Kết quả bảo đảm công trình trong kháng chiến chống Mỹ của BĐCB là một ví dụ điển hình trong kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam, là bài học lớn để vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Công chính giao thông Cục-tiền thân của Bộ tư lệnh Công binh ngày nay ra đời theo Sắc lệnh số 34/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký đã quy định rõ: Công chính giao thông Cục có nhiệm vụ tổ chức và thi hành việc vận tải, thông tin, vẽ bản đồ và tổ chức công binh dùng vào việc chuyên môn: Cầu cống, đường sá, máy móc...

Lúc đầu hình thành, tuy quy mô lực lượng công binh còn khiêm tốn mới ở cấp đại đội, tiểu đoàn; toàn quân mới chỉ có một trung đoàn công binh chủ lực với trang bị thô sơ, nhưng đã tham gia hầu hết các chiến dịch lớn của quân đội, như: Biên Giới, Hòa Bình, Thượng Lào và Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch Hòa Bình năm 1952, BĐCB đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng lá cờ thêu bốn chữ vàng: “Mở đường thắng lợi”. Từ đây, “Mở đường thắng lợi” trở thành truyền thống vẻ vang của BĐCB Việt Nam.

leftcenterrightdel
Nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại của Pháp, trong đó có không ít loại mang nhãn hiệu Mỹ bị quân ta phá hủy hoặc thu được trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Trong kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, BĐCB đã huy động toàn bộ 20 đại đội công binh, cùng hàng vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, mở đường, bắc cầu, phá thác, khắc phục bom, mìn địch, đào hầm hào, trận địa pháo, làm sở chỉ huy… Đặc biệt, bằng tinh thần chiến đấu dũng cảm, không quản ngại hy sinh, gian khổ, các chiến sĩ công binh đã đào đường hầm dài gần 50m giữa lòng đồi A1 và bố trí gần 1.000kg thuốc nổ, đánh sập một phần hệ thống hầm ngầm kiên cố của địch, tạo điều kiện cho quân ta tiến lên giành toàn thắng.

Giai đoạn 1954-1964, tận dụng thời kỳ hòa bình ở miền Bắc, thực hiện phương châm huấn luyện “hệ thống và cơ bản, nâng cao sức chiến đấu của bộ đội, từng bước tiến lên chính quy và hiện đại”, lực lượng công binh đã tập trung xây dựng chính quy và từng bước phát triển nghệ thuật bảo đảm công trình phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Các đơn vị công binh đã tập trung huấn luyện chuyên môn theo nhiệm vụ của các đơn vị chuyên ngành: Công binh công trình, công binh vượt sông, công binh cầu đường. Các nội dung cơ bản đã được huấn luyện, như: Kỹ thuật làm đường, bắc cầu, vượt sông, xây dựng công sự... và một số vấn đề bảo đảm (làm công trình trong chiến đấu, chiến dịch). Xu hướng huấn luyện BĐCB lấy chiến đấu hiệp đồng binh chủng với trang bị, vũ khí hiện đại làm cơ sở. Đây là hướng chi phối lớn đến huấn luyện của BĐCB và là cơ sở cho việc thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm công trình chiến đấu chiến dịch trong giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giao thông vận tải trở thành mặt trận quan trọng, bảo đảm sự chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam. Với khẩu hiệu “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”, BĐCB đã chiến đấu dũng cảm, lao động quên mình, ngày đêm xẻ núi, san đồi, bắc cầu, ghép phà, mở đường, bảo đảm giao thông, rà phá, khắc phục bom, mìn, vật nổ... Một số nghệ thuật bảo đảm công trình của BĐCB trong kháng chiến chống Mỹ được đúc kết ở mấy vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, về bảo đảm đường cơ động, đây là một trong những nội dung nghệ thuật bảo đảm công trình chủ yếu trong tác chiến hiệp đồng binh chủng. Ngay từ những ngày đầu chống Mỹ, ta đã xác định được những nhiệm vụ bảo đảm công trình chủ yếu, trong đó có chuẩn bị và bảo đảm đường, tập trung mọi nỗ lực cao nhất để bảo đảm cho binh khí kỹ thuật cơ động. Việc chuẩn bị cho đường cơ động được thực hiện sớm trước khi có ý định tác chiến, mọi lực lượng đều tham gia bảo đảm. Trong quá trình bảo đảm, đã kết hợp giữa mạng đường chiến dịch với mạng đường chiến lược mới đáp ứng được yêu cầu cơ động và vận chuyển chiến dịch. Nghệ thuật bảo đảm đường cơ động nổi lên đặc trưng mới, đó là: Thời gian chuẩn bị thường ngắn, lực lượng phương tiện hạn chế, làm đường dưới sự khống chế của hỏa lực, không quân, pháo binh địch... Song ta đã biết tranh thủ thời gian, biết tận dụng, cải tạo, sửa chữa khôi phục đường có sẵn, bảo đảm cả về khối lượng và thời gian. Nơi xa địch làm trước, gần địch làm sau, nơi kín đáo bí mật thì làm trước, nơi trống trải làm sau, làm đến đâu tổ chức ngụy trang đến đó, sử dụng và bảo đảm đường hợp lý, có lực lượng chủ lực, có lực lượng địa phương, dân công, thanh niên xung phong, trong đó lực lượng công binh làm nòng cốt, thực hiện bảo đảm đường có hiệu quả.

leftcenterrightdel
Trung đoàn 6 công binh anh hùng Bộ đội Trường Sơn trong nhiệm vụ mở đường lớn bằng phương tiện cơ giới chuẩn bị cho Chiến dịch Tổng công kích mùa Xuân 1975. Ảnh tư liệu.

Ví dụ như trong Chiến dịch tiến công Quảng Trị (năm 1972), công binh phối hợp với các lực lượng trên địa bàn chiến dịch, chuẩn bị mạng đường cơ động với số lớn, bảo đảm cho các lực lượng chiếm lĩnh trận địa đúng thời gian và vị trí quy định, nhất là trên hướng chủ yếu. Việc sử dụng mạng đường có sẵn trong quá trình phát triển tiến công là nhu cầu tất yếu. Nối thông đường của ta và đường trong khu vực địch là một sáng tạo và cách xử trí táo bạo của BĐCB trong nghệ thuật bảo đảm công trình.

Trên các trọng điểm địch đánh phá ác liệt, địa bàn xung yếu và các trục giao thông quan trọng, lực lượng công binh ngày đêm bám đường, bám bến, bảo đảm cho các mạch máu giao thông luôn thông suốt, nối liền hậu phương với tiền tuyến. BĐCB Trường Sơn đã xây dựng được hệ thống đường giao thông chiến lược nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, qua cả nước bạn Lào và Cam-pu-chia, trên diện tích địa bàn hơn 130.000km2, tổng chiều dài gần 20.000km; trong đó có những thời điểm, lực lượng công binh chiếm tới 32% tổng quân số của Bộ đội Trường Sơn. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, BĐCB đã huy động 2 sư đoàn, 3 lữ đoàn, 20 trung đoàn, 30 tiểu đoàn làm nhiệm vụ bảo đảm cơ động trên hàng nghìn ki-lô-mét cho các quân, binh chủng với hàng vạn người cùng binh khí kỹ thuật, xe, pháo các loại tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Hoặc trong chiến dịch Tây Nguyên năm 1975, chỉ trong vòng 3 tháng, lực lượng công binh cùng các lực lương khác đã bảo đảm cho bộ đội và binh khí kỹ thuật vượt hàng trăm ki-lô-mét đường, làm và khắc phục hàng trăm cây cầu lớn nhỏ... góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch.

Thứ hai, về bảo đảm vượt sông, do đặc điểm địa hình nước ta phức tạp và mật độ sông ngòi khá lớn nên vấn đề vượt sông trong chiến đấu của quân đội ta đóng vai trò hết sức quan trọng. Nếu trong kháng chiến chống Pháp ta tổ chức vượt sông chủ yếu bằng vật liệu tại chỗ, ghép bè màng, bắc cầu nổi hoặc dựa vào thuyền của dân bảo đảm cho bộ binh và ô-tô vận tải qua sông, thì trong kháng chiến chống Mỹ với trình độ tác chiến của quân đội ta ở quy mô chiến dịch, hiệp đồng binh chủng với trang bị, phương tiện kỹ thuật tương đối hiện đại, vấn đề bảo đảm vượt sông cho bộ đội và binh khí kỹ thuật trở thành nhiệm vụ không thể thiếu trong nội dung nghệ thuật bảo đảm công trình. Quá trình bảo đảm vượt sông trong điều kiện địch khống chế các khu vực bến vượt bằng hỏa lực không quân, pháo binh, tên lửa, phương tiện vượt sông của ta có hạn, nhiều nơi tổ chức vượt sông bằng phà là chủ yếu. Song chúng ta đã biết huy động được sức mạnh của mọi lực lượng, phương tiện kỹ thuật sẵn có để bảo đảm vượt sông với nhiều hình thức, phương tiện khác nhau, bảo đảm cho lực lượng binh khí kỹ thuật cơ động kịp thời, đáp ứng được yêu cầu tác chiến.

Thứ ba, xây dựng công sự trận địa trong kháng chiến chống Mỹ càng được phát triển rộng rãi, công sự trận địa cho chiến đấu, ẩn nấp và bảo đảm được xây dựng ở các đơn vị trong mọi hình thức tác chiến. Trong chiến đấu phòng ngự, công sự trận địa càng có vị trí vô cùng quan trọng vừa để đánh địch giữ vững khu vực, mục tiêu phòng ngự, vừa bảo toàn sức chiến đấu của bộ đội. Đặc biệt, khi xây dựng công sự trận địa dưới hỏa lực đánh phá ác liệt của địch, bộ đội ta vẫn hoàn thành được hệ thống công sự trận địa có đủ các thành phần: Công sự chiến đấu, ẩn nấp, hào giao thông, được ngụy trang kín đáo, tạo điều kiện cho bộ đội chiến đấu giữ vững trận địa. Hệ thống công sự trận địa có yêu cầu về kỹ thuật, chiến thuật ngày càng cao, có khối lượng công trình rất lớn nên các lực lượng phải tự xây dựng. Những khu vực quan trọng như: Trận địa pháo binh, phòng không có yêu cầu kỹ thuật cao, khối lượng lớn, thường do công binh các quân binh chủng đảm nhiệm. Chiến tranh càng hiện đại, uy lực bom đạn ngày càng lớn, độ chính xác cao, việc xây dựng công sự trận địa trong kháng chiến chống Mỹ là bước phát triển nổi bật trong nghệ thuật bảo đảm công trình tác chiến.

leftcenterrightdel
Bộ đội công binh, dân công hỏa tuyến trong kháng chiến chống Mỹ, sửa chữa đường Quyết Thắng (Quảng Bình), đoạn đường thường xuyên bị địch đánh phá ác liệt, đảm bảo thông xe. Ảnh: Hữu Ngôi - TTXVN.

Cùng với chiến trường miền Nam, trong cuộc chiến đấu chống lại chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc của đế quốc Mỹ, BĐCB là lực lượng nòng cốt chỉ đạo, nghiên cứu, xây dựng công trình chiến đấu, phòng thủ và phòng tránh cho nhân dân. Tổ chức thi công hàng trăm đường hầm, hàng vạn công sự, trận địa, hệ thống sân bay, cầu cảng quân sự, với phương châm đưa cả dân tộc xuống lòng đất để đánh Mỹ và thắng Mỹ.

Thứ tư, việc bố trí vật cản và khắc phục vật cản mở cửa đạt được nhiều thắng lợi, nổi lên trong việc bố trí vật cản đánh phá giao thông ngăn chặn địch và bố trí hệ thống vật cản trong chiến đấu phòng ngự đã có tác dụng lớn góp phần tiêu diệt địch. Việc mở cửa mở qua bãi vật cản của địch bảo đảm cho bộ binh và xe tăng đột phá tiến công địch phòng ngự là vấn đề hết sức khó khăn và phức tạp, dễ bị tổn thất lớn. Bộ đội ta đã vận dụng nhiều phương pháp để mở cửa mở bảo đảm an toàn cho lực lượng ta tiến công và giành thắng lợi.

Nghệ thuật bảo đảm công trình tác chiến trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ đã có bước phát triển mới, càng về cuối cuộc chiến tranh, càng phát triển một cách toàn diện, có chiều sâu. Việc bảo đảm cơ động cho bộ đội và binh khí kỹ thuật là tổng hợp nhiều nhiệm vụ bảo đảm công trình, trong đó bao gồm cả bảo đảm đường, bảo đảm vượt sông, khắc phục vật cản, xây dựng công sự trận địa... bằng các phương tiện tại chỗ, kết hợp với phương tiện chế thức và phương tiện thu được của địch. Nổi bật nhất là bảo đảm công trình trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (năm 1975). Đây là đỉnh cao của nghệ thuật bảo đảm công trình trong vòng 30 năm kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, là kết quả của quá trình chiến đấu và trưởng thành của bộ đội ta nói chung và công binh nói riêng, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.

Gắn liền với lịch sử vẻ vang 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, những năm qua, BĐCB tiếp tục có bước trưởng thành mới khi đã nghiên cứu, ứng dụng, tham mưu với Bộ Quốc phòng, với Đảng và Nhà nước trong phát huy tiềm lực của các địa phương, tích cực xây dựng khu vực phòng thủ liên hoàn, vững chắc, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng-an ninh vững chắc, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Và đây cũng chính là nội dung để hoàn thiện nghệ thuật bảo đảm công trình công binh trong chiến đấu, chống lại chiến tranh công nghệ cao có sử dụng vũ khí tinh khôn, chính xác.

TRẦN THANH KHÔI