Về thôn Thượng Cung (xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) những ngày đầu thu sẽ cảm nhận được không khí lao động sản xuất hăng say của người dân địa phương. Bàn ghế, giường tủ, các đồ tượng gỗ trang trí được bày bán tấp nập dọc hai bên con đường làng; tiếng dùi tiếng đục vang lên khắp các ngõ ngách làng quê.

leftcenterrightdel

Ông Bản đã làm khuôn bánh trung thu truyền thống hơn 40 năm. 

Duy chỉ có một hộ không sản xuất các đồ gỗ thương mại mà chỉ làm khuôn bánh trung thu đó là nhà ông Trần Văn Bản, chẳng phải do nghề này kiếm được lợi nhuận cao hay dễ làm, mà vì nỗi trăn trở của ông Bản trong việc gìn giữ nghề ông cha để lại cũng như tình yêu của ông đối với những chiếc khuôn gỗ.

Ông Bản cho biết, ông bắt đầu khuôn bánh trung thu từ khi học phổ thông và làm suốt mấy chục năm nay. Ngày xưa, nguồn gỗ cây thị phong phú nên được chọn làm nguyên liệu làm khuôn, nay do không có nguồn nguyên liệu gỗ thị nên ông Bản thay bằng gỗ xà cừ.

Hơn 40 năm gắn bó với nghề làm khuôn bánh, ông Bản đã từng trải qua những lúc thăng lúc trầm nghề nghiệp nhưng có trầm đến đâu ông Bản vẫn quyết giữ lấy nghề. “Ngày trước tôi làm quanh năm có việc đều nhưng bây giờ xuất hiện nhiều chất liệu khác thay thế khuôn gỗ nên đơn hàng cũng ít đi, vì vậy tôi thường bắt đầu làm từ tháng 4 hằng năm đến qua Trung thu”, ông Bản tâm sự.

Nghề làm khuôn bánh trung thu tưởng chừng như đơn giản nhưng thực tế khá phức tạp, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề kỹ thuật cao. Bản thân ông Bản phải mất vài năm đầu mới thạo nghề, đó là còn chưa kể trong quá trình làm phải tự học và trau dồi bản thân. “Bây giờ có máy móc hiện đại cũng giúp được mấy công đoạn làm thô, nhưng đến công đoạn khắc chi tiết thì bắt buộc người thợ phải làm. Đối với các khuôn nhỏ, sâu đục rất khó và lâu, yêu cầu phải có kỹ thuật cao, chỉ khẽ mạnh tay sẽ vỡ khuôn và phải bỏ đi”, ông Bản cho biết.

Ông Bản chia sẻ, khuôn bánh trung thu có 3 loại khuôn mở, khuôn đĩa và khuôn chuôi, còn họa tiết thì có hàng nghìn loại như hoa hồng, hoa mai, hoa sen, hình cá chép, rồng phượng hay các chữ nho.

Đục khuôn bánh nướng yêu cầu nét phải mềm mại, nông nét để khi nướng bắt lửa quét thêm lớp trứng sẽ đều còn nếu làm khuôn bánh nướng nét sâu và sắc quá khi quét trứng sẽ đọng nhiều trứng trên bề mặt khuôn nướng sẽ bị cháy. Còn khuôn bánh dẻo đục sâu nét, hoa văn thoáng đạt hơn.

Sau khi đục hoàn tất phần lõi, khuôn bánh sẽ được tiện cán để thuận tiện cầm nắm khi làm bánh. Với những khuôn bánh phổ thông, ông Bản chỉ mất 2 tiếng để hoàn thành, còn khuôn bánh có độ phức tạp thì có thể mất 1-2 ngày hoặc cả tuần. Ngoài làm khuôn bánh trung thu, ông Bản còn làm khuôn xôi, oản. “Nếu tính giá trị thương mại thì làm khuôn bánh thua xa làm bàn ghế hoặc đồ trang trí nhưng tôi không có đam mê làm những đồ đó. Tôi thích được làm và sáng tạo các mẫu khuôn bánh Trung thu, vì nó đem lại nguồn cảm hứng cho tôi”, ông Bản trải lòng.

Bình quân cứ mỗi mùa Trung thu, ông Bản làm ra khoảng hơn 200 chiếc khuôn bánh, cả năm khoảng 600 chiếc. Khách đặt hàng từ trong Nam ngoài Bắc đều có, thậm chí có cả Việt kiều cũng từng đặt khuôn bánh của ông. Ông Bản bảo rằng ông vui vì giữ được nghề của cha ông và góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống trong dịp Tết Trung thu. Đó chính là lửa nghề giúp ông duy trì nghề trong suốt bao năm nay.

Chị Trần Thùy Trang, con gái ông Bản, chia sẻ: Nghề làm khuôn bánh Trung thu là nghề của ông cha để lại. Bố tôi đã theo nghề mấy chục năm và bây giờ chúng tôi cũng rất vui khi được tiếp nối nghề này cho dù thu nhập không cao bằng làm đồ gia dụng. Tôi hy vọng những chiếc khuôn bánh bằng gỗ sẽ tiếp tục góp vui vào ngày Tết thiếu nhi, đem lại cho các em niềm háo hức của tuổi thơ.

NGUYỄN VĂN CÔNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.