua trong khoảng thời gian thực hiện đề tài. Song khi chúng tôi hỏi, đâu là khó khăn nhất, Đại úy Nguyễn Thị Thoa chỉ nhẹ nhàng nói: “Lúc đó, tôi cảm thấy khó khăn nhất là có quá ít thời gian để chăm sóc con gái bé bỏng chưa tròn một tuổi. Thế nhưng những lúc như thế, tôi lại cảm thấy mình là người may mắn bởi có người chồng luôn yêu thương, thấu hiểu và sẵn sàng chia sẻ việc gia đình để tôi có thời gian dành cho niềm đam mê của mình”.

Bằng tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao nhất, Đại úy Nguyễn Thị Thoa và các cộng sự đã từng bước đi đến thành công. Đề tài được Hội đồng khoa học Bộ Quốc phòng đánh giá đạt kết quả xuất sắc. Mục tiêu của đề tài đặt ra: Nhằm ngăn chặn việc vận chuyển trái phép vật liệu phóng xạ, hạt nhân và kiểm soát an ninh tại các cửa khẩu, sân bay, cảng biển hay tại các nơi tổ chức sự kiện lớn, hoặc phục vụ các đơn vị có sử dụng phóng xạ cho mục đích nghiên cứu, lưu trữ, y tế, điện hạt nhân để kiểm soát lưu trữ và cảnh báo rò rỉ phóng xạ.

Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, hết mình trong tham gia nghiên cứu khoa học, Đại úy Nguyễn Thị Thoa còn là hạt nhân nòng cốt trong các hoạt động phong trào quần chúng. Với suy nghĩ, các hoạt động phong trào phụ nữ phải thiết thực, tạo động lực thúc đẩy cán bộ, hội viên phụ nữ hăng say trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, góp phần để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chính trị, trên cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ cơ sở, chị Thoa cùng với Ban Chấp hành Hội xây dựng mô hình thi đua “Phụ nữ Viện Hóa học Môi trường Quân sự tiến quân vào khoa học”.

Mô hình ra đời, cũng đồng nghĩa ngày càng nhiều hội viên phụ nữ tự tin, bản lĩnh, mạnh dạn, “dám xông vào” việc khó, việc mới. Tổng kết phong trào nghiên cứu khoa học hằng năm của Viện, số đề tài, sáng kiến do phụ nữ làm chủ nhiệm đề tài hoặc tham gia ngày một nhiều.

Ngoài ra, chị cùng Ban Chấp hành Hội tham mưu với lãnh đạo, chỉ huy đơn vị tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: Hội thi nấu ăn, hội thi cán bộ công đoàn, phụ nữ giỏi; tổ chức các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng; phát động hội viên đăng ký cam kết gia đình đạt 4 tiêu chí “No ấm-Bình đẳng-Tiến bộ-Hạnh phúc”; xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”... Bằng cố gắng và nỗ lực của bản thân, Đại úy Nguyễn Thị Thoa được tặng nhiều bằng khen, giấy khen các cấp và là cá nhân được vinh danh "Phụ nữ Quân đội tiêu biểu giai đoạn 2012-2022".

NGUYỄN THỊ THU HÀ