Sự hy sinh và cống hiến thầm lặng của các anh minh chứng cho tinh thần và phẩm chất cao quý đó. Dưới đây là những dòng tâm sự rất đỗi giản dị của Trung tá Nguyễn Văn Nam, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, BĐBP tỉnh Long An.

"... Nửa đêm, đang mơ mơ, màng màng, nghe tiếng gọi quen thuộc của Đồn trưởng: “Nam ơi! Nam ơi!”. Vội vàng bật dậy, xỏ chân vào đôi giày, tay quơ lấy chiếc đèn pin một cách quán tính, không cần bật đèn, không cần dò dẫm, rồi lao nhanh ra cửa, tót lên chiếc “ngựa sắt” chờ sẵn của Đồn trưởng. 

Chiếc xe xé màn đêm lao vun vút trong hơi lạnh của sương đêm. Vừa chạy, Đồn trưởng vừa trao đổi: “Khu vực chốt KT4 hình như có người định xâm nhập, anh em gác trên chốt báo về như thế, anh em mình ra kiểm tra và giúp đỡ anh em”.

Chẳng biết tự bao giờ, đi ngủ mặc nguyên bộ quân phục, thêm đôi tất màu xanh, trời biên giới Tây Nam mùa này rất oi nồng, nóng nực nhưng chẳng thể trút bỏ lớp quân phục để cho thoải mái. Bởi vì, chỉ sợ khi có tình huống trên biên giới không lên kịp để phụ anh em. 

Trung tá Nguyễn Văn Nam (người đứng) chuẩn bị bữa cơm trưa cho cán bộ, chiến sĩ trên chốt phòng, chống dịch Covid-19. 

Trong những bữa cơm vội vàng, trong những phút trao đổi ngắn công việc hay phổ biến các chỉ thị, kế hoạch, công văn, điện chỉ đạo của trên, Ban chỉ huy Đồn chúng tôi đều nhắc nhở mình và anh em cán bộ, chiến sĩ trực sẵn sàng chi viện ở đơn vị, phải đảm bảo tác phong nhanh nhất có thể, không để các đồng chí trực trên chốt một mình khi có tình huống xảy ra. Đúng là “chống dịch như chống giặc”, mọi thứ đều khẩn trương, nhanh chóng nhưng cẩn thận, chu đáo trước hết phải bảo vệ chính mình, bảo vệ đồng đội không bị lây nhiễm bệnh; đồng thời kiên quyết không cho dịch bệnh xâm nhập vào nước ta. 

Đã hai năm trôi qua, đã lỡ hẹn với con hai lần “khi nào tụi con nghỉ hè, ba mẹ sẽ đưa tụi con về quê thăm nội, ngoại”, cậu út năm nay mới lớp hai nhưng lý sự như “ông cụ non”: “Nhà mình có ba cũng như không, không thấy ba về đưa con đi mua đồ chơi gì hết trơn, ba toàn hứa không hà”,... Anh hai lớp năm rồi nên có vẻ trưởng thành hơn: “Không biết ba với các chú trực phòng, chống dịch Covid-19 à, ba cũng cực lắm chứ bộ, cứ nhõng nhẽo hoài”... Mỗi lần gọi điện cho con, hai khóe mắt cứ cay cay, lại phải lên dây cót để động viên mình, động viên anh em cùng cố gắng...

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp phối hợp tuần tra bảo vệ biên giới. 

Tháng bảy này những năm trước đọc báo, xem thời sự thấy những chuyến xe chở hoa phi yến, nghĩa là "trái tim rộng mở", tượng trưng cho sự may mắn, niềm tin và nụ cười. Loài hoa này mang vẻ thanh tao, quyến rũ khiến nhiều người nao lòng. Một loài hoa người thường hay quên tên trong bận bịu cuộc sống thường nhật nhưng mỗi tháng bảy về là lại tíu tít chọn những bó tươi nhất về cắm vào chiếc lọ mộc mạc, giản dị nhất. Ai đó đã ví hoa phi yến như một chiếc đồng hồ báo thức, chỉ cần thấy nở là đã biết tháng Bảy về, vừa trong trẻo, vừa dịu mát, thơm tho.

Ôi, tháng bảy thương và nhớ. Tháng của lòng biết ơn, tri ân những người đã ngã xuống vì sự trường tồn và phát triển của đất nước, tháng của những hoài niệm với những cơn mưa ngâu bất chợt...

Vậy mà, tháng bảy này không có phút giây nào cho hoa phi yến, hoa sấu, hay những nụ xà cừ bé tý, cả cho những khát khao được sải bước trên những con phố nhỏ Hà Nội. Dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, cả nước cùng chung tay phòng, chống và dập dịch. Chỉ mong, cơn "bạo bệnh" của đất trời nhanh chóng đi qua, trả lại bầu không khí trong lành, trả lại không gian hối hả, nhộn nhịp hằng ngày của cuộc sống.

Và, thèm cả sự yên tĩnh, thèm một giấc ngủ ngon, không chập chờn, thảng thốt, không còn phải nghe những tiếng gõ cửa dồn dập giữa đêm khuya thanh vắng…

Trung tá Nguyễn Văn Nam, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, BĐBP tỉnh Long An