Tuy đầu đề bài báo là báo cáo nhưng khi đọc kỹ thì nội dung bên trong lại là câu từ mang ý nghĩa xây dựng niềm tin, cổ vũ tinh thần, tạo động lực thi đua cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Những đoạn đầu của bài báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát kết quả chuyến đi trong thời gian tròn một tháng (từ ngày 22-6 đến 22-7-1955) với tổng quãng đường dài 22.000km từ Hà Nội qua Bắc Kinh (Trung Quốc), qua Ulan Bator (Mông Cổ) đến Moscow và ngược lại. Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo về sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của các nước đối với Việt Nam thông qua số liệu hết sức cụ thể: Liên Xô giúp 306 ngàn triệu đồng ngân trong 2 năm; Trung Quốc giúp 1.224 ngàn triệu đồng ngân trong 5 năm; Mông Cổ giúp 500 tấn thịt và một số bò, cừu để lập trại chăn nuôi.
Người nêu rõ lý do: “Các nước bạn, nhất là Liên Xô và Trung Quốc, giúp ta rất nhiều. Sự giúp đỡ ấy càng khuyến khích nhân dân và cán bộ ta phải ra sức làm trọn nhiệm vụ: Phấn đấu để khôi phục lại kinh tế và văn hóa, để chuẩn bị điều kiện xây dựng nước nhà; hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm; vỡ hoang, phòng lụt, chống hạn, để đánh tan giặc đói”. (1)
Người khái quát ngắn gọn, dễ hiểu ở những đoạn sau rằng: “Ngày nay, hòa bình đã trở lại, nhưng chưa củng cố, đất nước ta còn tạm chia làm hai miền; đế quốc Mỹ đang âm mưu trường kỳ chia rẽ nước ta. Trước tình hình ấy, chúng ta phải nâng cao chí khí phấn đấu và tinh thần cảnh giác. Chúng ta phải đoàn kết nhất trí từ Bắc đến Nam, kiên quyết đấu tranh vượt khó khăn để thi hành Hiệp định Geneve”. (2)
Năm 1955 là thời điểm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tập trung tinh thần, lực lượng, phương tiện để tiếp tục củng cố chính quyền cách mạng, diệt giặc đói, giặc dốt... Đây cũng là những năm tháng nhiều khó khăn gian khổ để hàn gắn vết thương chiến tranh sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, xây dựng nền móng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Từ đây và nhất là sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Nghị quyết về “Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước”, hàng loạt hoạt động thi đua của các ngành, các giới được tổ chức mang lại hiệu quả lớn, nhân lên sức mạnh Việt Nam thần kỳ trong thế kỷ 20.
Trong bài báo đặc biệt này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền tư tưởng thi đua yêu nước thành thi đua xã hội chủ nghĩa hết sức nhuần nhuyễn, nhằm xây dựng động lực thi đua cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, hướng tới thực hiện mục tiêu quan trọng là làm ra nhiều của cải vật chất, xây dựng đất nước giàu mạnh. Người đã cho chúng ta bài học giá trị và hiện nay nó còn nguyên tính thời sự: Không ỷ vào sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế mà phải tự lực cánh sinh, tự lực, tự cường khắc phục khó khăn gian khổ, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, lao động sáng tạo, có năng suất, hiệu quả cao, nhân sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa ấy hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước tươi đẹp, giàu mạnh, sánh vai với bạn bè quốc tế, để ngày càng xứng đáng với niềm tin và sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước bạn.
Ngày nay, phong trào thi đua yêu nước, thi đua xã hội chủ nghĩa tiếp tục được phát triển, nở rộ trên nhiều lĩnh vực và cho ra nhiều “hoa thơm trái ngọt”, giúp cho vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được lớn mạnh. Điều này thêm một lần nữa khẳng định, thi đua yêu nước, thi đua xã hội chủ nghĩa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng và xây dựng có sức trường tồn.
LÂM ANH
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2000; trang 29-30.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2000, trang 31.