Kiến thiết cần phải có nhân tài”. Người thẳng thắn tự nhận khuyết điểm: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó, tôi xin thừa nhận”. Từ đó, Bác đề ra cụ thể nhiệm vụ của các địa phương là phải quan tâm để ý, phát hiện người tài ở địa phương mình, báo cáo lên Chính phủ để trọng dụng người tài đó.

Tư tưởng của Bác và những câu chuyện trọng dụng nhân tài của Người để lại nhiều bài học quý giá cho Đảng ta. Đó là, muốn trọng dụng nhân tài thì phải có chính sách đúng, đây là cái gốc. Không thể ngồi đợi người tài tự đến với mình, mà phải đi vận động. Vận động ở đây không có nghĩa là dùng tiền bạc mà bằng sự chân thành, cởi mở, lấy tinh thần yêu nước làm động lực, chứ không phải vì động cơ để có quyền cao chức trọng hay lợi ích vật chất.

Bên cạnh đề cao việc lựa chọn người tài, Bác còn luôn quan tâm chăm lo cho đội ngũ trí thức. Tết năm 1946-Tết độc lập đầu tiên, rồi Tết Đinh Hợi năm 1947, trong khi đang phải dồn tâm sức chỉ đạo toàn quốc kháng chiến, nhưng Bác vẫn dành thời gian thăm hỏi các nhân sĩ, trí thức. Từ những việc làm đó của Bác Hồ, các nhân sĩ, trí thức nhận thấy sự quý trọng chân thành chứ không phải là sự lợi dụng nhất thời nên họ đã gắn bó chung thủy suốt đời với cách mạng.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn đối với nhân tài và đội ngũ trí thức, quan tâm, động viên và khuyến khích đội ngũ này đóng góp tài năng cho đất nước. Công tác trọng dụng trí thức nói chung, nhân tài nói riêng được Đảng ta xác định rõ trong Nghị quyết Trung ương 27 (khóa X), Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng (phần nói về giáo dục-đào tạo).

Công cuộc đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta sau gần 35 năm tiến hành đã thu được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, vị thế nước ta được nâng cao trên trường quốc tế. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tri thức, kinh tế số và xu hướng quốc tế hóa nguồn nhân lực vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với nước ta. Trong bối cảnh đó, đất nước càng cần phải có đội ngũ trí thức chất lượng cao và đặc biệt quan trọng là phải có nhiều nhân tài đích thực. Do vậy, thiết thực chăm lo, phát hiện, bồi dưỡng và thực sự trọng dụng hiền tài theo tư tưởng Hồ Chí Minh là yêu cầu tất yếu để đất nước phát triển nhanh, bền vững.

THÀNH AN